Edison từng phát minh ra một con búp bê biết nói cho trẻ em nhưng chẳng trẻ em nào dám nhìn đến nó cả.
Khi nhắc đến những nhà phát minh đại tài trong lịch sử, chúng ta vẫn hay nhớ đến các thành công của họ hơn là thất bại, nhưng làm thế thực sự là sai lầm vì đôi lúc có những thất bại của các thiên tài lại… “thảm hại” đến mức ấn tượng khó phai.
Đơn cử là Thomas Edison, nhà phát minh nổi tiếng với đèn dây tóc (sau 10.000 lần thử nghiệm thất bại), máy quay phim và máy ghi phát. Ít ai biết ông từng phát minh ra những con búp bê biết nói đầu tiên trong lịch sử mà cả xã hội… không chịu nổi.
Thomas Edison, người nổi tiếng với câu nói: “Tôi không thất bại, tôi chỉ phát hiện ra 10.000 cách không hoạt động thôi.”
Búp bê biết nói đầu tiên trong lịch sử là phát minh của Thomas Edison (Ảnh: Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Hoa Kỳ)
Edison phát minh ra búp bê biết nói lần đầu vào năm 1877 và dành nhiều năm sau đó để phát triển nó. Vào đầu tháng 4/1890, những con búp bê biết nói của Edison ra mắt với chiều cao 56cm, nặng 1,8kg, mang chiếc đầu bằng sứ và tay chân ghép nối bằng gỗ. Bên trong mỗi con búp bê là mẫu phát minh máy hát mini với những ống trụ bằng sáp được ghi âm sẵn những bài hát trẻ em, những lời cầu nguyện và những bài đồng dao có độ dài khoảng 20 giây. Sau lưng mỗi con búp bê là chiếc tay quay dây cót để phát nhạc.
Một con búp bê, tùy thuộc vào trang phục bên ngoài là đơn giản hay xa hoa lộng lẫy, có giá từ khoảng 10-20 đô la, tương đương với khoảng 237-574 đô la (từ 5,3-13 triệu đồng) ở thời nay. Số tiền này là khoảng 2 tuần lương của một nhân viên bình thường, vì thế chỉ có một số gia đình khá giả mới có đủ khả năng ủng hộ Edison.
Bộ máy hát mini bên trong mỗi con búp bê (Ảnh: Corbis/Bettman)
Đã có khoảng 18 phụ nữ trẻ được thuê để ghi âm nội dung cho từng con búp bê, khiến mỗi con mang một chất giọng khác nhau không con nào lẫn với con nào. Những phụ nữ này cũng được xem là những nghệ sĩ thu âm đầu tiên trong lịch sử.
Một phụ nữ đang thực hiện ghi âm cho búp bê.
Tuy được đầu tư rất công phu và mang một cái giá đắt đỏ đến vậy nhưng chất lượng âm thanh của sản phẩm lại bị chê bai thậm tệ vì quá dở, chưa kể nó còn cực kỳ rùng rợn không khác gì trong những bộ phim kinh dị sau này. Không những thế, chiếc tay quay còn dễ bị sút ra, kim máy hát thì bị lệch và ống trụ thì rất dễ bị hỏng.
Quy trình sản xuất búp bê biết nói tại nhà máy ở West Orange, New Jersey (Ảnh: Dịch vụ Công viên Quốc gia)
Nhà báo Joshua Barajas của PBS đã nhận xét rằng: “Công chúng phản ứng với con búp bê như thể họ vừa nhìn thấy một bộ sưu tập búp bê khổng lồ của bà ngoại mình vậy. Thế nên chỉ sau 6 tuần ra mắt, loại búp bê này đã bị gắn mác quá kinh dị và bị rút khỏi thị trường.” Về sau tờ Washington Post còn đăng một bài báo về sản phẩm tân tiến này của Edison với tiêu đề không thể mỉa mai hơn: “Búp bê biết nói: Sẽ bán chạy hơn nếu người ta hiểu chúng nói gì“.
Ảnh bên phải là chiếc máy hát mini đặt bên trong búp bê với chiếc loa được chĩa thẳng vào những lỗ tròn trên ngực chúng.
Cho đến nay vẫn không ai biết Edison đã bán được bao nhiêu con búp bê loại này, chỉ có số liệu ước đoán đã có 2560 con từng được xuất xưởng và không đến 500 con được chuyển đến tay người mua. Ngoài ra trong sổ sách của Edison cũng ghi là còn khoảng 7500 con búp bê biết nói đã được lắp ráp hoàn thiện đang chờ trong kho cùng những bộ phận nhập khẩu khác.
Ảnh chụp phía trước và phía sau của búp bê.
Ban đầu Edison còn định cải tiến những con búp bê và tái ra mắt chúng nhưng vì giá thành quá đắt đỏ, thị trường đồ chơi trẻ em đã không cho ông cơ hội đó. Ngoài ra, Công ty Sản xuất Đồ chơi Ghi âm Edison cũng đang gánh món nợ 50.000 đô la, tương đương 1,2 triệu đô la (hơn 28,5 tỉ đồng) thời nay nên họ không đủ điều kiện vay tiền để thực hiện cải tiến nào cả. Thế là nhà phát minh lạc quan Thomas Edison quyết định để cho mọi thứ trôi vào quên lãng và sống tiếp đời mình.
Búp bê trang phục đơn giản (trên) có giá khoảng 10 đô la còn ăn diện sang trọng (dưới) có giá khoảng 20 đô la.
Ngày nay, Búp bê Edison đã trở thành một… kho báu được giới sưu tầm búp bê nói riêng và đồ cổ nói chung sẵn sàng chi bạo để sở hữu. Tuy nhiên những con búp bê trong tình trạng mới tinh là rất hiếm và con đắt nhất từng được rao bán đã được mua với giá 25.000 đô la (gần 750 triệu đồng).
Video Búp bê được sản xuất ra sao
Theo Thethaovanhoa
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…