Categories: Tin tức

Nam bác sĩ sản khoa đỡ đẻ cho 13.000 đứa trẻ

13 năm làm bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Lê Quang HÒa, Phó khoa D3, không nhớ chính xác đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ song ước tính khoảng 13.000 em bé được anh bế chào đời.

Bác sĩ Hòa sinh năm 1979 trên mảnh đất Thanh Hóa nghèo khó. Từ nhỏ anh đã có ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Lớn lên, anh thi đậu vào Đại học Y Thái Bình. Năm 2003, anh về công tác tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho tới nay. 13 năm qua, anh không nhớ chính xác mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ nhưng ước tính khoảng 13 nghìn đứa trẻ được anh bế trên tay.

Bác sĩ Hòa thăm khám cho sản phụ. Ảnh: Lê Nga.

Bác sĩ Hòa nhớ mãi một ca đỡ đẻ khi sản phụ đứng trước cơn nguy kịch, sự sống của đứa trẻ vô cùng mong manh. Một ngày đầu năm 2011, chị Trịnh Thị Luyến vào khoa sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khám thai non khi phát hiện bị chảy máu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tình trạng nhau thai bám không đúng chỗ gây chảy máu nặng. Theo dõi trong ngày, bệnh nhân mất 500 ml máu. Cuối cùng bác sĩ quyết định mổ lấy con, cấp cứu mẹ ngay lập tức.

Ê kíp mổ gồm bác sĩ Hòa và một số bác sĩ, y tá khác. Ca mổ gặp khó khăn khi bệnh nhân tiếp tục chảy máu rất nhiều và mất gần 2 lít máu. Ca phẫu thuật đã kéo dài gần hai giờ đồng hồ, cả kíp mổ đều căng thẳng. Trước khi mổ, ê kíp đã chuẩn bị sẵn hơn một lít máu đề phòng trừ bất trắc. Song, diễn biến ca mổ không theo dự tính, sản phụ bị mất máu quá nhiều trong khi kho máu của bệnh viện hết loại máu cùng nhóm máu bệnh nhân. Người nhà sản phụ Luyến cũng hiến máu nhưng vẫn không đủ lượng máu cần thiết cho ca mổ.

May mắn, bác sĩ Hòa và một bác sĩ khác có cùng nhóm máu với sản phụ, liền quyết định hiến máu cho chị ngay tại phòng mổ. Chính nhờ những đơn vị máu hiến đó, ca mổ đã thành công, sản phụ qua khỏi cơn nguy kịch, cả hai mẹ con đều an toàn, thai nhi rất khỏe mạnh. “Ca mổ thành công, cả ê kíp đều thở phào nhẹ nhõm, người nhà bệnh nhân vui mừng khôn xiết. Đến nay chị Luyến và con gái vẫn thường xuyên giữ liên lạc, thăm hỏi, cảm ơn ê kíp của bệnh viện năm đó”, bác sĩ Hòa kể.

Đó không phải là lần đầu tiên bác sĩ Hòa hiến máu ngay trong phòng cấp cứu bệnh nhân mà đã rất nhiều lần anh làm công việc đó. Đến nay anh đã 8 lần hiến máu ngay tại phòng mổ. 

Nói về công việc của mình, bác sĩ Hòa kể, những sản phụ lần đầu làm mẹ hầu như ai cũng đều rất hồi hộp và lo lắng. “Có những sản phụ khi nằm lên bàn mổ, chúng tôi chưa kịp làm gì thì đã òa khóc. Khi ấy chúng tôi phải giúp sản phụ bình tĩnh hơn bằng cách động viên, an ủi, kể chuyện hài hước, cũng có khi nắm tay chị trong suốt ca đẻ để họ cảm thấy có chỗ dựa vững chắc. Sau mổ lấy em bé, sản phụ khi ấy có thể mệt mỏi quá mà xỉu đi, cũng có người nửa mơ nửa tỉnh, chúng tôi đều thông báo “con đã ra rồi nhé” để sản phụ yên tâm thả lỏng người”, bác sĩ Hòa tâm sự.

“Chứng kiến người bố lần đầu được gặp con, ông bà lần đầu gặp cháu, họ đón thiên thần nhỏ từ tay bác sĩ rồi bế ẵm, ngắm nghía, vuốt ve, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Niềm vui, hạnh phúc của sản phụ, gia đình của sản phụ cũng là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi”, bác sĩ Hòa nói thêm.

Nhớ lần nằm trên bàn mổ để ê kíp bác sĩ Hòa phẫu thuật, chị Nguyễn Phương ở Hà Đông, Hà Nội, kể lại: “Lần đầu làm mẹ, tôi lo lắm, cảm giác vào phòng mổ mà như lạc vào cõi khác vậy. Thấy chiếc kim to như ngón tay, tôi như nín thở, sợ hãi vô cùng”. Chị nói rằng, như hiểu được cảm giác của chị, bác sĩ Hòa trấn an bằng giọng hài hước “Chị đừng căng thẳng thế, bệnh viện có khoảng 100 bác sĩ nam thì tôi là người đẹp trai thứ 99 đấy nên chị là người may mắn được tôi đỡ đẻ đấy. Chỉ mấy phút nữa thôi là chị được gặp con, khi đó hạnh phúc quá khóc cũng được chứ giờ đừng khóc nhé”. Quả thật là sau những lời động viên của bác sĩ, chị yên tâm hơn, bình tĩnh chào đón con. Sinh xong, ngày hôm sau, bác sĩ Hòa còn đến tận giường hỏi thăm sức khỏe hai mẹ con chị cũng như những sản phụ khác.

13 năm trong nghề, bác sĩ Hòa bảo chưa khi nào cảm thấy chán nghề hay có suy nghĩ chuyển nghề khác mà ngược lại càng yêu nghề hơn. Chứng kiến sản phụ nhọc nhằn trong ngày vượt cạn anh cảm thấy thương mẹ, yêu vợ vô cùng. Người đời có câu “người chửa là cửa mả”, bên cạnh những ca đẻ mẹ tròn con vuông thì cũng không ít ca sản phụ bị tai biến. “Khi thấy những người mẹ phải oằn mình trong đau đớn, mồ hôi rơi lã chã nhưng vẫn kiên cường chống cự vì sự an toàn của con, tôi thấy thương mẹ, thương vợ vô cùng. Cả những người phụ nữ khác nữa, họ đã hy sinh thân mình cho cuộc sống này…”, nam bác sĩ sản khoa trải lòng.

Lê Nga

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

7 mins ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago