Tổn thương bệnh lý tai trong (còn gọi là hội chứng Méniere – do bác sĩ người Pháp Prosper Méniere tìm ra).
Bệnh biểu hiện bằng 3 triệu chứng chính là chóng mặt, ù tai và nghe kém. Lúc chóng mặt thì hay buồn nôn, ra mồ hôi, sắc mặt trắng bệch và nhức mắt. Người bệnh luôn nhắm nghiền mắt, không rời giường, không dám hoạt động mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thao tác vận động.
Theo Đông y, bệnh này thuộc chứng huyễn vựng gồm triệu chứng chóng mặt là chủ yếu kết hợp với các chứng ù tai, nôn mửa. Nguyên nhân của chứng này có nhiều luận thuyết của các y gia qua nhiều thời đại.
Sách Nội kinh nói: “Các chứng phong làm xoay chuyển, choáng váng đều thuộc về can”.
Trương Trọng Cảnh nêu ra rằng chứng đàm ẩm cũng có thể gây ra choáng váng.
Sách Kim quỹ yếu lược viết: “Dưới tâm có đàm ẩm thì ngực sườn đầy, hoa mắt”.
Chu Đan Khê cũng cho nguyên nhân chủ yếu của chứng choáng váng là do đờm, cho nên cũng nói: “Không có đờm thì không sinh ra choáng váng”.
Trương Cảnh Nhạc cho rằng thể chất người bệnh hư tổn là nhân tố cơ bản của chứng huyễn vựng. Ông nói: Không có hư tổn thì không có chứng huyễn vựng. Nên chủ yếu là chữa về hư tổn.
Theo thuyết các y gia nói trên có thể chia ra 3 loại:
– Loại can phong.
– Loại huyết hư.
– Loại đàm thấp.
Loại can phong: do can hỏa vượng, can dương bốc lên, can thận âm hư gây ra. Thường gặp ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm… Có triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn mửa, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ. Mạch huyền, tế, đới sác.
Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương, hoặc bổ thận âm, bổ can huyết, tiềm dương.
Bài 1: Thục địa 16g; quy bản, miết giáp, câu kỷ tử, long cốt mỗi vị 12g; mẫu lệ 18g; câu đằng 16g, táo nhân 12g. Sắc uống ngày 1 thang
Bài 2: Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g; phục linh, trạch tả, đơn bì, bạch thược, đương quy, sơn thù, cúc hoa mỗi vị 8g; hoài sơn, long cốt, mẫu lệ, câu kỷ tử đều 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma, phục linh, dạ giao đằng, hoàng cầm mỗi vị 12g; tang ký sinh, câu đằng mỗi vị 16g; chi tử 8g; thạch quyết minh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu huyết áp tăng gây chóng mặt, phiền táo, ngủ ít, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài Long đởm tả can thang gia giảm: long đởm thảo, hoàng cầm, sơn chi, sài hồ đều 12g, mộc thông, sinh địa 16g, mẫu lệ sống 16g, xa tiền 16g đương quy 8g, trạch tả 8g, địa long 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Các huyệt chính cần tác động: – Nội quan: từ cổ tay phía lòng bàn tay đo lên 2 tấc, cách 2 ngón tay 2 và 3. – Lao cung: từ khe giữa ngón tay thứ 3 và thứ 4 kéo thẳng xuống giữa lòng bàn tay. – Thiên lịch: trên huyệt dương khê 3 tấc. – Phong trì: phía sau tai, chỗ lõm ở chân tóc. – Định huyễn: từ phong trì đo lên 1 thốn. Chủ yếu là day bấm 2 huyệt lao cung và thiên lịch có tác dụng tốt trong điều trị bệnh lý tai trong. Phối hợp tất cả các huyệt có tác dụng thanh nhiệt ở lục phủ, ngũ tạng, thanh tâm hỏa, trừ thấp nhiệt, lương huyết, định tâm, an thần, thông mạch lạc, trị đau đầu, ù tai, đau các dây thần kinh, có tác dụng tốt trong phòng và trị bệnh lý tai trong. |
Loại huyết hư: thường gặp ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch.
Triệu chứng: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi, hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt, hoa mắt. Mạch tế nhược. Kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt.
Phép chữa: dưỡng huyết, tức phong.
Bài 1: Thục địa 16g, hà thủ ô 16g, tang ký sinh 16g; xuyên khung 12g, kỷ tử 12g, ngưu tất, long nhãn, cỏ nhọ nồi, hoài sơn đều 12g. Sắc uống.
Bài 2: Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 12g, tang ký sinh 16g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, hà thủ ô 16g, a giao 8g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Ngũ vị tử thang: ngũ vị tử 8g, toan táo nhân, hoài sơn, long nhãn đều 12g, đương quy 8g. Sắc uống ngày một thang.
Loại hàn thấp:
Triệu chứng: người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính. Mạch hoạt.
Phép chữa: hòa đàm trừ thấp.
Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm: trần bì, bán hạ chế, phục linh đều 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang
– Nếu miệng đắng, lưỡi khô, tiểu vàng, phiền táo, đại tiện táo thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, bạch thược 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g.
– Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm đảng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g.
Kết hợp uống thuốc với châm cứu, day bấm các huyệt thì bệnh càng chóng khỏi.
Lương y Minh Chánh
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…