Nhập viện do tự ý đắp lá điều trị
Khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) mỗi tháng tiếp nhận 1-2 trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe. Khi bị tổn thương viêm nhiễm, tạo ổ áp – xe có mủ, nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.
Không dùng tay nặn mụn nhọt.
Mới đây, bệnh nhi Vàng Quáng V. (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) cũng đã nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, vùng áp -xe tại mông hình thành khối mủ to. Nguyên nhân là do khi thấy con bị mọc nhọt ở vùng mông trái kèm theo sốt, mẹ cháu tự lấy kim thêu chọc cho vỡ nhọt, sau đó lấy lá cây dọc mùng và một số lá khác giã nát, đắp để chữa nhọt cho con mà không đưa con đến Trạm y tế để điều trị.
Sau khi được mẹ chữa nhọt bằng cách chọc vỡ và đắp lá, vùng nhọt của bé V. sưng to. Khi gia đình đưa bé lên bệnh viện tỉnh, trẻ đã rơi vào tình trạng sốt cao, li bì. Sau 3 ngày điều trị không tiến triển, bé V. được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Do đắp lá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh nên tình trạng viêm nhiễm da của bệnh nhi lan rộng, dẫn đến nhiễm trùng máu, gây hoại tử da trên diện rộng và các tổ chức phần mềm. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật 2 lần mới khống chế được vùng da hoại tử lan rộng. Tuy nhiên hiện nay, vết mổ của bệnh nhi vẫn còn thiếu da, các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng, đợi khi thích hợp sẽ tiếp tục tiến hành ghép da cho bệnh nhi.
Có thể gây nhiễm trùng máu
Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Chỗ mọc nhọt, da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau, trên nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi – đó là sợi chân lông. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt. Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận, và có khi còn bằng quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông. Với mụn nhọt ở một vài vị trí đặc biệt thì phải chú ý, như đinh râu, hậu bối (bệnh than ngoài da), vì chúng dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Khi bị mụn nhọt không nên tự ý chữa bệnh đắp lá theo kinh nghiệm truyền miệng, vì như vậy có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng máu, gây ra viêm mủ màng tim, áp – xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong.
Trị mụn nhọt thế nào?
Đa số mụn nhọt sẽ tự khỏi và có thể tác động để đẩy nhanh quá trình bằng cách đặt một cái khăn ấm sạch lên trên mụn nhọt trong vài phút rồi lặp lại 3 – 4 lần trong ngày.
Khi mụn nhọt mưng mủ, nên lau sạch và vệ sinh bằng chất khử trùng như Betadine rồi băng lại bằng một miếng gạc vô trùng. Vệ sinh sạch sẽ và tránh không để dính sang những bộ phận khác của cơ thể. Để ngăn chặn tình trạng lây lan của mụn nhọt, cần thay băng thường xuyên và bỏ vào thùng rác ngay sau khi dùng xong.
Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra. Cho người bệnh dùng khăn lau mặt riêng, đồng thời thường xuyên giặt khăn lau mặt, khăn tắm ở nhiệt độ cao.
Khám cho bệnh nhân tại Viện Da liễu Hà Nội. Ảnh: Minh Thành
Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 tuần, nên đi khám tại cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp.
Trong trường hợp mụn nhọt kéo dài hay sưng to thì có thể người bệnh đã bị viêm tế bào. Điều này là do tình trạng nhiễm trùng đã xâm nhập vào lớp da sâu hơn và sẽ cần dùng đến kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để điều trị.
Những việc không nên làm khi bị mụn nhọt
Không nên tùy tiện uống kháng sinh khi nổi mụn nhọt. Việc uống kháng sinh hay không, liều lượng thế nào cần theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám.
Không nên kỳ cọ quá mạnh khi tắm rửa, gội đầu, làm các mụn nhọt vỡ ra. Không tự ý nặn khi mụn nhọt còn “non”. Việc nặn mụn nhọt nên được thực hiện trong môi trường vô trùng ở bệnh viện.
Không dùng kim chích nhọt, không đắp cao, đắp lá thuốc trên mụn nhọt đã vỡ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng mụn nhọt cần giữ vệ sinh môi trường sống thật tốt: Phòng ngủ thoáng mát, nhà cửa luôn được lau chùi thường xuyên, mở rộng cửa sổ đón khi trời. Chăn, gối… cần được giặt sạch, phơi nắng thường xuyên.
Mẹ và những người chăm sóc trẻ cần giữ đôi tay luôn sạch, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chăm sóc trẻ. Tắm gội mỗi ngày và mặc quần áo có chất liệu mềm mịn, thấm hút tốt. Thay quần áo mỗi khi thấy ướt mồ hôi, ẩm, dính vết bẩn do thức ăn… Không cạy, chà sát các vết rôm sảy trên da.
Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cho hệ miễn dịch mạnh khỏe hơn, đủ sức chống lại khuẩn tụ cầu gây mụn nhọt. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nguồn: SKĐS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…