PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nhiều nước đang có nhiều bệnh truyền nhiễm như Zika, sốt xuất huyết, bệnh cúm mùa… đang diễn biến phức tạp. Dịch Zika đã và đang lây lan mạnh. Hiện tại 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo đã phát hiện ra virut zika. Dịch không chỉ lưu hành ở các nước Nam Mỹ, Caribe mà còn lan sang một số nước ở Đông Nam Á. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch đã khiến 342 người dân Singgapore và 200 người dân Thái Lan mắc bệnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các Viện vệ sinh dịch tễ/ Pasteur đã lấy 2.716 mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại 45 tỉnh, thành phố; xét nghiệm 2.689 mẫu, trong đó đã phát hiện và ghi nhận 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika, 2.686 mẫu âm tính với vi rút Zika. 3 trường hợp mắc bệnh là: trường hợp đầu tiên: bệnh nhân nữ 64 tuổi, sinh sống tại tỉnh Khánh Hòa, ngày xét nghiệm phát hiện bệnh là: 31.3.2016; trường hợp thứ 2: bệnh nhân nữ 33 tuổi, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày phát hiện là 31.3.2016; trường hợp thứ 3 là bệnh nhân nam, sinh sống tại Phú Yên, ngày phát hiện là 30.6.2016. Những trường hợp này không có liên quan đến dịch tễ học và không có tiền sử đi từ các khu vực bị ảnh hưởng. Vì vậy, vi rút Zika đã lưu hành trong cộng đồng. Cùng với Zika, sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại những khu vực thuộc Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Châu Mỹ La Tinh như: Phi- lip- pin, Singapore, Campuchia, Lào, Braxin, Paraguay, Colombia, Mexico. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, trên cả nước ghi nhận 72.372 trường hợp phải nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết. Dịch bệnh đang lưu hành trên diện rộng tại 10 tỉnh thuộc khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và khu vực các tỉnh Nam Bộ; trong đó những tỉnh có số mắc/100.000 dân cao là: Gia Lai, 592,7; Kon Tum: 528,4; Đắk Nông: 363; Đắk Lắk: 362,6; Khánh Hòa, 361,7; Đà Nẵng: 250,8…
Bên cạnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đã và đang xuất hiện tại nhiều quốc gia xung quanh nước ta. Trong khu vực Đông Nam và Tây Thái Bình Dương, các quốc gia như Trung quốc, Singapore và Ma Cao ghi nhận số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2015 cũng như tỷ lệ mắc/100.000 dân cao; trong đó Trung Quốc: tính đến ngày 31.7.2016, số mắc lũy tích là 1.620.670, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ mắc/ 100.000 dân là 118,2. Singapore: tính đến ngày 20.8.2016, số mắc lũy tích là 30.871, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ mắc/ 100.000 dân là 608,1; Ma Cao: tính đến ngày 20.8.2016, số mắc lũy tích là 2.673, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 27.224 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc giảm 16%. So với trung bình giai đoạn 2011- 2015, số mắc giảm 54,4%.
Cùng với Zika, sốt xuất huyết, bệnh cúm mùa đã và đang lưu hành tại nhiều nước.Trên thế giới, hiện đang có 3 loại vi rút cúm theo mùa A, B, C trong đó cúm C xảy ra ít hơn so với cúm A và cúm B. Trong phân nhóm cúm A, cúm A/H1N1 và cúm A/H3N2 hiện đang lưu hành ở người. Ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu là cúm A/H3N2, chiếm 44,4%, cúm B chiếm 43,4%, cúm A/H1N1 chiếm 12,2%. Bệnh cúm gia cầm đã và đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Trong năm 2016, cúm A/H5N1 đã khiến 8 người mắc, 1 người tử vong tại Ai Cập; lũy tích từ 2003 đến 9.2016 đã có 854 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 450 người tử vong, chiếm 52,7%. Về cúm A/H7N9, từ đầu năm đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 798 trường hợp. Ở nước ta, đến thời điểm này không ghi nhận trường hợp nào mắc cúm mùa ở người mà chỉ có ghi nhận ổ dịch cúm trên gia cầm.
Để phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đã triển khai tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng chống dịch, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cùng với sốt xuất huyết, Việt Nam đang là quốc gia có số ca mắc tay chân miệng còn tương đối cao; cùng với đó là bệnh bạch hầu, cúm mùa, cúm gia cầm, sốt rét… Đặc biệt là các bệnh cúm như A/H1N1; cúm A/ H3N2 cùng các loại cúm xảy ra trên gia cầm như A/H5N1 đe dọa bùng phát dịch cao vào thời điểm cuối năm, nguy cơ lây sang người. Dịch bệnh gia tăng nguyên nhân là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện tượng El-nino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước) người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí.
Vào mùa thu đông, nhiều bệnh mới nổi có nguy cơ gia tăng tại Việt Nam. Đó là các bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A… Thời gian qua, những bệnh này có diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk, Khánh Hòa… Đây là những tỉnh giáp biên, lượng người di cư đông nên việc khống chế khi có dịch sẽ gặp khó khăn. Gần đây những dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như bạch hầu, ho gà cũng đã xuất hiện trở lại. Theo đó, Bộ Y tế sẽ giám sát, kiểm tra và tăng cường tiêm chủng mở rộng. Chính phủ đã cung cấp kinh phí để mua đủ vaccine tiêm chủng cho người dân. Đặc biệt là vaccine 5 trong 1.
Ngoài ra, để phòng chống hiệu quả dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tự diệt muỗi để phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Người dân cần đưa con em đi tiêm chủng đúng thời gian, đủ liều để phòng các bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, bạch hầu, sởi… Người dân nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ em nên thực hiện ba sạc: ăn (uống) sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lực lượng y tế và người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, kể cả bệnh cúm thông thường. Hiện bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh bởi vậy chúng ta cần phải có biện pháp phòng bệnh kịp thời. Ngoài những bệnh mới nổi, còn những bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét đã và đang lưu hành ở Việt Nam có thể sắp bùng phát. Đặc biệt là vi rút Zika đang khiến nhiều nước lo lắng và tích cực đối phó. Nước ta, tuy không phát hiện nhiều nhưng cũng không thể chủ quan. Trong những tháng cuối năm, ngành Y tế cần tiếp tục tập trung vào dự phòng, phát hiện và đáp ứng khống chế hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra…
Ngày 27/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm nhằm tăng cường công tác giám sát, đáp ứng phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm. Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại 4 điểm cầu: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắk). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế có liên quan; đại diện UBND tỉnh, thành phố, Sở Y tế, một số bệnh viện trung ương, các viện thuộc hệ Y tế dự phòng, bệnh viện tuyến tỉnh. |
Bài, ảnh: Quang Nguyễn
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…