Categories: Tin tức

Tăng viện phí từ ngày 1/3 ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh

Giá viện phí đợt đầu sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay và chỉ áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế.

Từ ngày 1/3, giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) được điều chỉnh theo hướng tăng do tính thêm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù vào cơ cấu giá. Quyền lợi của người bệnh sẽ tăng lên, không phải chi trả thêm hoặc tự mua một số loại vật tư, hóa chất, thuốc mà trước đây chưa tính vào giá. Khoản chênh lệch giữa giá BHYT chi trả và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; giá của các dịch vụ kỹ thuật trên các máy xã hội hóa mà người bệnh phải đóng thêm cũng giảm. 

Ví dụ, hiện nay bệnh viện thực hiện xã hội hóa một máy CT Scanner 64 dãy, giá chụp (gồm cả thuốc cản quang, cả khấu hao) là 2,5 triệu đồng trong khi giá BHYT chi trả là 1,7 triệu. Vì thế, ngoài phần đồng chi trả người bệnh phải nộp thêm phần chênh lệch là 800.000 đồng. Kể từ ngày 1/3, khi viện phí tăng thì ngoài phần đồng chi trả, người bệnh chỉ phải nộp thêm phần chênh lệch là 333.000 đồng và đến ngày 1/7 trở đi khoản này giảm còn 234.000 đồng.

Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi viện phí tăng. Ảnh: N.Phương. 

Mức độ tác động của việc điều chỉnh viện phí đến các nhóm có khác nhau, cụ thể như sau:

– Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. Thứ nhất đây là nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí, khám chữa bệnh được thanh toán 100%.

– Người cận nghèo: Nhóm này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT.  Khi đi khám chữa bệnh họ cũng được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều.

– Nhóm phải đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ không nhiều. Trước đây khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. 

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), trong đợt điều chỉnh này bình quân mức viện phí sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay. 

Ví dụ cùng một bệnh, trước đây chi phí 10 triệu đồng; trong đó tiền khám, ngày giường, chẩn đoán, xét nghiệm hết khoảng 4 triệu đồng còn lại là tiền thuốc. Điều chỉnh giá lần này, tiền dịch vụ kỹ thuật từ 4 triệu tăng tối đa lên 6 triệu đồng, tức khoảng 20%. Nếu người bệnh có BHYT, thuộc diện thanh toán 100% thì không phải chi trả phần tăng thêm. Người đồng chi trả 5% phải đóng 600.000 đồng thay vì 500.000 đồng so với giá hiện nay. Người đồng chi trả 20% thì sẽ đóng tăng thêm 400.000 đồng so với hiện nay. 

Từ ngày 1/7, tiền lương sẽ được tính thêm vào giá viện phí, ước tính mức giá tăng bình quân 50% so với hiện nay. Mức giá này trước mắt áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Trong tương lai, người không có thẻ BHYT cũng phải trả mức giá này. Vì thế, theo đại diện Bộ Y tế, người chưa có thẻ nên tham gia BHYT, đặc biệt là nên tham gia cả hộ gia đình để được hưởng giảm mức đóng. 

Mức đóng BHYT cao nhất hiện nay là 621.000 đồng mỗi người một năm trong khi nhiều chi phí phẫu thuật, thủ thuật 6-7 triệu đồng. Nếu bị bệnh nặng, hiểm nghèo, phải phẫu thuật, điều trị dài ngày thì chi phí chữa bệnh lên đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng. Người tham gia BHYT được quỹ thanh toán 80%, tham gia bảo hiểm từ 5 năm liên tục trở lên chỉ phải đồng chi trả tối đa 6 tháng lương tối thiểu, còn lại BHYT thanh toán. 

“Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế. Trước đây tiền lương do ngân sách bảo đảm, nay do quỹ BHYT và người bệnh chi trả. Các bệnh viện, cán bộ y tế phải thấy rằng chính BHYT và người bệnh trả lương cho mình, từ đó phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Bệnh viện phục vụ tốt, chất lượng tốt thì bệnh nhân mới đến điều trị, nhờ vậy viện mới có nguồn tài chính để chi trả tiền lương và hoạt động”, ông Nam Liên cho biết. 

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

6 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

6 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago