Theo học Trường Thần học Harvard, Kerry Egan (Mỹ) đi thực tập tại bệnh viện ung thư. Cô gái ngày đó 26 tuổi vẫn đang mày mò trên con đường trở thành giáo sĩ. Một ngày, giáo sư hướng dẫn hỏi Egan về công việc.
“Em trò chuyện với bệnh nhân”, nữ sinh viên đáp.
“Trò chuyện với bệnh nhân ư? Vậy nói cho thầy biết những người sắp lìa đời trò chuyện về chủ đề gì?”, vị giáo sư hỏi.
Egan chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề này. “Thì”, cô gái chậm rãi. “Chủ yếu là về gia đình họ”.
“Em có nói về Chúa trời không?”
“Dạ không thường xuyên lắm”.
“Tôn giáo của họ?”
“Cũng không nhiều”.
“Ý nghĩa cuộc sống?”
“Đôi lúc ạ”.
“Những lời cầu nguyện thì sao? Em hướng dẫn họ cầu nguyện chứ?”
“Dạ”, Egan chần chừ. “Thi thoảng”.
“Vậy em chỉ đến thăm và trò chuyện với họ về gia đình?”
Cô gái trẻ cảm thấy sự chế nhạo trong lời nói người thầy. “Dạ, họ nói. Còn em lắng nghe”.
“Thế hả”, vị giáo sư ngả lưng vào ghế.
Một tuần sau, giữa lớp học, người thầy nọ lấy câu chuyện của Egan làm ví dụ giữa giờ giảng. Ông khiến toàn bộ sinh viên có mặt cười ồ, chế nhạo cô giáo sĩ tập sự nông cạn. Egan run lên vì xấu hổ. “Lúc ấy tôi nghĩ nếu mình giỏi hơn thì đã trò chuyện được với bệnh nhân về những vấn đề to lớn. Nếu gặp một giáo sĩ giàu kinh nghiệm, họ có lẽ sẽ muốn nói về Chúa trời”, cô trải lòng với CNN.
13 năm trôi qua, Egan giờ đây đã trở thành giáo sĩ. Cô đến thăm những người gần đất xa trời tại nhà riêng, bệnh viện hoặc trại dưỡng lão. Người phụ nữ nhận ra rằng nếu được hỏi bệnh nhân sắp chết nói gì với giáo sĩ, cô chắc chắn vẫn trả lời như ngày trước mà không hề do dự. “Hầu hết họ chỉ muốn kể về gia đình: cha mẹ, con cái. Họ giãi bày về tình yêu được hoặc không được nhận, đã cho đi hoặc không có cơ hội trao”, Egan nói. “Đôi khi, vào thời điểm cái chết cận kề, cổ họng chỉ còn rít lên những tiếng yếu ớt, họ đưa tay với lấy cái gì đó mà tôi không thể thấy rồi gọi ‘cha ơi’, ‘mẹ ơi'”.
Ảnh: Medical Daily.
Nói về gia đình chính là nói về tất cả những câu hỏi xoay quanh sự tồn tại của con người. “Chúng ta không sống bằng học thuyết, lý luận mà sống trong gia đình: gia đình chúng ta được sinh ra, gia đình chúng ta tạo dựng nên và gia đình chúng ta có thông qua bạn bè”, Egan giải thích. Nhờ gia đình, con người mới tạo ra cuộc đời và thông suốt lẽ sống. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta cho nhận tình yêu, nếm trải cảm giác bị tổn thương bởi người yêu dấu, cũng là nơi đầu tiên dạy chúng ta rằng tình yêu có thể vượt lên cơn đau khủng khiếp nhất.
13 năm qua, Egan đã nhìn thấy những biểu hiện tuyệt vời tình yêu gia đình. Đó là người chồng nhẹ nhàng lau mặt vợ bằng khăn mát, từ tốn nâng phần đầu không còn sợi tóc nào của cô để chỉnh lại gối. Đó là người con gái bón bánh cho mẹ dù bà từ hàng chục năm nay không còn nhận ra cô. Đó là người vợ lặng lẽ sắp xếp giường cho chồng trong lúc chờ đợi dịch vụ lễ tang đến đưa anh đi. “Chúng ta không thể hiểu ý nghĩa sự sống bằng cách tranh luận hay lục tìm sách vở. Nó nằm ở những hành động yêu thương”, Egan nói. “Lớp học đầu tiên và cuối cùng về tình yêu chính là gia đình”.
Đọc tiếp
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…