Huyết học

Ghép tế bào gốc tạo máu: Cơ hội sống cho người bệnh

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương áp dụng ca đầu tiên vào tháng 6/2006. Tính đến hết tháng 8/2018, đã có 352 ca được áp dụng phương pháp này. Đây thực sự là điều kỳ diệu mà y học mang lại cho các bệnh nhân mắc bệnh về máu có cơ hội được sống một cuộc sống khỏe mạnh.

Với những triệu chứng cảm, sốt, ngủ ly bì 12 đến 16 giờ mỗi ngày, sức khỏe suy kiệt…, bệnh nhân Nguyễn Khắc Lượng (26 tuổi, quê ở Nghệ An) đã phải bỏ dở giấc mơ trở thành một kỹ sư hóa dầu. Tuy đã khám và điều trị thời gian dài tại một số bệnh viện ở Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An… nhưng bệnh không giảm mà có biểu hiện tăng nặng, Lượng được giới thiệu đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để làm các xét nghiệm về máu và phát hiện mắc Lơxêmi cấp. Tháng 6/2013, Lượng được ghép tế bào gốc theo phương pháp đồng loài. Nguồn tế bào gốc lấy từ em trai và đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phân tích, xác định sự hòa hợp hoàn toàn về HLA.Sau 5 năm ghép tế bào gốc, hiện nay sức khỏe của Lượng đã ổn định, có thể lao động sản xuất bình thường tại quê nhà.

Ghép tế bào gốc tạo máu (hay còn gọi là ghép tủy) là phương pháp điều trị bệnh được ứng dụng chủ yếu trong ngành huyết học và ung thư học, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân bị mắc các bệnh lý về máu và một số bệnh lý khác ngoài chuyên khoa huyết học.Phương pháp này thực hiện quá trình cấy ghép tế bào gốc tạo máu lấy từ tủy xương hoặc từ máu, ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.

Sau ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện vào tháng 6/2006, đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 352 ca ghép tế bào gốc (gồm ghép tự thân và ghép đồng loài), góp phần chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người mắc các bệnh về máu. Kết quả ghép thành công ở nhóm bệnh máu ác tính khoảng 60-70%. Nhóm bệnh máu lành tính như suy tủy xương, đa huyết sắc tố… có tỷ lệ thành công trên 80%.

Tế bào gốc có thể lấy được từ nhiều nguồn: máu cuống rốn, tủy xương hoặc từ máu ngoại vi. Với phương pháp lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi mà Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đang thực hiệnđã thể hiện nhiều ưu điểm: Không đau, tiết kiệm thời gian, dễ thực hiện, chủ động trong việc thu thập một lượng tế bào gốc có chất lượng tốt và đảm bảo sự tinh sạch…

Ứng dụng ghép tế bào gốc đã được áp dụng thành công để điều trị nhiều bệnh về máu, trong đó có Lơxêmi cấp, một nhóm bệnh máu ác tính. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh một loại tế bào non – ác tính (tế bào blast), nguồn gốc tại tuỷ xương.

Bác sĩ chuyên khoa II – Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Trước năm 2014, việc ghép tế bào gốc đồng loài phụ thuộc vào nguồn tế bào gốc lấy từ tế bào máu ngoại vi hoặc tủy xương của những người cùng huyết thống (là anh, chị, em ruột) có kết quả xét nghiệm phù hợp hoàn toàn về HLA, do đó, chỉ 25% số ca bệnh có cơ hội được ghép tế bào gốc.

Từ năm 2014 đến nay, Viện đã triển khai ghép tế bào gốc lấy từ máu dây rốn không cùng huyết thống; Ghép nửa hòa hợp về HLA hay phối hợp cả hai nguồn tế bào gốc. Bên cạnh đó, Viện còn tiến hành ghép đồng loài giảm cường độ liều cho bệnh nhân từ 55 đến 60 tuổi; Từng bước hoàn thiện quy trình ghép cho nhóm bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia – nhóm có tỷ lệ bệnh nhân mắc rất cao hiện nay.

Theo bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, khác với phương pháp ghép tạng, ưu điểm của phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu bệnh nhân sẽ không phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cả đời để phòng các biến chứng chống chủ, thải ghép, mà chỉ dùng một số loại thuốc trong một khoảng thời gian nhất định (từ 6 tháng đến 12 tháng). Do đó, người bệnh có được cơ hội sống một cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường.

Kết quả của phương pháp ghép tự thân là tỷ lệ đáp ứng của nhóm U lympho lên tới 70,2%. Tỷ lệ đáp ứng điều trị của nhóm Đa u tủy xương là 86,1%.

Kết quả của ghép đồng loài cho thấy, thời gian sống toàn bộ (OS) 3 năm ở nhóm lành tính là 83,3% và ác tính là 47,2%. Thời gian sống không bệnh (DFS) 3 năm ở nhóm lành tính và ác tính tương ứng là 73,5% và 56,3%.

Để đảm bảo chất lượng tế bào gốc trước khi ghép, Viện đã áp dụng Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001; TCVN ISO 13485:2004 (ISO 13485:2003) về Trang thiết bị y tế – Hệ thống quản lý chất lượng – Yêu cầu đối với các mục đích chế định; TCVN ISO 15189:2014 (ISO 15189:2012) về Phòng thí nghiệm y tế – Yêu cầu về chất lượng và năng lực; ISO/IEC 17043:2011 Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn; áp dụng tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt GMP và các tiêu chuẩn khác có liên quan đến hoạt động thu thập, xử lý, bảo quản, cung cấp tế bào gốc; các xét nghiệm liên quan đến tế bào gốc – ghép và điều trị lâm sàng ghép tế bào gốc…Theo đó, quy trình xét nghiệm tại 8 phòng xét nghiệm của Viện Huyết học – Truyền máu Tung ương gồm 3 giai đoạn: Trước xét nghiệm, xét nghiệm và sau xét nghiệm.

Giai đoạn trước xét nghiệm, các bác sĩ tiến hành sàng lọc, chỉ định xét nghiệm, gửi chỉ định đến phòng xét nghiệm.Bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm, vận chuyển mẫu bệnh phẩm đến khu vực xét nghiệm, bàn giao mẫu và xử lý mẫu ban đầu…

Giai đoạn xét nghiệm, các mẫu bệnh phẩm được đưa vào hệ thống máy phân tích, quá trình xét nghiệm được thực hiện tự động và cập nhật kết quả lên phần mềm.

Giai đoạn sau xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm được các kỹ thuật viên đánh giá, kiểm duyệt và cập nhật lên phần mềm nội bộ để bác sĩ chẩn đoán, sàng lọc các dấu hiệu bệnh lý.

Theo bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, thực hiện Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/06/2017 của Bộ Y tế về “Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học”, 8 phòng xét nghiệm của Viện sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.

Trên thế giới hiện có hai phương pháp ghép tế bào gốc:

Ghép tế bào gốc tự thân: Tế bào gốc được lấy từ chính người bệnh để ghép lại cho họ. Phương pháp này có thể áp dụng đối với một số bệnh lý huyết học như Đa u tủy xương, U lympho ác tính, các bệnh lý tự miễn, bệnh Amylodosis và nhiều bệnh lý thuộc các chuyên khoa khác như ung thư, ngoại khoa, thần kinh, nội tiết, da liễu…

Ghép tế bào gốc đồng loài:Tế bào gốc được lấy từ những người có chung huyết thống để ghép cho bệnh nhân.Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh máu ác tính hoặc không ác tính như: Lơxêmi cấp, Lơxêmi kinh, U lympho ác tính, Hội chứng Rối loạn sinh tủy, Đa u tủy xương, Suy tủy xương, Thalassemia, Đái Huyết sắc tố kịch phát ban đêm, một số bệnh lý huyết sắc tố khác.

 Yhocvn.net/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay

adminyhoc

Recent Posts

Hiểu biết đầy đủ về bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa xảy ra ở khoảng 5% và tăng mạnh ở dân số phương…

5 days ago

Các bước cải thiện sức khỏe đường ruột

Sức khỏe đường ruột khỏe mạnh, bao gồm môi trường đường ruột cân bằng và…

5 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột bệnh vảy nến, bệnh chàm

Bệnh vảy nến là căn bệnh da liễu khá phổ biến với các biểu hiện…

5 days ago

Sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi như thế nào?

Sự thay đổi các vi sinh vật trong hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng…

6 days ago

Vi khuẩn đường ruột thay đổi gây lão hóa khi lớn tuổi như thế nào

Các loại vi khuẩn trong ruột của người già rất khác nhau và có liên…

6 days ago

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Y học đã chứng minh khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng có…

6 days ago