Biết bò, biết đi là lúc trẻ muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình. Bằng cách di chuyển bằng tay khi bò, bằng chân khi đi, trẻ có thể chạm, sờ, cầm, nắm tất cả mọi vật dụng trong nhà. Với sự ham muốn khám phá, trẻ chưa thể ý thức được những nguy hiểm và tai nạn có thể xảy ra đối với bản thân khi tiếp xúc với những vật dụng không an toàn. Do đó, bố mẹ cần có phương án thiết kế và bố trí các vật dụng trong nhà hợp lý, an toàn với các lưu ý sau để bảo vệ cho con khi chơi.
Đối với phòng khách, phòng ngủ
+ Làm rào cửa chắn ở cửa phòng và cầu thang. Khác với việc cho trẻ vào cũi, rào chắn cửa hoặc chắn cầu thang sẽ cho trẻ một không gian rộng hơn để chơi đùa mà vẫn an toàn cho trẻ.
+ Sắp xếp phòng gọn gàng. Cất những vật dụng không cần thiết ở chỗ khác để lấy không gian cho trẻ chơi thoải mái, đặc biệt là những vật nhỏ trẻ có thể cầm cho vào miệng;
+ Dọn dẹp và lau chùi phòng thường xuyên để trẻ được chơi trong môi trường sạch sẽ, tránh được các bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, tay chân miệng;
+ Bọc bằng xốp, cao su góc nhọn của các đồ dùng như bàn, ghế, giường, tủ;
+ Để tất cả các vật dụng dễ vỡ như ấm chén, ca cốc thủy tinh, phích dựng nước lên trên cao khỏi tầm với của trẻ;
+ Dây điện và dây cáp phải được bọc kín bằng ống nhựa hoặc thiết kế âm vào tường; Các bảng điện chứa công tắc và ổ cắm điện cần được thiết kế trên cao tầm với của trẻ, nếu không phải che kín các bảng điện bằng nắp đậy chuyên dụng; Kiểm tra các thiết bị điện như đèn, quạt đảm bảo an toàn cho trẻ;
+ Tủ thuốc gia đình phải được treo cao khỏi tầm với của trẻ.
Đối với phòng bếp
+ Phòng bếp cũng phải được sắp xếp gọn gàng, lau chùi thường xuyên để trẻ có không gian chơi an toàn, sạch sẽ;
+ Cất cao tất cả những vật dụng nhà bếp sắc nhọn có thể gây thương tích đối với trẻ như dao, kéo, đũa, thìa, dĩa;
+ Để xa tầm tay với của trẻ tất cả các dung dịch tẩy rửa nhà bếp;
+ Không cho trẻ chơi ở khu vực bếp khi đang nấu vì rất dễ gây bỏng cho trẻ. Nên thiết kế bàn bếp nấu ăn cao hơn tầm với của trẻ để trẻ không thể chạm tay vào bếp khi đang đun nấu.
Đối với nhà tắm, nhà vệ sinh
+ Thường xuyên cọ rửa, lau chùi nhà vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, chống trơn trượt và để tránh các bệnh truyền nhiễm từ vi khuẩn bẩn có hại cho trẻ;
+ Cất cao hơn tầm với của trẻ những dụng cụ sắc nhọn như dao cạo râu, kéo cắt tỉa;
+ Cất cao hơn tầm với của trẻ tất cả các dung dịch tẩy rửa, xà phòng và dầu gội;
+ Không dự trữ chậu nước, thùng nước trong nhà tắm vì có thể vô tình làm trẻ sặc nước, đuối nước nếu vào chơi một mình;
+ Nên chốt cửa nhà vệ sinh sau mỗi lần sử dụng đề phòng trẻ vào nghịch mất vệ sinh.
Trên đây là một số giải pháp an toàn cho trẻ khi vui chơi trong nhà. Những việc này tất cả mọi thành viên trong gia đình đều có thể làm được để bảo vệ trẻ. Bố mẹ hãy cho con một không gian thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông để con được vui chơi an toàn.
Gia Hân
.
Nguồn: congioilam.com
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…