Thuốc bổ nói chung là thuốc được bào chế nhằm cung cấp những chất cơ thể thiếu, nhằm bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức khỏe, giảm mỏi mệt, giúp ăn được, ngủ được… Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bổ được quảng cáo tăng sức đề kháng, tăng chiều cao, giúp trẻ thông minh… khiến không ít phụ huynh tin tưởng và lạm dụng.
Ảnh minh họa. |
Có nhiều quan niệm sử dụng thuốc bổ cho trẻ sai lầm đang xuất hiện ngày càng phổ biến như: uống vitamin, khoáng chất thay bữa ăn; tăng liều để bổ nhiều hơn; dùng thuốc bổ chữa bệnh; uống thuốc bổ hàng ngày để phòng bệnh… Việc sử dụng thuốc bổ không đúng cách có thể gây ra những tác dụng ngoài mong muốn như làm tăng lượng hormone ở trẻ dẫn đến dậy thì sớm, chán ăn, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Một số khác sẽ bị chảy máu cam, khô họng, đau họng, thậm chí béo phì, tăng huyết áp… gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Theo dược sĩ Hoàng Tôn Hà Vy, Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, nếu dùng không đúng cách, thuốc bổ có thể gây nên một số tác dụng ngược. Trẻ uống Calci liều cao kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, làm giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie phosphor.
Trẻ uống nhiều thuốc sắt dễ bị táo bón. Vitamin tan trong dầu mỡ như A, D, E, K thì có thể gây ngộ độc nếu sử dụng dồn dập vì cơ thể bé không kịp thải ra, dễ tích lũy ở gan gây hại. Bên cạnh đó, ngộ độc vitamin A có thể gây tăng áp lực nội sọ, Vitamin D có thể dẫn đến táo bón cho trẻ. Trẻ sử dụng quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận. Ngoài ra trẻ có thể bị dị ứng với vitamin nhóm B mà hay gặp là B6, B1, hay B12, có thể gây sốc phản vệ.
Nếu không sử dụng đúng, thuốc bổ còn có thể có các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy); biếng ăn (do mất thăng bằng chất dinh dưỡng); chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ…
Trẻ có chế độ ăn hợp lý sẽ có lượng vitamin cần thiết cho cơ thể nên không cần phải dùng thêm thuốc bổ. Thuốc bổ chỉ nên dùng trong trường hợp trẻ không thể ăn (trẻ mắc bệnh) hoặc không chịu ăn (biếng ăn).
Dược sĩ Hoàng Tôn Hà Vy cho biết, không nên tùy tiện dùng thuốc bổ cho bé. Các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa cách dùng như thế nào, trong bao lâu, liều lượng ra sao… Ngoài ra, phụ huynh cần cung cấp cho bác sĩ biết các thông tin về những loại thuốc trẻ đang sử dụng, đặc biệt là thuốc chống đông, những loại thuốc điều trị và thuốc bổ mà trẻ từng bị dị ứng khi sử dụng trước đây.
Nếu sử dụng thuốc bổ, phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ uống thuốc bổ vào ban ngày và tốt nhất là buổi sáng. Các viên vitamin đơn lẻ có thể uống trước hay sau ăn đều được. Riêng các viên đa sinh tố (multivitamin) nên uống sau ăn thì sẽ ít khó chịu hơn. Thuốc bổ được điều chế theo hình dáng, mùi vị như kẹo nên cần để xa tầm với của trẻ. Đối với trẻ lớn, nên nói cho bé biết đó là thuốc, không phải kẹo để tránh tự tiện dùng quá liều.
Theo An Nhiên/Infonet
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…