Rối loạn tiểu tiện là một triệu chứng thường gặp gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ chế bệnh sinh là do sự mất cân bằng giữa áp lực bàng quang và áp lực kháng trở của niệu đạo. Ở Pháp, tỷ lệ rối loạn tiểu tiện lên tới gần 2,5 triệu người trong đó 15-20% gặp ở người trên 60 tuổi, nữ giới mắc cao hơn nam giới 15-30%. Ở Việt Nam, chưa có tỷ lệ mắc chứng rối loạn tiểu tiện các loại một cách chính xác do thói quen không đi khám và điều trị.
Có ba thể rối loạn tiểu tiện
– Rối loạn tiểu tiện khi gắng sức là tình trạng rỉ tiểu xảy ra nhân một gắng sức như ho, hắt hơi, cười. Rỉ tiểu từng đợt, ít một, tăng nhiều vào thời điểm gắng sức, thường xảy ra khi đứng, trước đó không có cảm giác muốn tiểu.
– Rối loạn tiểu tiện gấp hay còn gọi là rối loạn tiểu tiện do bàng quang tăng hoạt là tình trạng rỉ tiểu xảy ra ngay sau khi có cảm giác muốn tiểu gấp mà không thể kìm hãm hay giữ được.
– Rối loạn tiểu tiện thể hỗn hợp: rối loạn vừa do gắng sức, vừa do bàng quang tăng hoạt động.
Nhận biết dấu hiệu rối loạn tiểu tiện
Triệu chứng lâm sàng
– Rỉ tiểu khi gắng sức như ho, cười, hắt hơi.
– Rỉ tiểu không kìm hãm được ngay sau khi có cảm giác muốn đi tiểu gấp.
– Đái nhiều lần trong ngày (trên 8 lần).
– Đái nhiều lần trong đêm (trên 2 lần).
– Có thể kèm theo rỉ phân.
Một số xét nghiệm cần thiết
– Sổ ghi nhật ký đi tiểu: ghi lại thời gian đi tiểu, thể tích nước tiểu, số lần rỉ tiểu, mức độ rỉ tiểu, số bỉm được dùng và các thông tin khác như lượng nước uống vào.
– Tổng phân tích nước tiểu: để kiểm tra dấu hiệu nhiễm khuẩn, và các bất thường khác.
– Xét nghiệm máu: công thức máu và sinh hoá máu.
– Đo lượng nước tiểu tồn trong bàng quang: bằng cách thông tiểu hoặc siêu âm sau khi bệnh nhân đã tự đi tiểu chủ động.
– Nội soi bàng quang: kiểm tra các bất thường ở bàng quang và niệu đạo.
– Đo áp lực bàng quang là thăm dò chuyên khoa tiến hành tại Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai để giúp chẩn đoán các loại rối loạn tiểu tiện.
Biến chứng, nguy cơ rối loạn chức năng tiểu tiện
Nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn.
Gây giãn đài bể thận, viêm đài bể thận và suy thận mạn tính.
Nguyên nhân của bệnh rối loạn tiểu tiện
– Rượu, cà phê, nước uống có ga hoặc uống nước nhiều trong thời gian ngắn.
– Thuốc tim mạch, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.
– Tuổi già, táo bón, mang thai và để con.
– Một số bệnh lý thần kinh: xơ cứng rải rác, bệnh parkinson, tai biến mạch máu não, u não hoặc tổn thương tuỷ sống, viêm tuỷ sống…
– Biến chứng của đái tháo đường, Zona sinh dục.
– Phẫu thuật, xạ trị vùng tiểu khung.
– Hội chứng đau bàng quang, ung thư bàng quang hoặc sỏi bàng quang.
– Viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính và ác tính.
– Bàng quang tăng hoạt không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán bệnh: dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và thăm dò niệu động học.
Điều trị và phục hồi chức năng tiểu tiện
Thay đổi hành vi: thay đổi hành vi, lối sống sẽ cho kết quả tốt trong một số trường hợp rối loạn tiểu tiện.
Tập luyện bàng quang: tập nhịn tiểu sau khi có cảm giác buồn tiểu gấp nhằm kéo dài khoảng cách giữa các lần đi tiểu cho đến khi đạt được 2-4 giờ. Hướng dẫn bệnh nhân khi có cảm giác tiểu gấp, hướng dẫn bệnh nhân thư giãn, hít thở sâu hoặc cố gắng quên đi bằng cách tích cực hoạt động với công việc hàng ngày.
Tập đi tiểu hai lần: đi tiểu xong cố chờ ít phút và đi tiếp lần nữa nhằm làm trống bàng quang hoàn toàn. Áp dung bài tập này tốt cho rối loạn tiểu tiện kiểu rỉ tiểu gấp.
Tập cơ đáy chậu (bài tập Kegel): làm mạnh nhóm cơ vùng đáy chậu giúp kiểm soát đi tiểu tự chủ hơn, có thể tiến hành bài tập thường xuyên mọi lúc mọi nơi.
Kích thích điện: điện cực kích thích được đưa vào trong trực tràng hoặc âm đạo, có tác dụng kích thích làm mạnh nhóm cơ đáy chậu, góp phần cải thiện rỉ tiểu gắng sức và rỉ tiểu gấp, nhưng đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng. Có thể kết hợp với nhiều phương pháp khác nhau như tập cơ đáy chậu, thay đổi hành vi để nâng cao hiệu quả phương pháp điều trị này.
Một số thuốc điều trị rối loạn tiểu tiện
Thuốc kháng cholinergic: điều trị bàng quang tăng hoạt để cải thiện rỉ tiểu gấp, các thuốc thuốc nhóm này bao gồm: Oxybutynin (Ditropan, Driptan), Tolterodine (Detrusitol), Darifenacin (Enablex), Fesoterodine (Toviaz), Solifenacin (Vesicare) và Trospium (Sanctura). Tác dụng không mong muốn của thuốc có thể là khô miệng, táo bón, nhìn nhờ, chóng mặt.
Imipramin (Tofranil) thuốc ức chế 3 vòng có thể sử dụng điều trị phối hợp rỉ tiểu gấp và rỉ tiểu gắng sức.
Estrogen tại chỗ: áp dụng dạng kem với liều thấp, bôi vào âm đạo có thể làm trương lực mô niệu đạo, âm đạo khỏe hơn, cải thiện triệu chứng tiểu không tự chủ.
Tiêm Botulinum toxine nhóm A (Biệt dược:Dysport, Botox) vào cơ bàng quang điều trị rối loạn tiểu tiện do bàng quang tăng hoạt có hiệu quả tốt và an toàn khi các phương pháp uống thuốc không hiệu quả hoặc không dung nạp được tác dụng không mong muốn của thuốc.
Phòng chống rồi loạn tiểu tiện
Có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh uống nhiều rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất có ga.
Tập thể dục, nâng cao sức khoẻ, có thể áp dụng bài tập làm mạnh cơ vùng đáy chậu cho các đối tượng có nguy có cao như: phụ nữ có thai, đẻ con, người cao tuổi.
Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý có thể gây rối loạn tiểu tiện, được tư vấn, điều trị kịp thời tránh để tiến triển bệnh nặng và có biến chứng.
Bệnh viện Bạch Mai
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…