Categories: Tin tức y học

Tăng viện phí khám chữa bệnh: Hướng đến quyền lợi của người bệnh

Từ ngày 1.3, Bộ Y tế đã quyết định tăng viện phí lên 30% so với trước đây. Trước thông tin này, nhiều người bệnh đang rất lo lắng. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với các bên liên quan để làm rõ hơn về vấn đề này.

Chỉ áp dụng với bệnh nhân BHYT

Theo ông Dương Ngọc Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, việc tăng viện phí là tính bình quân tất cả dịch vụ, mức giá thực hiện gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay; từ ngày 1.7.2016, sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Trước mắt, việc tăng viện phí này chưa áp dụng đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT được hưởng lợi ở nhiều dịch vụ y tế… TRONG ẢNH: Khoa Khám bệnh ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam.
Theo như dự kiến, lần này sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, với mức tăng 2 – 7 lần. Cụ thể như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 trước đây là 20 nghìn đồng/lượt; giá mới sẽ là 40 nghìn đồng/lượt. Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7 nghìn đồng/lượt; giá mới sẽ là 30 nghìn đồng/lượt. Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80 nghìn đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215 nghìn đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55 nghìn đồng/giường/ngày lên 165 nghìn đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện tăng từ 335 nghìn đồng/giường/ngày lên 677 nghìn đồng/giường/ngày. Đối với giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30 nghìn đồng/lần lên 106 nghìn đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300 nghìn đồng/lần lên 379 nghìn đồng/lần.

Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường); chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương. Tuy nhiên hiện nay mới tính 3 yếu tố (chưa tính phụ cấp và tiền lương). “Đối với người dân chưa tham gia BHYT thì từ ngày 1.3, chi phí dịch vụ khám chữa bệnh sẽ thấp hơn so với người bệnh có thẻ BHYT, do họ vẫn được thanh toán theo mức giá cũ (chưa bao gồm chi phí tiền lương và phụ cấp). Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT, ngoài các chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương còn có chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Khi đó, người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải chi trả cho các khoản cấu thành giá trước đây được nhà nước bao cấp” – ông Vinh giải thích.

Cũng theo ông Vinh, đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. “Nếu bệnh nhân là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT (được BHYT chi trả 100%) sẽ không bị ảnh hưởng. Với những đối tượng khám chữa bệnh BHYT còn lại, sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ không nhiều. Vì trước đây, khi viện phí chưa tính đúng, tính đủ, nhiều trang thiết bị, vật tư không được tính trong danh mục BHYT chi trả. Do đó, người bệnh phải mua thêm ở ngoài, tốn kém nhưng không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, các gói dịch vụ đã được tính đủ các chi phí, đủ vật tư nên người bệnh không phải mua ngoài nữa” – ông Vinh nói.

Bệnh nhân sẽ được hưởng lợi

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, cần hiểu tăng viện phí không đồng nghĩa với tăng phần chi trả của người dân, mà tăng theo hướng tính đúng, tính đủ, từ đó người dân được giảm phần chênh lệch. Tăng giá ở đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển những khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Theo đó, tiền lương của cán bộ y tế trước đây do ngân sách đảm bảo, giờ sẽ do người bệnh và quỹ BHYT chi trả. Vì thế, các bệnh viện, cán bộ y tế phải nâng cao chất lượng phục vụ mới có bệnh nhân.

Theo Thông tư 37, thời gian tới người bệnh sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ mới với giá đồng hạng các bệnh viện trên toàn quốc. TRONG ẢNH: Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Trong đợt tăng viện phí này, người bệnh có BHYT được hưởng lợi ở nhiều dịch vụ y tế. Ví dụ như giá chụp CT scanner 64 dãy theo hình thức xã hội hóa là 2,5 triệu đồng nhưng BHYT chỉ duyệt khung 1,7 triệu đồng nên người bệnh có thẻ BHYT phải nộp chênh 800 nghìn đồng. Nhưng từ ngày 1.3, giá chụp CT scnaner được BHYT duyệt tăng lên hơn 2,1 triệu đồng và từ 1.7 lên hơn 2,2 triệu đồng nên bệnh nhân chỉ phải nộp thêm lần lượt 333 nghìn đồng và 234 nghìn đồng. “Cái cốt yếu của Thông tư 37 chính là để giúp người bệnh tiếp cận được những dịch vụ y tế tốt nhất với giá đồng hạng. Như trước đây, giá khám chữa bệnh ở Quảng Nam chỉ bằng khoảng 60 – 70% so với cả nước, nhất là các dịch vụ ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đều có giá rất cao. Tuy nhiên, khi đã có Thông tư 37 thì những bệnh viện này đều có giá ngang nhau tùy theo hạng. Như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ y tế” – bà Liên nói.

Tuy nhiên, việc tăng giá viện phí ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị định kỳ hay dài ngày ở các bệnh viện như bệnh tim, suy thận hay lọc máu… Bà Lê Thị Lại (trú xã Tam An, huyện Phú Ninh) cho biết, bà bị bệnh tim hơn 10 năm nay, cứ định kỳ hàng tháng phải đến bệnh viện để điều trị. “Trung bình mỗi lần tiến hành các kiểm tra định kỳ và thuốc uống thì mất chừng hơn 1 triệu đồng, trong đó BHYT đã chịu 80%, tôi chỉ thanh toán 20% còn lại. Giờ tăng giá thì hằng tháng tôi phải trả thêm hơn 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, được tiếp cận với các dịch vụ mới, chất lượng hơn thì số tiền đó cũng chấp nhận được” – bà Lại cho biết. Cũng tương tự, ông Hồ Văn Hân (ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho biết, ông bị suy thận mãn tính nên thường xuyên phải sử dụng các dịch vụ để chạy thận. “Chưa biết là sẽ tăng nhiều hay không nhưng đối với nông dân chúng tôi, tăng đồng nào là tiếc đồng đó. Bởi chúng tôi phải chạy chữa thường xuyên, tăng ít nhưng kéo dài thì cũng là cả một vấn đề” – ông Hân tâm sự. Về vấn đề này, theo bà Liên, tỉnh đã có quyết định để hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở, tiền đồng chi trả và tiền phải chi trả vượt không được BHYT thanh toán. “Như vậy, việc tăng giá lần này không ảnh hưởng gì nhiều đến kinh tế của người bệnh, ngược lại còn giúp họ được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ y tế tốt” – bà Liên cho hay.

                                                                                                                                                              Theo Báo Quảng Nam

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

7 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

6 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago