Liên tục vừa tiếp nhận bệnh nhân vừa khám rồi cho y lệnh, ghi toa thuốc, bác sĩ Lương Văn Chương, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Saint Paul Hà Nội chia sẻ, hầu hết bệnh nhi đến khám trong tình trạng nặng như sốt cao, co giật, ho kèm sốt, hoặc tiêu chảy liên tục. Các cháu được người nhà đưa thẳng vào bệnh viện hoặc từ các tuyến dưới chuyển lên.
“Cả chiều hôm qua cháu vẫn chơi đùa bình thường, 10h đêm bắt đầu sốt cao 39-40 độ, uống thuốc hạ sốt mà không đỡ, đến 4h sáng thì cháu bị co giật, em phải đưa vào viện để cấp cứu ngay”, chị Nguyễn Thị Huệ, mẹ bé trai 4 tuổi cho biết.
Một cháu bé khác được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng mệt lả đi trên vòng tay của mẹ và bà. Mẹ bé cho biết mấy ngày trước cháu vẫn bình thường, đến đêm qua thì bị tiêu chảy đến hơn 10 lần, tiêu ra chất nhầy và máu, không ăn uống được gì.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe một bệnh nhi. Ảnh: M.T.
Phần lớn bệnh nhi nhập viện có liên quan đến nhóm bệnh hô hấp. Hầu hết khi vào khám các cháu đều đã chuyển nặng dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh nhi Lê Ngọc Dung 4 tháng tuổi, nhập viện do ho kéo dài đã 8 ngày, uống thuốc không đỡ. Mẹ bé chia sẻ mấy ngày nắng nóng vừa rồi gia đình rất cẩn thận phòng bệnh cho con bằng cách chỉ bật điều hòa nhẹ, thế nhưng cháu vẫn ho suốt cả tuần trước, đến hôm qua thì ho đờm nhiều hơn kèm theo sốt. Vào khám lại thì cháu đã chuyển sang viêm phổi, phải nhập viện để điều trị.
Chia sẻ thêm về trường hợp này, bác sĩ Chương cho biết cháu bé đã có tiền sử điều trị viêm phổi từ lúc 40 ngày tuổi, vì vậy những khi thời tiết thay đổi thế này rất dễ bị tái phát.
Theo bác sĩ Chương, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu, thời tiết thay đổi quá nhanh khiến cơ thể trẻ em không thích nghi kịp. Hơn nữa, hiện là thời điểm giao mùa chuyển từ xuân sang hè, trẻ rất dễ mắc một số dịch bệnh như tiêu chảy cấp, sốt virus, bệnh về đường hô hấp…
Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, bác sĩ Chương lưu ý phụ huynh nên tăng cường cho trẻ ăn uống đầy đủ thực phẩm giàu vitamin, uống nhiều nước, ăn bổ sung các loại hoa quả. Những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, rất cần mặc đủ ấm cho trẻ khi đi ra ngoài, đắp chăn khi đi ngủ và không để trẻ bị nhiễm lạnh nếu bé bị tè dầm vào ban đêm.
Đặc biệt với trẻ sinh non, tiền sử mắc bệnh hoặc có dị tật khác như bệnh tim bẩm sinh, cha mẹ càng cần phải lưu ý phòng bệnh cho bé.
Ở trường hợp nào, cha mẹ cũng cần theo dõi con chặt chẽ, khi thấy có biểu hiện bất thường như ho kéo dài, sốt trên 38,5 độ, quấy khóc, ho kèm theo sốt, thở gấp, rút lõm lồng ngực… cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Mỹ Tâm
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…