Than tổ ong là nhiên liệu không thể thiếu ở nhiều gia đình. Nhưng điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt là thủ phạm gây ung thư.
Nhiều gia đình đang vô tư sử dụng các vật dụng, các chất là thủ phạm gây ung thư mà không hay biết.
Ho khụ khụ vì than tổ ong
Chị Lê Thị Hoàn, sinh năm 1975 trú tại Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông, Hà Nội làm nghề bán nước trà đá. Chị Hoàn kể cách đây mấy tháng, chị bị ho khụ khụ. Chị đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm phế quản. Chị thấy cổ mình đau, ho rút ruột, rút gan. Chị Hoàn uống thuốc kháng sinh nhưng ho cả tháng vẫn không khỏi.
Khi chị đi khám tại Bệnh viện Tai mũi họng, chị Hoàn kể với bác sĩ, chị làm nghề bán trà đá, hít khói thuốc thụ động từ người khác và gia đình chị cũng đun than tổ ong.
Bác sĩ cho biết để điều trị dứt điểm viêm phế quản, chị phải bỏ đun than tổ ong và hạn chế tối đa việc tự mua thuốc về uống. Từ sau hôm đó, chị Hoàn về nhà bỏ hết than tổ ong đi không đun nữa và chị chuyển sang dùng bếp gas, đun nước bằng ấm điện.
Ông Trần Minh Khởi trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội kể, từ khi gas tăng giá, nhà ông mới đun bếp than tổ ong, xấp xỉ khoảng 3 năm nay. Ông để bếp than ở gầm cầu thang ngoài sân.
Tuy nhiên, ông Khởi thấy các lớp bê tông ở gầm cầu thang rỗ ra và rơi vữa, xi măng xuống, trơ cả sắt. Nhìn chiếc bếp than tổ ong tàn phá chiếu nghỉ cầu thang, ông Khởi đã bảo vợ con bỏ bếp than tổ ong đi không đun nữa. Tuy nhiên, cứ nhìn vào bê tông, ông lại ám ảnh sức nguy hiểm của than tổ ong với sức khỏe con người như thế nào.
Chị Vũ Thị Thanh quê Nghệ An làm phụ bếp cho một quán cơm bình dân ở cạnh trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội chia sẻ, đun nấu ở trong một phòng chật chội, chủ cửa hàng sử dụng toàn than tổ ong, mỗi bếp 5 viên than, có tới 4, 5 bếp khiến không khí trong phòng rất ngột ngạt.
Những ngày đầu mới đi làm lúc nào về nhà chị Thanh cũng thấy mệt và nhức đầu. Phải mất thời gian dài chị mới quen với đun bếp than tổ ong.
Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội khẳng định, khói từ than tổ ong và các chất SO2, CO từ than có thể gây nên nhiều bệnh viêm họng, viêm phế quản và đặc biệt là ung thư phổi.
Dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng tác hại của than tổ ong đối với sức khỏe người dùng nhưng đã có nhiều trường hợp tử vong vì đốt than tổ ong sưởi ấm.
|
Than tổ ong có thể gây ung thư phổi. |
Bác sĩ Căn cho biết không nên sử dụng than tổ ong nhiều, đặc biệt là ở các gia đình chật chội, đun trong nhà, đun trong bếp kín. Khí của than tổ ong có thể gây ngộ độc trường diễn.
Khí độc từ bếp than tổ ong có thể ăn mòn bê tông
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết than tổ ong rất nguy hiểm. Đặc biệt, than tổ ong thường được làm từ than cám, than vụn, than kém chất lượng chứa một lượng lớn lưu huỳnh.
Theo nguyên lý, khi đốt ở một nhiệt độ nhất định, cacbon sẽ kết hợp với oxy có trong không khí tạo thành cacbon dioxit – CO2 và nhiệt lượng Q. CO2 là một khí độc không có tác dụng duy trì sự sống, nhất là khi tồn tại trong một căn phòng nhỏ, kín, nó sẽ đẩy các chất khí nhẹ hơn như là O2 ra ngoài để chiếm chỗ. Những người ở trong phòng vì thế sẽ không có khí để thở.
Tuy nhiên, đó lại không phải là thủ phạm chính gây tử vong, mà nguy hiểm nhất, có khả năng đem đến cái chết nhanh chóng, nhẹ nhàng, lại là khí monoxit cacbon (CO). Đây là một loại khí cực kỳ độc, được xếp đầu bảng, không màu, không mùi, không tan trong nước và chiếm một lượng lớn nhất trong quá trình đốt than.
Nếu trong phòng chật, kín thì chỉ cần ủ một viên than cũng đã đủ làm chết tất cả những người ở trong đó. Nạn nhân bị thiếu oxy một cách trầm trọng, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Khi đốt than tổ ong cũng tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong như metan, benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm rất độc hại và có khả năng gây ung thư…
Đối với tường bê tông, PGS Côn cho biết, khi đốt than tổ ong, có lưu huỳnh, lưu huỳnh kết hợp với oxy tạo thành SO2, loại chất này tác dụng rất mạnh khi gặp bê tông, tường xây, vôi vữa vì thành phần có cacbon. Chính vì thế, khi đun than tổ ong, để ở gần bờ tường, gần khối bê tông chỉ một thời gian sau là bờ tường sẽ rỗ, vỡ mảng ra. Chưa hết, PGS Côn cho biết khí SO2 còn có thể làm rỗ đá, sàn đá.