Categories: Khớp

Thông tin y học chuyên sâu về bệnh thoái hóa khớp và cột sống

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp không do viêm, nguyên nhân chưa rõ, khởi phát dần dần ở một hay nhiều khớp, đặc trưng bởi tổn thương sụn khớp, tạo gai xương và đặc xương dưới sụn.

Tính phổ biến của bệnh:

Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Khoảng 2/3 số bệnh nhân là phụ nữ. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (gấp khoảng 1.5 – 2 lần).

Nhận biết dấu hiệu bệnh:

– Đau: triệu chứng sớm nhất của thoái hóa khớp, có tính chất cơ học, đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi vận động, nghỉ sẽ hết đau, sau đó có thể đau âm ỉ, liên tục cả khi ngồi, đau tăng hơn khi vận động. Đau thường không kèm theo các triệu chứng khác của viêm như sưng, nóng, đỏ, sốt. Nếu thoái hóa khớp gối, người bệnh đau nhiều khi đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn, nhất là lúc lên xuống thang gác hoặc đang ngồi xổm đứng dậy. Nếu thoái hoát cột sống thắt lưng, người bệnh bị đau âm ỉ ở vùng thắt lưng và thường đau trội lên về chiều sau một ngày làm việc phải đứng nhiều hay lao động nặng, lúc nằm nghỉ đau sẽ giảm. Một đặc điểm nữa của thoái hóa khớp là dấu hiệu “phá rỉ khớp”. Đó là hiện tượng cứng khớp buổi sáng (hoặc sau khi nghỉ ngơi lâu) kéo dài từ 15-30 phút, bệnh nhân phải vận động một lúc mới trở lại bình thường.

– Hạn chế vận động: thoái hóa khớp gối, các động tác gấp và duỗi thẳng chân bị hạn chế đứng lên ngồi xuống khó khăn, có thể không ngồi được. Nếu bị thoái hóa khớp háng, người bệnh đi khập khiễng, giạng hay khép háng đều khó khăn, khó gập đùi vào bụng. Thoái hóa cột sống bệnh nhân làm các động tác cúi, nghiêng, ngửa hoặc xoay người bị hạn chế.

– Tiếng kêu tại khớp: vận động khớp thường thấy tiếng lạo xạo hoặc lục khục. Kèm theo có thể thấy đầu xương  bị phì đại thành ụ xương, lệch trục khớp, teo cơ….

Các xét nghiệm và thăm dò cần thiết: trong thoái hóa khớp, xét nghiệm máu không có hội chứng viêm. Tốc độ máu lắng, protein C phản ứng, bạch cầu máu bình thường. Chụp Xquang khớp phát hiện thấy hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, gai xương hoặc kén Baker được quan sát thấy trên siêu âm hoặc cộng hưởng từ.

Nguyên nhân của bệnh

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa bao gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm do khuân vác đồ nặng, cũng làm tăng gánh nặng cho các khớp, khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Ngoài ra, yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chẩn đoán bệnh

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và Xquang hoặc cộng hưởng từ. Thường áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ ARC 1991 đối với thoái hóa khớp các khớp ngoại biên. Đối với thoái hóa khớp gối là bệnh hay gặp nhất có 4 tiêu chuẩn chẩn đoán, bao gồm: 1 Mọc gai xương ở rìa khớp (Xquang); 2. Dịch khớp là dịch thoái hóa; 3. tuổi trên 3;4. Cứng khớp dưới 30 phút; 5. Lạo xạo khi cử động. Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp

– Giảm đau trong các đợt tiến triển.

– Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.

– Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các biện pháp điều trị.

Điều trị không dùng thuốc: vật lý trị liệu. Có nhiều biện pháp vật lý trị liệu khác nhau. Các liệu pháp tác động cơ học bao gồm xoa bóp, kéo nắn, bấm huyệt, có tác dụng giãn cơ, giảm đau. Các biện pháp dùng nhiệt như hồng ngoại, đắp bùn nóng, parafin làm giãn cơ, giảm đau và tăng cường tưới máu giúp khớp bị tổn thương phục hồi. thủy liệu pháp bao gồm sử dụng nhiều loại nước có nguồn gốc tự nhiên nhưng có khả năng chữa bệnh như tắm nước khoáng, nước nóng, bơi lội. Có thể dùng các biện pháp khác như kích thích điện thần kinh qua da, châm cứu. Ngoài ra, có thể dùng các biện pháp khác như kích thích điện thần kinh qua da, châm cứu. Ngoài ra, có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ khớp, cột sống như dụng cụ chỉnh hình, nẹp đai lưng.

Điều trị bằng thuốc: thuốc giảm đau đơn thuẩn paracetamol, acetaminophen. Các thuốc kháng viêm không steroid như nhóm meloxicam, nhóm coxib… thường được chỉ định trong đợt cấp và ngừng khi triệu chứng đau giảm để tránh tác dụng phụ của thuốc. Trong những đợt cấp có tràn dịch khớp tiêm Corticosteroid cũng được chỉ định và cho kết quả tốt nhưng phải thực hiện trọng điều kiện vô trùng nghiêm ngặt và không nên lạm dụng.

Ngoài ra, nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm có thể cải thiện được tiến triển của bệnh thoái hóa khớp như glucosamine sulfate dạng tinh thể, diacerein, acid hyaluronic… các thuốc này đều cần được điều trị đủ liều theo hướng dẫn của các thầy thuốc.

Cấy tế bào gốc: là phương pháp điều trị mới hiện áp dụng đối với thoái hóa khớp gối. trong thoái hóa khớp, khi đưa các tế bào gốc vào khớp bị thoái hóa, các tế bào gốc sẽ biệt hóa thành các tế bào sinh sụn, từ đó tạo ra các tế bào sụn để hàn gắn, tái tạo sụn lành tại sụn khớp bị tổn thương. Kích hoạt tế bào gốc từ một loại tế bào không chuyên biệt biến chuyển thành tế bào chuyên biệt tương ứng với mô, cơ quan tổn thương, từ đó sửa chữa, tái tạo những tổn thương tại chỗ bằng cách xây dựng các mô lành mạnh thay thế. Nguồn tế bào gốc có thể từ tủy xương, tế bào gốc chiết suất từ mô mỡ hoặc từ huyết tương giàu tiểu cầu.

Phẫu thuật: trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa: nội soi để cắt loại bỏ dị vật, sửa trục khớp; mổ thay khớp nhân tạo khi khớp bị mất chức năng nhiều.

Phòng ngừa thoái hóa khớp

Để đề phòng và hạn chế thoái hóa khớp, ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh bị thừa cân, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Tập vận động thường xuyên và vừa sức tăng cường sức mạnh cơ (tứ đầu đùi, cơ cạnh cột sống) giúp lưu thông máu dễ dàng, là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương và giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động; giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức đối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp. Nên sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng và tránh quá sức: khi nâng hay xách đồ nặng, cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân và nên tận dụng thêm các dụng cụ hỗ trợ. Ngoài ra, cần giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế, không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp và để tránh thoái hóa khớp thứ phát cần điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp đã mắc phải.

 

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago