Tin cho các Bé – Kỹ thuật chăm sóc trẻ non ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đòi hỏi cả một hệ thống đồng nhất
“Cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã lấy lại sự sống cho 2 con chúng tôi, đã mang lại cho chúng tôi cuộc sống đầy hạnh phúc và ý nghĩa…”, trong giây phút xúc động, chị Hồ Thị Hải Yến nghẹn ngào mãi mới nói nên lời cảm ơn với các y bác sĩ của Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương – nơi đã đem lại sự sống cho hàng ngàn trẻ sinh non.
Kỳ tích của ngành sản khoa Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Hoa, 30 tuổi, ở Phú Thọ nhớ lại cách đây 5 tháng, khi mang thai chưa được 30 tuần, nửa đêm chị bị rỉ ối, gia đình vội đưa chị đến Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hy vọng sẽ kéo dài thêm tuổi thai. Đến viện thì ối vỡ, chị phải mổ cấp cứu, con mới được 1,3kg phải nuôi trong lồng ấp.
“Khi nhìn con thoi thóp trong lồng ấp, nhìn dây rợ chằng chịt quanh người, tôi ước được ôm ấp con vào lòng để nghe tiếng khóc của con, để con được bú mẹ mà sao khó khăn quá!… Nhiều lần tôi nghĩ quẩn, liệu con mình có qua khỏi? Nhưng cũng may sau mấy ngày mổ đẻ, tôi có sữa và hằng ngày vắt gửi vào để các y tá cho con ăn, sau 45 ngày cháu được xuất viện, nặng 1,8kg. Giờ cháu được 5 tháng với cân nặng 4,7kg. Trộm vía cháu không bị ốm vặt, thỉnh thoảng tôi mới đưa con lên đây để bác sĩ theo dõi võng mạc thôi”. Csái tên mà chị Hoa đặt cho con trai đầu lòng là Gia Bảo như một báu vật mà ông trời đã ban tặng cho vợ chồng chị vậy.
Gặp lại chị Hồ Thị Hải Yến (28 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình) sau 3 ngày 2 con chị là Giang Thiên Ân và Giang Thiên Bảo được xuất viện. Việc cứu sống được 2 bé sinh non ở tuổi thai 24 tuần, thụ tinh trong ống nghiệm là một kỳ tích mà Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa đạt được. Chị cho con gái Giang Thiên Ân đến khám lại.
Chị chia sẻ: cháu sinh non nên việc chăm sóc hết sức cẩn trọng, ngoài việc giữ gìn vệ sinh, giữ ấm và đảm bảo dinh dưỡng cho cháu, còn phải đưa con khám đúng lịch để theo dõi sự phát triển về mắt, tai… Ngắm con gái da căng hồng, thỉnh thoảng cựa mình chị vui lắm.
Chị kể, anh chị cưới nhau năm 2006, lần đầu có thai chị đã phải nhờ sự hỗ trợ bằng phương pháp IUI (lọc, bơm tinh trùng vào tử cung), giờ con trai đầu lòng được 7 tuổi. Sau 5 năm, chị muốn sinh con tiếp mà không được, chị lên BV Phụ sản T.Ư để làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và đặt phôi ngày 4/7/2014. Khi thai chưa được 23 tuần (ngày 25/11/2014), chị bị đau bụng phải vào khoa Sản Bệnh lý của BV Phụ sản T.Ư. Đến sáng ngày 5/12/2014, chị Yến đẻ thường song thai IVF 24 tuần, bé trai 600gr và bé gái 500gr. Con chị đã được các bác sĩ hồi sức tích cực vì khi chào đời bị suy hô hấp nặng, thoi thóp, thở nấc, nhịp tim rời rạc, phản xả yếu và chuyển sang Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh. Nhìn con chỉ nhỉnh hơn chiếc bơm tiêm 50ml, chị chỉ biết khóc… và hồi hộp từng giây, từng phút, từng giờ…
Mắt chị rạng ngời khi bảo giờ đây, hơn 3 tháng tuổi, 2 con chị đã lớn gấp 5 lần ngày sinh rồi. Mặc dù các bé không được bú mẹ nhưng được các bác sĩ chỉ dẫn tỉ mỉ cách chăm con sinh non, chị đã thành công.
Có thể hình dung cảm xúc vui mừng của biết bao ông bố bà mẹ khi được ôm con trong vòng tay ấm áp mà trước đó sự sống của con mình được giành giật từng giây từng phút. Những giọt nước mắt vui mừng và sự biết ơn sâu nặng khi họ cùng con được xuất viện về nhà, xúc động mỗi khi con biết khóc đòi ăn… mà trước đó, ngay từ khi sinh ra, các bé đã phải đối diện bao rủi ro do thiếu tháng nhẹ cân, nhiễm khuẩn, với những bệnh lý nặng nề về mắt, da…
Nói về sự thành công của Trung tâm này với những kỳ tích ngang hàng với thế giới về chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ Sản T.Ư cho biết: Cứu sống một đứa trẻ sinh non thì phải bắt đầu ngay từ những giây đầu đời với sự phối kết hợp của các bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức và bác sĩ sơ sinh để kịp xử trí rủi ro. Sau nữa là hồi sức cấp cứu bởi một trung tâm cấp cứu với kỹ năng thuần thục, kỹ thuật cao với trang thiết bị hiện đại, cộng với tình thương của những y bác sĩ. “Giống như việc nấu bữa cơm cho chồng con, các chị gửi cả tâm hồn vào đó thì món ăn mới ngon miệng, khi ấy các chị mới thực sự thấy vui và hạnh phúc!”, bác sĩ Ngọc Lợi dí dỏm ví von.
Chứng kiến các bác sĩ thực hiện tỉ mỉ từng khâu, từng bước cũng như việc sát sao theo dõi 24/24h từng giây, từng phút tới các bé, tôi mới thấu hiểu và cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những “từ mẫu” nơi đây.
Đem lại sự sống cho trẻ sinh non
Nhìn những sinh linh nhỏ xíu trong Phòng hồi sức tích cực, đứa nằm nghiêng, nằm úp… quanh người nối những dây nhỏ như những sợi cước với nhiều loại máy hỗ trợ như máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây truyền ăn xông…, mới thấy sự sống thật mong manh. Những tiếng kêu ro ro phát ra từ máy cứ đều đều, đôi lúc lại tít tít báo hiệu giờ ăn, nhịp thở…, các y bác sĩ lại tất tả ghi chép, rồi đem sữa vào cho các cháu ăn, rồi gấp gáp báo cáo bác sĩ Lợi… Bác sĩ Lê Minh Trác, người từng sang Mỹ học hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non, chia sẻ: “Kỹ thuật chăm sóc trẻ non tháng ở đây là cả một hệ thống. Điều khó khăn nhất là những trẻ sinh non thường gặp nhiều nguy cơ xảy ra như: ngạt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, xuất huyết, vàng da và viêm ruột. Về lâu dài, nguy hiểm vẫn luôn rình rập như võng mạc bẩm sinh, điếc, bại não, kém phát triển về thể chất. Vì vậy, việc chống suy hô hấp, ổn định thân nhiệt và chống nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ… rất quan trọng.
Thấy tôi khựng lại khi bắt gặp một cháu bé da tím bầm, chân tay không cựa quậy, chỉ thấy lồng ngực phập phồng thoi thóp, bác sĩ Trác phân tích tỉ mỉ: “Cháu bé này bị vàng da sinh lý nên sau khi cho chiếu đèn, da cháu thay đổi như thế là tiên lượng tốt. Cháu này ngày đầu tiên ăn mỗi ngày 4 bữa, mỗi bữa 2ml kéo dài 3 tiếng kết hợp nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, sau 2 ngày mới bơm xông từ từ để tránh viêm ruột hoại tử…”.
Bác sĩ Lợi chia sẻ, điều quan trọng là bệnh viện được trang bị trang thiết bị và các bác sĩ được học kỹ thuật chăm sóc trẻ sinh non bên Mỹ để chăm sóc cho trẻ phát triển tốt nhất về thính lực, thị lực, trí tuệ… để hạn chế di chứng mù lòa cho trẻ.
Trời mỗi lúc một lạnh và mưa phùn thêm nặng hạt, tôi dời bệnh viện với tâm trạng ấm áp bởi một niềm tin về tài năng và y đức của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.
“Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện nay đã có thể nuôi được trẻ 500gr, tuổi thai 24 tuần. Chúng tôi phấn đấu năm nay tăng khả năng để có thể nuôi được 23 tuần và lý tưởng nhất là 22 tuần (nặng 300 – 400gr) như ở Mỹ” – PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương.
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…