Lisa Smiley, sinh ra tại Trung Quốc và hiện sống tại Mỹ, là một bà mẹ đã có 3 con và sắp sinh bé thứ 4. Chị có bằng cử nhân về triết học tại Đại học California-Irvine. Chị có một trang blog và một website phát động phong trào cầu nguyện cho việc chấm dứt tình trạng phá thai và đặt niềm tin cho sự hồi sinh khắp thế giới. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị về những điều bố mẹ chị từng phải đối mặt để giữ được mạng sống cho các con mình dưới chế độ một con hà khắc của Trung Quốc.
Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc tuyên bố thay đổi chính sách cho phép sinh hai con. Mặc dù đây là một tin tức tốt lành, chính sách này cũng không thể trả lại những số phận đã bị tước đoạt.
Trong gần 4 thập kỷ, chế độ hà khắc này đã buộc hàng triệu phụ nữ phải phá thai khi họ bị phát hiện đã có một con trước đó. Bộ Y tế Trung Quốc ước tính, có hơn 330 triệu bào thai đã bị phá bỏ khi chính sách này được thiết lập vào năm 1980. Thông thường, phụ nữ có thai khi đã có hơn một con sẽ bị lôi ra khỏi nhà, đánh đập và buộc phải làm thủ thuật bỏ thai.
|
Bố mẹ chị Lisa Smiley bên các cháu và ba người con nhỏ nhất của họ. Ảnh: Photo Courtesy of Lisa Smiley. |
Tin tức này có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Tôi sinh ra trong một gia đình Trung Quốc có 5 cô con gái và một con trai. Tất cả các con gái đều được sinh ra ở Trung Quốc, ba đứa bé nhất, trong đó có tôi, được sinh ra bất hợp pháp sau khi chính sách một con có hiệu lực.
Do văn hóa trọng nam khinh nữ, nhiều thai gái đã bị phá bỏ. Điều này đã tạo tình trạng “thiếu phụ nữ”, không chỉ ở Trung Quốc mà khắp châu Á.
Cũng như hầu hết các gia đình Trung Quốc, bố mẹ tôi muốn có con trai. Họ đã cố sinh và có tới 5 cô con gái. Mặc cho những gì chính phủ và xã hội rao giảng, bố mẹ và gia đình lớn của tôi vẫn quyết giữ vững giá trị về tình máu mủ và không muốn bỏ bất cứ đứa con nào.
Mẹ tôi chia sẻ những câu chuyện về bao điều bố mẹ phải làm để giữ an toàn cho chúng tôi. Mỗi lần mang thai một trong ba đứa con sau cùng, bà đã phải đi trốn vài tháng. Khi mẹ có bầu tôi, nhà đã có 3 con gái. Chị tôi, Julie, mới ở tuổi chập chững, mẹ đã phải gửi chị cho người họ hàng và để hai chị lớn nhất ở nhà với bố, trong khi mẹ trốn vào thành phố ở cùng một người thân khác. Hồi đó, mẹ bị coi là kẻ vi phạm pháp luật và sẽ bị người của chính phủ truy tìm.
Đến gần ngày dự sinh, mẹ đi tới thành phố khác để đẻ tôi. Bà đã vô cùng sợ hãi và lo bị bắt được nhưng may mắn là điều đó không xảy ra.
|
Chị Lisa Smiley (bên phải) cùng chị em mình khi còn nhỏ. Ảnh: Photo Courtesy of Lisa Smiley. |
Có một số thời điểm nhất định trong năm, các quan chức chính phủ đối xử đặc biệt hà khắc với các gia đình phạm luật. Suốt những quãng thời gian này, hai chị gái tôi phải rời nhà, nhờ dì và bác tôi chăm lo, trong khi bố mẹ tôi sẽ đưa các con gái nhỏ hơn đến vùng khác trong tỉnh và ở đó với ông bà.
Chúng tôi không bao giờ được phép cùng ở nhà khi người của chính quyền đến tìm. Cả làng im ắng, những gia đình như nhà tôi – có hơn một hay hai con sẽ phải bế con chạy đi cùng nỗi sợ hãi những việc người ta sẽ làm với mình.
Chị gái lớn nhất của tôi, khi ấy đang học tiểu học, vẫn nhớ rõ thời kỳ này. Những cán bộ địa phương đến hỏi chị là bố mẹ đi đâu. Chị sẽ trả lời “không biết”. Bố mẹ chẳng bao giờ nói với chị những điều đang diễn ra nên chị cũng chẳng biết bí mật gì mà kể.
Chị cũng nhớ chuyện những đứa trẻ và gia đình khác hướng ánh mắt về nhà tôi và thì thào sau lưng về gia đình lớn với 5 cô con gái. Chúng tôi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bị xã hội bêu riếu. Chị gái tôi đã nghe nhiều người lên án gia đình mình, rằng thật bất hạnh khi có nhiều con gái và gia đình đó chắc chắn sẽ chẳng có tương lai.
|
Bố mẹ chị Lisa Smiley và 5 cô con gái khi còn ở Trung Quốc. Ảnh: Photo Courtesy of Lisa Smiley. |
Mặc dầu vậy, mẹ kể rằng chúng tôi đã may mắn vì nhiều lý do, bà không bao giờ muốn chúng tôi quên điều đó. Chúng tôi sống ở nông thôn, nơi luật đỡ hà khắc hơn tại thành phố. Như những người nông dân nghèo khác tự canh tác mùa màng, bố mẹ tôi không bao giờ phải dựa vào chính phủ để sinh nhai. Bố mẹ cũng trả một khoản nhỏ cho một số cán bộ địa phương để họ đối xử tử tế với gia đình mình và không báo cáo trường hợp của chúng tôi lên cấp cao hơn.
Tuy nhiên, nhìn về phía trước, bố mẹ tôi biết tương lai của con cái mình khá ảm đạm. May mắn thay, vì có nhiều người thân đã ra nước ngoài, chúng tôi cũng rời khỏi đất nước này lúc tôi lên 4 tuổi, đầu tiên là tới New Zealand, sau đó qua Mỹ.
Nếu vẫn ở lại Trung Quốc, tôi không biết điều gì sẽ đến với gia đình mình. Nhiều đứa trẻ sinh ra bất hợp pháp đã bị xã hội từ chối và buộc phải sống như những “bóng ma”.
Chúng tôi may mắn ở Mỹ ngày nay, nơi không bà mẹ nào phải vi phạm pháp luật để lựa chọn cuộc sống cho mình. Nhưng tôi thương tiếc cho đất mẹ của tôi. Hơn 300 triệu sinh mạng đã bị mất, mỗi người là một câu chuyện, số phận riêng và may mắn khi các chị gái và tôi không bị tính vào con số thống kê đó.
Tôi vô cùng biết ơn bố mẹ. Những gì họ đã phải trải qua để giữ lại cuộc sống cho tôi và 4 chị em gái mình thực sự phi thường.
Ngày nay, họ đang gặt hái những phần thưởng cho hành động can đảm của mình. Sắp về hưu, bố mẹ tôi lên kế hoạch đi thăm các con: Ở với gia đình tôi vài tháng tại Texas, sau đó đến California thăm tổ ấm của chị gái tôi. Họ nói điều này với niềm hân hoan. Họ nóng lòng muốn gặp những đứa cháu và nấu cho chúng ăn các món quê hương.
Tôi có thể tưởng tượng điều họ đang nghĩ nếu họ bỏ tôi hay bất cứ đứa con nào của mình. Những ý nghĩ và giấc mơ của họ sẽ hoàn toàn khác: Tiếc thương những đứa con đã mất, hy vọng và mơ về điều gì đó xa xôi, như hàng triệu gia đình ở Trung Quốc.
Việc này gợi nhớ đến một bức ảnh đã lan truyền gần đây – về một người mẹ, sau khi bị đánh, với đứa trẻ 7 tháng bị sẩy nằm bên cạnh. Đó là một khung cảnh đau lòng, minh chứng rõ nét cho mặt trái của chính sách này.
Con cái là phước lành và mỗi cuộc sống đều đáng trân trọng. Tôi rất may mắn vì bố mẹ mình tin điều này là đúng. Nếu họ tin khác đi, làm theo quan điểm xã hội về bé gái và tuân theo các luật bất công, các chị em gái và tôi sẽ không được sống đến hôm nay.
Vương Linh (Theo Life News)
Nguồn: VnExpress
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…