Tiêm chủng cho trẻ đẻ non là vấn đề các bố mẹ trẻ nên quan tâm. Trẻ đẻ non có sức khỏe yếu do vậy bố mẹ rất băn khoăn liệu có nên tiêm vacxin cho trẻ không và nếu phải tiêm có đảm bảo an toàn hay không
Tiêm chủng cho trẻ đẻ non là vấn đề các bố mẹ trẻ nên quan tâm. Trẻ đẻ non có sức khỏe yếu do vậy bố mẹ rất băn khoăn liệu có nên tiêm vacxin cho trẻ không và nếu phải tiêm có đảm bảo an toàn hay không và lịch tiêm chủng có gì khác biệt so với trẻ đủ tháng. Việc tiêm chủng cho trẻ đẻ non, nhẹ cân cũng gây ra tâm lý e ngại cho cả nhân viên tại các trạm y tế.
Đặc điểm của nhóm trẻ đẻ non, nhẹ cân
Có một thực tế là so với trẻ đủ tháng thì trẻ đẻ non cân nặng thấp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn, kể cả với những bệnh có thể phòng được bằng vacxin. Do vậy việc tiêm vacxin cho trẻ đẻ non đóng vai trò hết sức quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và giảm nguy cơ tái nhập viện.
Trẻ đẻ non được cho là có khả năng miễn dịch kém hơn so với trẻ đủ tháng do vậy đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả và an toàn của việc tiêm vacxin cho trẻ đẻ non nhằm cung cấp những cơ sở khoa học để đưa ra những khuyến cáo về lịch tiêm chủng cho nhóm trẻ này.
Một số thuật ngữ về “tuổi” của trẻ đẻ non áp dụng trong tiêm chủng
– Tuổi thai: là tuổi được tính kể từ khi thụ thai cho đến thời điểm tiêm chủng.
– Tuổi sinh: là tuổi được tính từ khi trẻ được sinh ra cho đến khi tiêm chủng.
Quyết định thời điểm tiêm chủng cho trẻ đẻ non phụ thuộc vào tình trạng của trẻ và đặc thù của từng loại vacxin.
Vacxin viêm gan B
Virus viêm gan B có thể lây truyền sớm cho trẻ theo đường từ mẹ sang con nếu mẹ có HbsAg (+) ngoài ra do tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng rất cao nên trẻ cũng có thể bị lây nhiễm từ những người chăm sóc do vậy vacxin viêm gan B cần được tiêm sớm.
Ở Việt Nam thời gian qua có một số trường hợp tai biến sau khi tiêm vacxin viêm gan B nên việc tiêm vacxin viêm gan B ít nhiều gây lo ngại cho bố mẹ và cả nhân viên y tế đặc biệt là đối với trẻ đẻ non. Trên thế giới, theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP) thì việc tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu cho trẻ đẻ non phụ thuộc vào cân nặng của trẻ và tình trạng nhiễm virus viêm gan B của mẹ.
Những mũi sau tiêm theo lịch tiêm chủng.
Nghiên cứu về hiệu quả của vacxin viêm gan B trên đối tượng trẻ đẻ non cho thấy nếu tiêm mũi đầu cho trẻ có cân nặng dưới 2000g thì vẫn tạo được kháng thể bảo vệ nhưng lượng kháng thể bảo vệ có được sẽ kém hơn so với những trẻ được tiêm mũi đầu khi có cân nặng đạt > 2000g.
– Nếu mẹ xét nghiệm HBsAg (-) và trẻ có cân nặng khi sinh >2000g thì vẫn khuyến cáo tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu cho trẻ ngay sau sinh như bình thường. Hoặc có thể chờ tiêm mũi đầu sau sinh 4 tuần kết hợp cùng vacxin bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib.
– Nếu mẹ xét nghiệm HBsAg (-) và trẻ có cân nặng khi sinh < 2000g thì khuyến cáo tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu khi trẻ được 30 ngày tuổi nếu như tình trạng ổn định. Hoặc có thể chờ tiêm mũi đầu lúc được 6 – 8 tuần tuổi sinh cùng với vacxin bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib.
– Nếu mẹ xét nghiệm HBsAg (+) thì trẻ cần được tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu sớm ngay trong vòng 12h sau sinh và huyết thanh kháng viêm gan B (HBIG) mà không cần quan tâm đến tuổi thai và cân nặng của trẻ. Tuy nhiên mũi tiêm vacxin viêm gan B đầu tiên không được tính vào lịch tiêm chủng nếu như khi tiêm cân nặng của trẻ dưới 2000g. Tức là sau này trẻ vẫn phải tiêm vacxin tiếp tục như những trẻ đủ tháng khác.
– Nếu không rõ mẹ có bị nhiễm viêm gan B hay không (chưa có xét nghiệm HBsAg) thì sẽ tiêm vacxin viêm gan B mũi đầu sớm ngay trong vòng 12h sau sinh mà không cần quan tâm đến tuổi thai và cân nặng của trẻ. Tuy nhiên mũi tiêm vacxin viêm gan B đầu tiên không được tính vào lịch tiêm chủng nếu như khi tiêm cân nặng của trẻ dưới 2000g. Tiếp theo sẽ chờ kết quả xét nghiệm HBsAg của mẹ để quyết định xem có cần tiêm HBIG hay không.
Vacxin bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib
Những nghiên cứu cho thấy trẻ đẻ non tiêm những vacxin trên theo lịch thông thường (theo tuổi sinh) vẫn đảm bảo hiệu quả sinh kháng thể bảo vệ như trẻ đủ tháng và không có sự khác biệt về tác dụng phụ so với nhóm trẻ đủ tháng. Vì vậy những vacxin trên vẫn được áp dụng bình thường cho trẻ đẻ non theo lịch tiêm chủng tính theo tuổi sinh.
Vacxin phế cầu
Trẻ đẻ non có nguy cơ cao mắc bệnh do phế cầu do vậy cần được tiêm vacxin chống phế cầu khi được 2 tháng tuổi (tuổi sinh). Những nghiên cứu cho thấy trẻ đẻ non được tiêm vacxin phế cầu có tác dụng bảo vệ tương đương với nhóm trẻ đủ tháng và không có sự khác biệt về tác dụng phụ giữa hai nhóm trẻ.
Vacxin cúm
Tất cả trẻ đẻ non đều có nguy cơ cao mắc bệnh cúm do vậy cần được tiêm phòng cúm cho trẻ khi được 6 tháng tuổi (tuổi sinh) hoặc tiêm sớm trước mùa cúm.
Vacxin BCG phòng lao
Là vacxin sống giảm độc lực do (bản chất của vacxin BCG là vi khuẩn lao còn sống nhưng đã được làm yếu đi) do vậy chống chỉ định tiêm vacxin BCG cho những trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch như HIV, dùng corticoid.
Hiện tại AAP chưa có khuyến cáo tiêm vacxin BCG cho trẻ đẻ non do trẻ đẻ non được coi là có khả năng miễn dịch kém hơn so với trẻ đủ tháng. Tuy nhiên đã có nghiên cứu tiêm vacxin BCG cho trẻ đẻ non khi được 34 – 35 tuần (tuổi thai) cho thấy có mang lại đáp ứng miễn dịch tương tự như nhóm trẻ đủ tháng và cũng không thấy có sự khác biệt về tai biến do tiêm BCG.
Những thông tin trên đây chỉ có tính tham khảo để bạn lập kế hoạch đưa trẻ đi tiêm chủng. Do việc áp dụng lịch tiêm chủng cho trẻ đẻ non rất khác nhau giữa các quốc gia và các vùng cho nên thời điểm và loại vacxin tiêm cho trẻ đẻ non sẽ do bác sĩ tiêm chủng quyết định. Bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Ths.Bs. Tống Quang Hưng
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…