Tai biến là tình trạng bệnh rất phổ biến và cướp đi tính mạng của vô số người, nhưng hầu như chúng ta đều thiếu kiến thức cấp cứu và dễ hoảng hốt khi thấy người thân bị té ngã, ú ớ.
Khoa cấp cứu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM vừa tiếp nhận điều trị 2 trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đến cấp cứu thì người nhà đã mắc sai lầm khi sơ cứu và vận chuyển khiến tình trạng bệnh nhân nặng thêm, có nguy cơ sống đời thực vật.
Bác sĩ CKI. Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, trường hợp đầu tiên đó là bà Vũ Thị My (65 tuổi, ngụ TP. HCM) có tiền sử về bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Bà My được người nhà phát hiện nằm mê man trên gường khi không thức dậy vào buổi sáng. Qua thăm khám, bác sĩ xác định người bệnh bị liệt tứ chi; chụp CT-Scan có xuất huyết não, chụp MRI cột sống cổ ghi nhận có tổn thương tủy cổ kèm theo.
Bệnh nhân có thể bị liệt nếu di chuyển đến bệnh viện cấp cứu không đúng cách.
Theo nhận định của bác sĩ, khi đưa bà My nhập viện người nhà đã bế xốc nách, để đầu cổ bệnh nhân tự do theo nhịp chạy đã làm người bệnh cúi hoặc ngửa cổ quá mức, gây tổn thương tủy dẫn tới liệt tứ chi.
Trường hợp thứ hai đó là anh Trần Văn Nam (42 tuổi, ngụ TP. HCM) được người nhà phát hiện ngã nằm gục trong nhà tắm. Người thân ứng cứu sau đó đã bế thốc lên bước ra ngoài thì sảy chân khiến cả hai té ngã. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định ngoài tình trạng nhồi máu não bệnh nhân Nam còn bị chấn thương sọ não do người thân bế té ngã khiến việc điều trị rất khó khăn.
Cách xử trí khi có người bị đột quỵ
Theo bác sĩ Tuấn, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ có các nguyên tắc:
– Một là đảm bảo đường thở và tim đập.
Kiểm tra xem nạn nhân còn thở không.
– Hai là cố định các bộ phận có thể bị tổn thương như đầu cổ, tứ chi. Trùm chăn mỏng để giữ ấm cho bệnh nhân.
– Ba là nhanh nhất có thể.
Chính vì vậy, nếu muốn di chuyển người bệnh đúng cách, người thân cần kiểm tra tình trạng hô hấp và nhịp tim của người bệnh. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở cần thực hiện nhấn tim, hô hấp nhân tạo kịp thời.
Biết cách cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi của người bệnh khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất là để người bệnh nằm trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa, tay chân xuôi theo mình, dùng giày nặng hoặc chăn cố định 2 bên đầu tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển. Đó là trường hợp nạn nhân vẫn còn tỉnh. Nếu bệnh nhân không tỉnh táo hẳn hoặc bị yếu liệt thì đặt họ nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng. Nằm nghiêng phòng tránh nguy cơ hít sặc do nôn ói. Lý do nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động và ra hiệu khi cần.
Không nên xốc nách bệnh nhân như thế này.
Vận chuyển bệnh nhân bằng xe cấp cứu để có nhân viên y tế hỗ trợ và được ưu tiên lưu thông. Nhân viên y tế chuyên về sơ cấp cứu đánh giá tình trạng người bệnh và xử trí ban đầu chính xác hơn thân nhân. Hiện nay hệ thống xe cứu thương có sẵn các thông tin về chuyên môn của các bệnh viện, có thể quyết định chuyển thẳng người bệnh đến các bệnh viện chuyên sâu khi thấy cần thiết, tránh tốn thêm thời gian nếu đưa qua bệnh viện trung gian.
Theo VNE
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…