Categories: Vợ chồng

Đi tìm mộ đồng đội, người cựu chiến binh bị nhầm là cò dắt mối

Lần đầu gọi điện cho thân nhân đồng đội, báo tin vị trí mộ của họ, ông Tâm thường bị nghi là lừa đảo.

Điều đó không khiến người cựu chiến binh hiện sống tại quận 10, TP HCM buồn nản. “Đã có nhiều vụ lừa đảo các gia đình liệt sĩ nên tôi thông cảm với họ. Tôi đi tìm mộ các đồng đội vì cảm thấy không yên lòng khi hòa bình rồi mà họ vẫn chưa được về với gia đình”, người lính già trải lòng về công việc thầm lặng đã 15 năm ròng.

Ông Nguyễn Văn Tâm và bản sơ đồ mộ liệt sĩ  – Ảnh: Kim Anh.

Tháng 8/1971, chàng trai Hải Phòng Nguyễn Văn Tâm khi ấy vừa tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ. Tháng 2/1972, anh nhận lệnh đi B (vào chiến trường miền Nam). Đến mùa hè cùng năm, anh lính trẻ mới vào đến đơn vị, đó là Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 46, Công trường 1, Sư đoàn 1, lúc đó hoạt động ở địa bàn thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang và một phần Campuchia ngày nay. Giai đoạn 1972, chiến sự rất ác liệt. Trong vòng 4 tháng, tiểu đoàn của Nguyễn Văn Tâm có khoảng 160 người hy sinh.

Mới vào chiến trường vài tháng, bản thân Nguyễn Văn Tâm cũng đôi ba lần phải tự tay chôn cất đồng đội. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in một trường hợp đau lòng. Đang đào hố chôn liệt sĩ Hoàng Trọng Lân quê Thanh Hóa, người đồng đội mới gặp được 7 ngày, ông giật mình nghe thấy tiếng thều thào: “Nước”. Hóa ra, bạn vẫn còn sống. Ông kéo bạn lên, cho bạn uống nước, cắt bớt vải bọc cho bạn thở, chờ đợi bạn hồi sinh nhưng không thấy gì thay đổi. Ông lại thả bạn xuống. Đang lấp đất, ông lại nghe thấy tiếng: “Nước”. Lại đưa lên, lại cho uống nước, lại thả xuống. Đến lần gọi nước thứ ba của bạn, ông quyết định đưa bạn vào trạm xá. Tuy nhiên, hai ngày sau, người đồng đội cũng mãi mãi ra đi vì xương thịt đã nát hết, không thể cứu chữa được.

Những nấm mồ được chôn vội trong những cuộc giao tranh luôn được san bằng để địch không phát hiện ra. Để đảm bảo bí mật, không một thông tin nào về nhân thân người lính, dù chỉ là mẩu giấy ghi tên gọi, được chôn kèm với thi thể họ. Để rồi khi hòa bình lập lại, chính người dân địa phương cũng không hề biết có những nấm mồ liệt sĩ như thế tồn tại ngay sau vườn nhà mình.

Nhân chuyến du lịch Kiên Giang cuối năm 2001, ông Tâm tranh thủ ghé thăm chiến trường xưa. Ông về lại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương thì được người dân cho biết “Họ không chết ở đây”. “Vậy là tôi biết chưa có ai được về với gia đình”, người lính già ngậm ngùi. Lúc đó, ông đã nảy ý định sẽ đi tìm thân nhân của các liệt sĩ để đưa họ trở về, bởi ông biết rất rõ một số ngôi mộ do chính mình chôn cất.

Thời gian đầu, việc tìm kiếm gia đình đồng đội không hề đơn giản, khi không có giấy báo tử gửi về cho thân nhân, mà chỉ có danh sách liệt sĩ được lưu giữ ở Phòng Chính sách Quân khu 7.

Ông đành “bám” theo người khác khi họ đến đây tìm thông tin về người thân, lướt vội tên các đồng đội cũ để tìm địa chỉ gia đình họ. Sau vài ba lần tới theo các gia đình khác nhau, ông bị nghi ngờ là cò dắt mối và không được cho vào nữa.

Không bó tay, khi về quê gặp gỡ các đồng đội cũ, ông lại dò hỏi quê hương của những người đã khuất. Rất may nhờ bạn bè làm cầu nối, ông gặp lại được người đồng đội cũ tên Quyết vốn là lính trinh sát hiện sống ở Thái Nguyên. Ông Quyết đang giữ một danh sách các liệt sĩ, bao gồm tên tuổi, ngày nhập ngũ, quê quán và cả bản sơ đồ đánh dấu nơi chôn cất của họ. 

Từ những bản danh sách đơn giản như thế này, ông Tâm đã đưa được các liệt sĩ về với người thân của họ – Ảnh: Kim Anh.

Khó khăn lớn nhất của ông Tâm là kết nối với các gia đình. Hơn 40 năm, rất nhiều địa chỉ cũ ngày xưa đã thay đổi, ví dụ tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình hay các gia đình đã chuyển nơi ở. Gọi điện cho phòng Thương binh Xã hội địa phương nhờ hỗ trợ, có khi ông được giúp đỡ tận tình nhưng cũng có khi người ta nhận lời rồi không phản hồi.

Miệt mài dò hỏi thông tin, mãi đến năm 2011, ông mới tập hợp được 21 gia đình có mộ liệt sĩ chôn gần nhau cùng vào Kiên Giang nhận lại người thân. Khi biết ông sẽ quay lại chiến trường xưa, vợ và mẹ ông đều không đồng ý vì sợ nguy hiểm. Sau khi nghe ông giải thích, những nấm mồ được chôn ở chân núi, không phải nơi rừng thiêng nước độc; đó là những người đồng đội đã từng gắn bó với ông một thời thì gia đình không cản nữa. Sau này, khi thấy công việc của ông mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, bà cụ còn nhiệt tình ủng hộ con trai.

Việc đưa các bạn về quê diễn ra tương đối suôn sẻ nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ông: báo cáo lên đơn vị quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh Kiên Giang để họ trực tiếp khai quật mộ, tổ chức thuê xe cho các gia đình đi từ Bắc vào Nam hai lần: một lần vào đào mộ, lấy mẫu thử ADN và một lần nhận hài cốt.

Nhớ lại quá trình đó, ông Tâm rất xúc động khi được dân địa phương tận tình giúp đỡ. Ban đầu, khi ông và các thân nhân liệt sĩ đến xin ngủ nhờ, người dân không đồng ý, không cho ngủ trong nhà, thậm chí ngoài hiên vì sợ lừa đảo. Thế nhưng sau đó, chính họ còn nấu nướng cho đoàn ăn. 

Những bộ hài cốt được gói ghém cẩn thận trước khi trao cho các gia đình liệt sĩ – Ảnh: NVCC

Trong các bộ thi hài được đưa lên, có một trường hợp khiến ông buồn là gia đình tin nhà ngoại cảm, vẫn để người đồng đội ấy vẫn ở lại Kiên Giang. Bù lại là sự vui mừng tìm thấy người thân của các gia đình khác. 

Đặc biệt, việc tìm được người bạn đồng hương Phạm Đức Lương khiến ông thanh thản nhất. Mẹ liệt sĩ Lương lúc đó đã 91 tuổi, héo hắt vì hai đứa con mãi vẫn chưa tìm thấy mộ, lúc nào cũng trực đi gặp tổ tiên nhưng chưa thể đi vì chưa gặp được con. Việc tìm được liệt sĩ Lương và sau đó là người anh trai ở Quảng Nam đã mang lại cho bà sức mạnh lớn, giúp bà gượng dậy, có thể tự mình đi chùa, leo núi.

Giờ đây, gia đình liệt sĩ Phạm Đức Lương coi ông Tâm như một thành viên thân thiết trong nhà. Trong mắt bà Phạm Thị Hương, em gái của liệt sĩ Lương, ông Tâm là một người nhiệt tình và có tâm với đồng đội: “Anh Tâm không ngại bỏ công sức, thời gian, tiền bạc, không quản gian khó để đi tìm đồng đội. Đến bây giờ anh ấy vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người chưa trở về được. Chỉ cần thân nhân liệt sĩ nào có ý định muốn tìm người thân của mình, anh Tâm đều sẵn sàng giúp đỡ thông qua kinh nghiệm và các đầu mối tìm kiếm của mình”.

Sau hai đợt đưa được các bạn về quê trọn vẹn, từ năm 2012, ông Tâm lại miệt mài tìm kiếm địa chỉ gia đình hiện tại của 15 liệt sĩ được chôn ở một cụm khác. Tháng 4 vừa rồi, ông đã hoàn thành.

“Tôi làm việc này đơn giản chỉ vì nghĩa tử là nghĩa tận với bạn bè. Tôi không đòi hỏi gì, nhiều lúc nghĩ thầm, mình có được ngày hôm nay, biết đâu là do được các bạn phù hộ”, ông Tâm chia sẻ.

Kim Anh

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

13 hours ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

3 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

3 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

3 days ago