Bệnh viện Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS là một trong số ít những trung tâm y tế ở Hà Nội mà 100% bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ.
Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện 09 – Bệnh viện Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS -vào một buổi sáng cuối thu. Cái nắng hanh hao khiến cho người ta dễ cảm thấy khó chịu, bức bối.
Khác với tình trạng đông đúc, người bệnh, người nhà đi lại tấp nập ở đa số các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, Bệnh viện 09 lại khá là thưa vắng. Thoảng mới thấy bóng áo trắng của các bác sĩ, y tá, hộ lý. Nhưng khi bước chân vào khu vực điều trị, những người yếu bóng vía có thể sẽ phải toát mồ hôi hột. Một góc, cậu thanh niên tuổi đôi mươi nửa nằm nửa ngồi, đầu cạo trọc lốc, đôi mắt lờ đờ vì thiếu thuốc.
Giường kế bên, nam bệnh nhân khác thì lại mang đầy vẻ “hổ báo cáo chồn”. Trên lưng, trên ngực, trên tay… của anh ta là cả một… vườn thú với những con vật đang nhe nanh dữ tợn. Góc nọ, nữ bệnh nhân nằm co vào một góc giường, gầy quắt, nhau nhúm vật vã cắt cơn.
Bác sĩ Tạ Văn Lưu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ với chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân nội trú tại bệnh viện đều là những con nghiện ma túy, lại đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo HIV/AIDS. Cũng chính vì thế mà rất nhiều bệnh nhân khi vào đây đều mang tâm trạng buồn bã, chán chường, thậm chí bất cần. Có những bệnh nhân vừa vào hôm trước, hôm sau đã nghĩ ra đủ trò để trốn ra ngoài.
|
Nhiều bệnh nhân trong Bệnh viện 09 có vẻ ngoài rất “hổ báo”. |
Do có đến 20 năm kinh nghiệm trong việc điều trị, cắt cơn cho người nghiện nên bác sĩ Lưu không ít lần “bóc mẽ” được mánh của các bệnh nhân quái quỷ này.
“Chiêu trò” hay được các bệnh nhân sử dụng nhất là nhai cả một nắm thuốc lào. Sau khi nhai, bệnh nhân sẽ có biểu hiện tăng huyết áp, buộc phải đưa vào phòng cấp cứu. Lợi dụng sơ hở của các bác sĩ, y tá bệnh nhân sẽ chuồn ra ngoài.
Sau khi chiêu này nhanh chóng bị bóc mẽ, các bệnh nhân nghĩ ra một chiêu khác. Đó là ngậm các dị vật như đinh, dao lam… trong miệng rồi ú ớ ra hiệu bị hóc. Bác sĩ nào còn non kinh nghiệm vội vàng chuyển sang khu vực cấp cứu là coi như mắc mưu.
“Nhưng nay bệnh viện đã có máy soi dị vật, nên đã hạn chế được rất nhiều”.
Một vụ việc từng gây náo loạn cả bệnh viện, khiến cho nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc là vụ đào tẩu của 6 bệnh nhân. Khi đó, Bệnh viện 09 còn là Trung tâm Điều trị 09. Sáu bệnh nhân này vốn trước kia đều là dân “anh chị”. Sau một thời gian nghiện hút, chích choác thì bị nhiễm HIV. Bị bắt buộc đưa vào điều trị tại Trung tâm, các bệnh nhân đều cảm thấy bức bối, và cùng nhau lập mưu bỏ trốn.
Đầu tiên, 2 bệnh nhân công kênh nhau lên tháo đèn tuýp trên tường, rồi bẻ đôi làm hung khí. Sau đó, các đối tượng khống chế bác sĩ trực, nhét giẻ vào miệng trói vào chân giường. Tiếp đó, một đối tượng dùng kìm cắt toàn bộ hệ thống dây điện thoại của Trung tâm. Lựa lúc trời nhập nhoạng tối, 6 bệnh nhân này vượt tường trốn thoát khỏi trung tâm.
Vụ việc trên đã gây náo loạn Trung tâm một thời gian. Sau đó ít ngày mấy tay “anh chị” này đều bị bắt lại.
Chính bản thân bác sĩ Lưu cũng có lần bị “dính chưởng” từ bệnh nhân. Hôm đó là phiên trực của bác sĩ Lưu, tiến hành cắt cơn cho bệnh nhân T.V.P (SN 1983, trú tại Đống Đa, Hà Nội). Lúc ấy P. đang lên cơn thèm thuốc, thấy bác sĩ Lưu xuất hiện, anh ta lập tức dùng chiếc bàn chải đánh răng (đã được mài nhọn một đầu) đâm vào người bác sĩ Lưu. May nhờ phản xạ tốt, bác sĩ Lưu tránh được cú đâm đó.
Chuyện y bác sĩ, bảo vệ của bệnh viện này bị bệnh nhân hành hung ở đây không phải là chuyện hiếm. Song bằng trách nhiệm, bằng tình thương, y đức của mình các y bác sĩ đã dần dần cảm hóa được nhiều đối tượng cộm cán.
|
Bác sĩ Tạ Văn Lưu trao đổi với người nhà một bệnh nhân. |
Bác sĩ đặc biệt
Công tác tại một nơi “nguy hiểm” như Bệnh viện 09, chuyện tai nạn nghề nghiệp là điều rất khó tránh khỏi. Từ khi thành lập đến nay đã có một số bác sĩ của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV. Tôi được nghe kể về trường hợp của bác sĩ Hoàng Hải Hà – Khoa Nội của bệnh viện.
Một buổi tối, bác sĩ Hà nhận nhiệm vụ của cấp trên giao tiến hành xét nghiệm nhanh cho một đối tượng nghi nhiễm HIV/AIDS. Trước đó, lực lượng chức năng vừa tổ chức đợt truy quét tội phạm. Và trong số những đối tượng bị đưa về Cơ quan Công an, có một đối tượng tên Th. nghi bị nhiễm HIV.
Thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Hà tiến hành chọc ven, lấy máu của đối tượng làm xét nghiệm nhanh. Chỉ sau ít phút, kết quả xét nghiệm cho thấy đối tượng Th. dương tính với virus HIV/AIDS. Thông báo của bác sĩ Hà khiến những người có mặt lặng đi.
Th. là đối tượng giang hồ hung hãn. Trước khi bị dẫn giải về trụ sở, hắn giằng co, chống đối quyết liệt khiến các chiến sĩ công an phải làm việc khá vất vả. Không ai dám chắc trong lúc giằng co với đối tượng, khả năng bị phơi nhiễm HIV không xảy ra?
Thế rồi một việc không ai có thể ngờ được xảy đến, đối tượng Th. bất ngờ chồm qua mặt bàn, cầm chiếc xi lanh chứa đầy máu chọc thẳng vào tay bác sĩ Hà. Tình huống xảy ra quá nhanh khiến không chiến sĩ nào kịp phản ứng. Bác sĩ Hà lập tức được thực hiện các biện pháp y tế và sử dụng thuốc chống phơi nhiễm theo đúng quy trình…
Có rơi vào hoàn cảnh của bác sĩ Hà mới có thể hiểu được hết nỗi đau của người bệnh. Anh đã phải chịu đựng mỗi chuỗi ngày dài trong tâm trạng lo lắng, bất an. Cái cảm giác “chết từ từ” luôn ám ảnh, khiến anh nhiều đêm thức trắng. Bởi lúc ấy con trai anh mới tròn 1 tuổi. Những lúc ngắm con say sưa trong giấc ngủ, nghĩ rằng mình sẽ ra đi mà không được ở bên chăm sóc, nhìn thấy con khôn lớn, anh chỉ biết giấu nước mắt vào trong lòng.
Và một nỗi đau lớn không kém với bác sĩ Hà là ánh mắt kỳ thị của người đời. Kể từ khi biết anh bị phơi nhiễm HIV, nhiều người lảng tránh, không dám ngồi cạnh. Có người tỏ ra ý tứ hơn khi vui vẻ nhận từ tay anh điếu thuốc, nhưng kín đáo quay đi ngắt bỏ phần đầu lọc… Những lúc tuyệt vọng nhất, anh lặng lẽ ngồi viết di chúc.
Trong những tháng ngày buồn tủi ấy, anh có phần được an ủi khi những người thân trong gia đình luôn sát cánh, yêu thương anh với tất cả tấm lòng. Bố, mẹ và vợ anh đều công tác trong ngành y, hơn ai hết, họ hiểu nỗi đau của anh. Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng tâm sự, chị động viên anh vững vàng tiếp tục công tác để quên đi nỗi sợ. Một năm trôi qua, sau nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, bác sĩ Hà mới dám tin mình đã may mắn vượt qua “lưỡi hái tử thần”.
Bác sĩ Lưu (mà chúng tôi có nhắc ở phần đầu bài viết) có khuôn mặt khá “hầm hố”. Nếu không gặp anh ở bệnh viện, không thấy anh khoác chiếc áo blouse trắng thì có lẽ ít người nghĩ anh là một bác sĩ. Có lẽ do phải thường xuyên tiếp xúc với dân “đầu bò đầu bướu” nên anh có ngoại hình như thế cũng là điều dễ hiểu.
Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1980, anh cùng với 8 bạn đồng môn được điều lên chiến đấu ở Điện Biên, rồi sang Lào. Tại đây, tổ công tác của anh bị dính một loạt bom của đối phương. 9 anh em đều bị thương, một chiến sĩ đã ngã xuống. Mấy năm sau thì anh được điều về Hà Nội, sau đó phục viên, anh xin vào công tác tại ngành Lao động – Thương binh và xã hội. Khi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Tân Triều (tiền thân của Bệnh viện 09) được thành lập, bác sĩ Lưu được điều về đây công tác.
Là một trong những bác sĩ có thời gian tiếp xúc lâu năm nhất với các con nghiện, anh rất hiểu những bệnh nhân của mình. Anh tâm sự: “Thực ra người ngoài nghe đến người nghiện, hay bệnh nhân HIV/AIDS thì thường rất ghê sợ và ít nhiều có thái độ kỳ thị. Cũng không ít người quan niệm người mang virus HIV là lãnh án tử (!?).
Nhưng thực tế HIV cũng chỉ là một trong số những bệnh dịch nguy hiểm, có khả năng lây lan, gây suy giảm hệ thống miễn dịch dẫn đến tử vong. Trên thực tế có những bệnh nhân nhiễm HIV mà 10-15 năm vẫn sống bình thường. Còn nhiều người nhiễm lao, phổi giai đoạn cuối thì chỉ vòng vài ba tháng là tử vong”.
Bác sĩ Lưu cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ công việc của mình và đồng nghiệp tại đây cũng giống như của y bác sĩ ở các bệnh viện khác thôi. Đó là dùng hết năng lực của bản thân để cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân, không phân biệt họ là con nghiện hay là người mang virus HIV gì cả. bác sĩ nghĩa là người chữa bệnh, vậy thôi. Còn nguy hiểm thì nghề nào chả có cái khó khăn, vất vả riêng. Ví dụ như người thợ sơn ở khu nhà cao tầng, không may sơ sểnh rơi xuống là chết như chơi. Hay như anh cảnh sát hình sự, lỡ tội phạm có súng thì cũng gay go ra phết chứ đùa được à?”.
– “Nhưng còn chuyện phơi nhiễm HIV thì sao, thưa bác sĩ?” – tôi hỏi.
– “Đúng là các y bác sĩ, hộ lý làm việc ở đây thì khả năng bị phơi nhiễm HIV cao hơn hẳn các nơi khác. Nhưng do mọi người luôn có tinh thần cảnh giác cao nên cũng hạn chế được rất nhiều. Ngoài nguy cơ phơi nhiễm HIV, chúng tôi còn có mối lo lớn hơn. Đó là bị nhiễm bệnh lao. Tại khoa của tôi đã có ít nhất 2 nhân viên bị nhiễm lao, phải đi điều trị tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương”.
Cũng tại bệnh viện chúng tôi được nghe nhiều về trường hợp các y bác sĩ phải “làm thay” nhiệm vụ của người nhà bệnh nhân. Có những trường hợp bệnh nhân mắc nghiện rồi ăn chơi phá phách khiến gia đình chán ghét. Khi bị HIV giai đoạn cuối, phải đưa vào Bệnh viện 09 thì người nhà gần như cắt đứt liên lạc. Khi bệnh nhân tử vong, các bác sĩ đành bỏ tiền túi ra sắm một lễ nhỏ có hương hoa, bánh trái để cầu siêu cho bệnh nhân.
“Cũng có trường hợp, bệnh nhân yếu đến mức phải cắm ống oxy để thở. Gia đình bệnh nhân vì quá mệt mỏi với con em của mình nên đã “nhờ” bác sĩ rút ống thở ra “cho nó chóng chết” – họ bảo vậy. Song với trách nhiệm, lương tâm của mình, chúng tôi vẫn điều trị cho bệnh nhân đến hơi thở cuối cùng” – bác sĩ Lưu kể.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Bệnh viện 09 chia sẻ với chúng tôi: Tại đây, các bộ y tế làm việc trong môi trường 100% bệnh nhân đều nhiễm HIV, nguy cơ phơi nhiễm bệnh, đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp là rất lớn. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quy trình thăm khám cũng có thể lây bệnh từ bệnh nhân. Công việc vất vả, lại chịu áp lực lớn từ sự kỳ thị của cộng đồng, nhưng mức thu nhập của các nhân viên y tế tại Bệnh viện 09 được coi là “thấp nhất trong các bệnh viện”.
Hoạt động dựa trên 100% vốn ngân sách nhà nước, điểm ưu việt của Bệnh viện 09 là bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh không phải chi trả bất cứ khoản tiền gì, từ giường bệnh, thuốc men, xét nghiệm… Trường hợp bệnh nhân tử vong tại bệnh viện cũng được hỗ trợ về chi phí mai táng.
Nhưng cũng vì được “bao cấp” hoàn toàn mà bệnh viện không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ dịch vụ tăng thêm, đời sống của các nhân viên y tế chỉ trông vào đồng lương ít ỏi theo quy định của Nhà nước. Khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần khiến nhiều nhân viên y tế từ chối về làm việc tại bệnh viện.