Suốt 30 năm làm việc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia có cơ hội chuyện trò với hàng nghìn bà mẹ và trẻ em. Bà nhận thấy nhiều mẹ đang căng thẳng đối đầu với con trong cuộc chiến ăn dặm cam go, từ lúc mới tập tành (6 tháng tuổi) đến khi vào tiểu học. Dưới đây là chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm:
Bữa ăn với trẻ chẳng khác nào một trận chiến trong gia đình, khi cha mẹ cứ chăm chăm vào việc con cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, mà quên đi điều quan trọng không kém: “Trẻ nhỏ cũng thích ăn ngon, mặc đẹp”. Thay vì nói “Bổ lắm đấy”, tại sao mẹ không dụ bé rằng “Ngon lắm, con ăn thử đi”.
Ngày nay, các mẹ mất quá nhiều thời gian quan tâm đến thức ăn, lượng ăn, giờ ăn của con, mà quên mất vị giác của trẻ và độ ngon của các món. Nếu phụ huynh nghĩ rằng trẻ không biết thế nào là ngon, đó thực sự là sai lầm lớn. Vị giác của trẻ phát triển từ khi còn ở trong bụng mẹ. Ngay khi sinh ra, bé rất nhạy với sữa, yêu thích vị ngọt và biết thế nào là thưởng thức vị ngon.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Thông tin ngày càng phát triển, quan niệm sai lầm rằng trẻ nhỏ phải mập mạp mới khỏe dần được xóa bỏ. Song các bà mẹ vẫn đêm ngày lo con suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm tăng cân… Nỗi băn khoăn này dẫn đến cảnh mẹ ép con ăn không đáng có tại nhiều gia đình. Thực tế, trẻ chỉ cần phát triển đạt chuẩn chiều cao, cân nặng ở mức khuyến cáo hợp độ tuổi. Cao lớn hay nặng cân không có nghĩa là khỏe.
Thay vào đó, mẹ nên quan tâm đến việc con có cảm thấy ngon miệng, vui vẻ khi ăn hay không qua 3 cách dưới đây:
Tôn trọng vị giác của trẻ
Để tìm hương vị yêu thích của trẻ, mẹ nên cho bé nếm thử nhiều loại thực phẩm và quan sát biểu hiện. Trẻ ăn nhiều món nào, thì đó là gu vị giác bé muốn.
Trong bữa ăn, mẹ cũng nên tạo không khí vui tươi. Ăn uống là một trong “tứ khoái” của con người, chứ không phải cuộc hành xác đo đếm từng muỗng cơm canh. Vị giác của trẻ nhỏ tinh tế hơn cha mẹ tưởng. Giữa món bổ thơm ngon và món bổ mùi vị không hấp dẫn, trình bày giống hệt nhau, trẻ sẽ luôn chọn thứ hợp miệng.
Chế biến bằng nguyên liệu tươi ngon
Độ tươi ngon của nguyên liệu tỷ lệ thuận với hương vị. Dựa theo nguyên tắc này, mẹ nên chọn các thực phẩm tươi mới, sữa và thức uống nguyên chất để chế biến thật ngon. Trẻ sành ăn sẽ thấy món cháo nấu bằng cá đông lạnh tanh và nhạt miệng hơn loại còn giãy nảy trên thớt.
Bổ sung vi chất giúp trẻ ăn ngon miệng
Mẹ có thể bổ sung một số vi chất dinh dưỡng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn như kẽm, lysine, canxi, vitamin, phốtpho…, song nên tham khảo ý kiến của chuyên gia. Chúng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhưng không thể dùng tùy tiện. Đối với các vi chất mà bổ sung đường thực phẩm không thể đáp ứng đủ nhu cầu (vitamin, canxi…), nên cho trẻ dùng thêm sữa giàu vi chất. Lưu ý khi cho trẻ ăn món gì, uống thứ nào, phải đặt “vị ngon” lên hàng đầu.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm
Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…