Categories: Tin tức

Cộng đồng giúp đỡ người mẹ già muốn cho 6 con dại ăn một bữa thật no rồi uống thuốc độc cùng chết


Nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, cuộc sống gia đình bà Lực có lẽ sẽ được sang một trang mới. Tuy nhiên, điều bà hy vọng nhất là luôn giữ được sức khỏe để có thể chăm nom các con lâu hơn.

Các nhà hảo tâm cùng đến hỏi thăm, tặng quà cho người mẹ già đáng thương.

Ngay sau khi thông tin về hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Lực (79 tuổi, ở xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), người mẹ già đang phải vất vả nuôi 6 người con bị tâm thần được báo chí đưa tin, rất nhiều nhà hảo tâm đã tìm cách quyên góp, ủng hộ.

Chiều ngày 28/4, một ngày sau khi tin tức về bà Lực lan tỏa trên MXH, khi tìm đến nhà riêng của bà, số lượng hàng hóa từ thiện được tích trữ tại đây khá nhiều. Từ trước cửa vào trong buồng, rất nhiều thùng mì tôm, bao tải đựng gạo, bánh kẹo, sữa tươi, quần áo, giò chả và thậm chí có cả bột giặt, nước rửa bát… được đặt sẵn.

Hàng hóa từ thiện chất đầy trước cửa nhà…

Trong gian buồng nhỏ cũng ngập ngụa mì tôm, sữa tươi, bao tải đựng gạo.

Rất nhiều nhà hảo tâm cùng lúc tìm đến động viên, tặng quà cho gia đình bà Lực.

Bà Lực cho biết, bắt đầu từ ngày 27/4, khi tin tức về gia đình bà vừa lan truyền, lác đác đã có một số người dân tìm đến hỏi thăm, động viên và tặng quà. Sau đó, số lượng người tìm đến đông hơn hẳn, thậm chí từ sáng đến chiều, bà chỉ lo tiếp các đoàn nhà hảo tâm. Có người trao tiền, có người tặng hiện vật, ai nấy đều rất thành tâm, muốn giúp đỡ gia đình bà vượt qua cơn khó khăn.

Chị Trinh (Ấm Hạ, Hạ Hòa, Phú Thọ) chia sẻ: “Mình ở cùng huyện nhưng giờ mới biết đến gia cảnh của bà. Sáng nay, khi vừa đọc báo, mình và mấy gia đình khác rủ nhau cùng xuống thăm, đem một số đồ dùng như giò chả, thịt thà rồi bánh kẹo và một ít tiền mặt xuống thăm bà”.

Chị Trinh chia sẻ, dù đã đọc rất kỹ những bài viết về hoàn cảnh éo le của bà Lực nhưng khi tận mắt chứng kiến, chị vẫn không khỏi thương cảm, xót xa. “Nhà bà khó khăn quá, ngay cả căn nhà cũng ọp ẹp như sắp đổ còn những đứa con nhìn đã thấy tội nghiệp. Tuy nhiên, mình đi theo cá nhân nên cũng chưa giúp được bà nhiều”.

Anh Dương (bên phải, đại diện đoàn từ thiện) và ông Kỷ (đại diện chính quyền xã Phụ Khánh) trao tặng bà Lực phong bì gần 60 triệu đồng tiền mặt.

…Đã được phía gia đình, chính quyền xã kiểm lại và lập biên bản bàn giao.

Có lẽ vì câu chuyện của bà Lực đã chạm đến trái tim của nhiều người nên chỉ sau một ngày kêu gọi trên trang cá nhân, nhà báo Phạm Ngọc Dương đã huy động được số tiền gần 60 triệu đồng cùng khá nhiều gạo, dầu ăn đến ủng hộ cho gia đình bà Lực. Số tiền này hiện đã được trao cho bà Lực dưới sự giám sát của chính quyền xã. Mọi người sẽ giúp bà lập một cuốn sổ tiết kiệm và hàng tháng, khống chế lượng tiền rút ra ở mức 5 triệu đồng.

Đây mới chỉ là con số tạm thời vì theo anh Dương, chủ nhật tới đây, nhà báo Đào Thanh Tuy bạn của anh sẽ dẫn thêm một đoàn từ thiện đến trao quà cho bà. Như vậy, tổng số tiền trong cuốn sổ tiết kiệm do anh Dương, những người bạn và các nhà hảo tâm quyên góp dành tặng bà Lực ước chừng đạt khoảng 150 triệu đồng.

Ngoài tiền mặt, đoàn từ thiện của do anh Dương đại diện cũng trao tặng bà Lực gạo, dầu ăn và rất nhiều quần áo…

“Chúng tôi không muốn trao ngay một số tiền lớn cho bà Lực vì còn nhiều mối e ngại như tiền để trong nhà dễ bị trộm cắp hay bà Lực tuổi cao, sức yếu khó có thể quản lý… Vì vậy, số tiền này được tiết kiệm trong ngân hàng, vừa an toàn mà mỗi tháng bà Lực sẽ có thêm khoản chi tiêu đều đặn”, anh Dương cho biết.

Theo ông Nguyễn Tiến Kỷ (Bí thư Đảng ủy xã Phụ Khánh, Hạ Hòa, Phú Thọ), ngoài đoàn từ thiện do nhà báo Phạm Ngọc Dương – Đào Thanh Tuy đại diện, ông cũng nhận được thông tin từ một vị hiền sư rằng người này sẽ tài trợ đều đặn mỗi tháng 2 triệu đồng từ nay cho đến lúc bà Lực nhắm mắt, xuôi tay.

Bà Lực ra mộ thắp hương, báo lại chuyện nhận được nhiều sự ủng hộ để người chồng đã mất được yên tâm.

Như vậy, theo tính toán của ông Kỷ, nếu mọi việc diễn ra đúng như dự tính, trong thời gian tới, trung bình mỗi tháng bà Lực sẽ nhận khoản phụ cấp đều đặn 7 triệu/tháng, cùng khoản hỗ trợ 460.000 đồng/người con bị bệnh mà địa phương vẫn cấp hàng tháng.

Anh Dương cho biết, với số tiền này, các nhà hảo tâm có thể tạm thời yên tâm. Đến ngày 27/4, anh Dương cũng đã ngừng nhận tiền ủng hộ. Theo ông Kỷ, chính quyền xã cũng muốn giới thiệu với các nhà hảo tâm những trường hợp khó khăn khác trên địa bàn để mọi người có thể san sẻ với họ phần nào.

Tiền, gạo đã có nhưng vẫn lo không đủ sức khỏe để chăm sóc các con.

Chia sẻ về cảm nhận khi cùng lúc nhận được nhiều sự giúp đỡ, bà Lực rưng rưng nước mắt: “Tôi cảm ơn mọi người nhiều lắm vì biết rằng làm ra một đồng đã khó, người ta ủng hộ tiền này cũng là mồ hôi, nước mắt của họ chứ nhiều người, đâu phải quá dư giả”.

Theo bà, với trữ lượng gạo, mì tôm như hiện tại, gia đình bà có lẽ đủ ăn trong cả một năm. Với số tiền lĩnh hàng tháng từ sổ tiết kiệm do đoàn nhà báo lập tài khoản ở ngân hàng, bà Lực cũng có thể yên tâm, không lo đói khổ.

Điều bà Lực lo sợ nhất là sức khỏe yếu, không đủ khả năng chăm sóc các con.

“Nhưng tôi vẫn lo lắm, vì bây giờ tôi luôn phải sống chung với bệnh tật, sợ không đủ sức chăm lo cho các con. Có đoàn từ thiện hứa phụ cấp cho tôi hàng tháng tới lúc chết, vậy lỡ tôi mất đi rồi thì không biết các con sẽ thế nào”.

Bà Lực rất băn khoăn vì điều này. Lâu nay chỉ có bà mới thạo việc tắm giặt, nấu nướng, thuốc thang cho các con. Để người khác làm thay, bà thấy không yên tâm. Mỗi lần nghĩ đến cậu con trai út, đêm ngủ tè dầm rồi lại lột bỏ quần áo, chạy lung tung giữa trời lạnh, bà lại thở dài.

“Nếu không có tôi, lúc ấy ai lấy quần áo cho nó mặc, ai sẽ gọi nó về nhà ngủ tiếp hay là nó sẽ đi lang thang ngoài đường, chết rét vì lạnh”. Rồi còn người con hay nghịch bẩn, người con hay ăn vụng… biết ai có thể hiểu, cảm thông mà chăm sóc chúng tận tình?

Khi được chính quyền xã gợi ý rằng có một đoàn từ thiện ở Cần Thơ muốn hỗ trợ, đưa 2-3 người con bị bệnh của bà vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở trong đó, gương mặt bà lặng đi hồi lâu. Bà bảo lâu nay vẫn biết là nếu bà mất, chắc chính quyền sẽ giúp đưa những người con ấy vào trại nhưng nghĩ đến đó, bà lại không đành lòng.

“Mình là mẹ chúng nó thì mới chăm sóc chúng tử tế được chứ giao cho người ngoài, biết chúng sẽ ra sao. Mấy đứa này bị bệnh nhưng rất hiền lành và sợ người lạ, có bị đánh, bị mắng cũng không biết phản ứng thế nào. Vả lại tôi giờ già rồi, đưa con đi tận Cần Thơ thì xa quá”.

Video: Hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng em vẫn muốn học con chữ

Theo Thời Đại

Nguồn: ĐKN

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

20 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

4 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

4 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

6 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

7 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago