Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra khi cha mẹ cho trẻ em đùa nghịch với đũa.
Đôi đũa là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của tất cả các gia đình Việt nói riêng và nhiều nước châu Á khác nói chung. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, đôi đũa này lại có thể trở thành một vũ khí “chết người” nếu bố mẹ không để ý cẩn thận.
Theo bà đi ăn cỗ, bé trai Vĩnh Phúc bị đũa chọc vào mũi
Theo báo chí đưa tin hồi cuối tháng 3 năm 2016, một tai nạn đáng tiếc xảy ra với bé Nguyễn Phúc H. (3 tuổi, Vĩnh Phúc). Theo đó vào ngày 22/3 khi bé được bà cho đi ăn cỗ, ngồi vào mâm bé đòi và lấy được chiếc đũa ăn để chơi. Trong lúc bà không để ý, bé H. không may ngã, chiếc đũa bé đang cầm chọc sâu vào mũi bé.
Tai nạn bất ngờ khiến bé Hòa chảy rất nhiều máu, vùng sàng tháp mũi và gốc mũi sưng và thâm tím. 4 tiếng sau sự cố trên, bé H. xuất hiện một loạt các dấu hiệu bất thường: đau đầu vùng thái dương hai bên, sốt liên tục, nôn nhiều sau khi ăn. Cháu được gia đình đưa đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh điều trị trong vòng 2 ngày nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển.
Sau các xét nghiệm, các bác sĩ bệnh viện tỉnh kết luận cháu bị viêm màng não mủ và cấp tốc chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để được điều trị chuyên sâu.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã cho trẻ thực hiện nội soi tai-mũi- họng. Kết quả nội soi cho thấy hình ảnh mảnh dị vật có cạnh sắc nhọn mắc ở ngách bướm sàng bên trái của mũi. Bệnh nhi được bác sĩ tiến hành lấy dị vật trong mũi, chăm sóc vùng tổn thương và điều trị viêm màng não mủ theo phác đồ.
Bé gái TP.HCM bị đũa xuyên qua lưỡi khi ăn cơm trước sân nhà
Cách đó đúng tròn 1 tháng, một vụ việc gần tương tự xảy ra tại TP.HCM. Bé gái Nguyễn Thị Ngọc A. 9 tuổi, ngụ Quận Tân Phú, TP. HCM.
Vừa ngồi ăn cơm tối ở trước sân nhà, vừa coi các anh lớn chơi đá banh, bé bị va trúng khiến cả đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm vào phía bên trong của miệng. Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 22.2, gia đình hốt hoảng đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Vừa ăn cơm vừa cầm đũa chạy, bé trai bị đũa chọc vào mặt
Hồi đầu tháng 1/2016, ở Quý Châu, Trung Quốc cũng xảy ra một trường hợp trẻ bị đũa chọc vào mặt. Theo đó, vào 11h trưa ngày 28/1, cậu bé Hoàng Hạo vừa xem phim hoạt hình vừa ăn thì bất ngờ cậu bé cầm bát đũa chạy ra ngoài phòng đầy phấn khích.
Bà của cậu bé cho biết: “Thằng bé chạy xung quanh khắp phòng với vẻ mặt vui mừng và trên tay vẫn còn cầm bát đũa. Đột nhiên, thằng bé ngã xuống và khóc thét lên. Khi cả nhà chạy ra xem thì thấy chiếc đũa đã chèn qua má phải của thằng bé“.
Mẹ và bà ngoại của Hoàng Hạo vô cùng hoảng sợ khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng và nhanh chóng đưa cậu bé đến bệnh viện Nhi.
Dỗ cháu chơi ngoan, bà đưa cháu nghịch đã và tai nạn kinh hoàng
Tháng 12/2015, trang China daily đưa tin về một vụ tai nạn thương tâm của trẻ em trong gia đình mới xảy ra ngày hôm trước ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Theo đó, bà ngoại của em bé vì bận việc nhà, muốn để cháu chơi ngoan không quấy phá nên đã đưa cho cháu một đôi đũa với cái bánh mì để nghịch. Khoảng hơn 6 giờ tối, lúc bà đang lúi húi trong bếp, không để ý cháu gái phía sau thì bỗng nhiên nghe thấy một tiếng hét thất thanh.
Khi quay lại, cảnh tượng kinh hãi khiến nhiều người phải đau lòng: bé gái 1 tuổi bị chiếc đũa chọc xuyên qua miệng, máu ở miệng và cả khoang mũi trào ra. Sau đó, chiếc bánh mì rơi xuống sàn nhà, bà ngoại em bé lao đến bế cháu, vừa khóc vừa chạy đi kêu cứu.
Kết quả chụp CT và khám xét sơ bộ cho thấy chiếc đũa đêm vào khoang miệng của em bé khoảng 2cm và mắc kẹt lại. Tuy chiếc đũa may mắn chưa cắm vào não nhưng đã chạm tới hộp sọ. May mắn gia đình em bé không rút chiếc đũa ra mà đưa con nguyên trạng tới bệnh viện bởi nếu rút chiếc đũa ra, rất có thể em bé sẽ bị mất máu dẫn đến tử vong.
Đồ vật quen thuộc trong mâm cơm của các gia đình lại là “sát thủ” với trẻ nhỏ
Những sự việc trên là lời cảnh tỉnh cho cha mẹ, về mối nguy hiểm có thật đối với trẻ nhỏ đến từ những chiếc đùa vô tri vô giác.
Theo các bác sĩ, trẻ con thường rất thích chơi với những đồ vật nhỏ, dài như thìa, đũa vì chúng có thể cầm nắm được dễ dàng. Bởi vậy rất nhiều trẻ đã đòi cha mẹ phải đưa cho chúng những vật dụng tương tự để làm đồ chơi.
Tuy nhiên, trẻ em cũng rất hiếu động và không bao giờ chịu ngồi 1 chỗ. Việc chạy nhảy có kèm theo một vật dài và sắc nhọn là rất nguy hiểm cho trẻ bởi chúng có thể chọc vào mắt, miệng trẻ gây ra những hậu quả vô cùng thương tâm.
Để bảo vệ con, cha mẹ cần lưu ý:
– Tuyệt đối không nên để con đùa nghịch, chạy chơi khi đang cầm đũa trên tay hay khi đang trong bữa cơm.
-Dù cho con cái đòi hỏi, quấy khóc, nhõng nhẽo thì cha mẹ cũng đừng dỗ dành con bằng cách đưa trẻ cầm đũa chơi.
– Nếu muốn để trẻ tự xúc ăn, cha mẹ hãy mua cho con bộ đồ ăn có dạng hình tròn.
– Trường hợp trẻ nhất định đòi dùng thìa, đũa, dĩa để ăn cơm thì người lớn phải ở gần bên cạnh để trông và quan sát con.
Theo Khám Phá
Nguồn: TTOnline
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…