Đừng sợ trẻ con phạm lỗi, đó là con đường sớm muộn mà chúng phải đi. Nếu như con phạm lỗi, ngoài tức giận và trách mắng, bạn còn có thể làm gì?
Có một lần, đứa con gái hơn 2 tuổi của tôi vô cùng thất vọng vì tôi không mua cho nó con búp bê Barbie. Sau đó nó đứng ở đó khóc lóc, nổi cáu, vòi vĩnh đủ kiểu. Mặc cho tôi dỗ dành nó ra sao, nó cũng không chịu dừng lại nên chồng tôi đã quá buồn bực mà rời khỏi phòng. Còn tôi ở lại với nó.
Con gái tôi dùng toàn bộ sức lực của mình để gào khóc. Nó ôm lấy chân tôi, miệng không ngừng đòi món đồ nó muốn. Nước mắt và nước mũi dính đầy trên mặt mà nó không cho tôi lau. Nhìn khuôn mặt đỏ ửng xinh xắn của nó, tôi lại thấy tức tối nhưng cũng đầy thương cảm.
Con gái tôi dùng hết toàn bộ sức lực của mình để gào khóc (Ảnh: internet)
Lúc này, nó không hiểu được thế nào là “cửa hàng đóng cửa rồi”. Điều nó có thể cảm nhận được chính là sự thất vọng của việc không được thỏa mãn mong muốn của mình. Đây cũng chính là điều nó cần phải trải qua trong quá trình trưởng thành. Từ mơ hồ đến tỉnh táo, từ bản năng đến trí tuệ, từ yếu đuối đến lớn mạnh và nhiều điều khác nữa đều là các con đường phải đi qua.
Người lớn cũng vậy, họ cũng có những điều phải vượt qua như sự ra đi của người bạn thân, bỏ lỡ công việc mình yêu thích, chia tay người yêu hoặc mất một số tiền lớn…
Những thứ mà chúng ta luôn cho rằng khó chịu đựng, không muốn buông bỏ; những thứ tưởng như to tát, khó khăn vô ngần… cuối cùng thì chúng ta cũng phải đón nhận chúng. Sức mạnh trí tuệ sẽ giúp bạn mỉm cười và giải quyết chúng, từ đó tự nhiên bản thân sẽ đúc rút kinh nghiệm cho những lần sau nữa.
Là một người mẹ lúc này tôi chỉ có thể bế nó lên, ôm chặt nó trong lòng, không nói lời nào mà chỉ xoa nhẹ nhàng lưng nó. Hơi ấm của tình thương yêu đã làm bé lặng im trong vòng tay tròn đầy của mẹ.
Hơi ấm của tình thương yêu đã làm bé lặng im trong vòng tay tròn đầy của mẹ. (Ảnh: internet)
Trong quá trình trưởng thành, điều tôi có thể làm khi con gái đối mặt với những đau thương là xoa dịu trái tim, ở bên cạnh lắng nghe; khi con gái mang niềm hân hoan thì chia sẻ cùng. Nhưng không phải mỗi lần con gái vui – buồn tôi đều có mặt để sẻ chia tất cả. Kinh nghiệm sẽ được tự bản thân con đúc kết quả mỗi một lần tự mình nếm trải.
Nội tâm cha mẹ thường rất hay yếu đuối, hay lo lắng cho con cái. Cho nên cha mẹ thường có hai hành động không nên dưới đây:
1. Can thiệp quá mức
Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ như lúc nhỏ, chúng phải học ăn cơm, mặc quần áo, đánh răng… Những việc này thực sự mới đầu sẽ rất khó khăn với chúng, có thể tay chân chúng lóng ngóng, rất lâu mới làm được. Để chúng đối mặt với chuyện này là vô cùng cần thiết. Đây cũng là cơ hội học tập vô cùng quý giá đối với chúng.
Cha mẹ thường lo lắng khi cơm và thức ăn vương lên quần áo hoặc bàn ghế của trẻ nhỏ. Vì vậy, thay vì để con tự lập, họ có xu hướng hay làm hộ con cho nhanh.
(Ảnh minh họa)
Giả sử một đứa trẻ đang cố gắng bò đi để thử lấy một món đồ cách chúng chừng 2 mét. Khi ấy người lớn bên cạnh liền “giúp đỡ”. Trên thực tế, đây hoàn toàn là sự giúp đỡ không cần thiết.
Chúng sẽ không có cơ hội đối diện với khó khăn và trải nghiệm cảm xúc thất bại, phiền muộn hay bực bội. Nếu như từ nhỏ trẻ đã không trải qua những xúc cảm này thì khi lớn lên, chúng sẽ khó mà thích ứng và biểu lộ một cách đúng đắn khi gặp phải những chuyện đó.
Đối với những đứa trẻ tương đối lớn một chút thì việc buổi sáng không ngừng hối thúc con mau thức dậy mặc quần áo để không bị đi học trễ, canh chừng con làm bài tập… cũng là can thiệp quá mức.
Cha mẹ hoàn toàn không ý thức được con mình có muốn ngủ nướng thêm 10 phút không hoặc là chọn xem hoạt hình trước hay làm bài tập trước… Những chuyện này đều là quá trình mà trẻ con phải tự mình học tập và khám phá. Mỗi lần trẻ lựa chọn đều sẽ trải nghiệm được hậu quả tương ứng mà lựa chọn đó mang lại.
Có thể con sẽ bị ngã, có thể con sẽ muộn giờ đến trường hay vì mải xem hoạt hình mà làm bài đến tối muộn vẫn không xong nhưng chúng sẽ đúc kết kinh nghiệm của chính mình, không ngừng tự quan sát và làm tốt lựa chọn của mình vào lần sau.
2. Nghiêm khắc quá mức
(Ảnh minh họa)
Một phụ huynh tên H., bạn thời phổ thông của tôi kể: “Chồng tôi rất nghiêm khắc với con. Anh ấy ‘canh’ từng lỗi nhỏ để phạt nhịn ăn hay đòn roi. Mỗi khi con có lỗi như ngủ dậy trễ, quên làm bài tập hay để quần áo sách vở không đúng nơi quy định thì anh bắt nó nhịn ăn tối, ngồi một mình trong phòng tối. Con trai tôi mới chín tuổi, tính tình thuộc dạng ẩu tả nên bị phạt nhiều lần. Rút kinh nghiệm, mỗi khi có lỗi, con tôi giấu bánh ngọt trong phòng ngủ và ăn lén. Chuyện phạt nhịn ăn thành ‘nhờn thuốc’ và thằng bé giờ lại hay nói dối để giấu tội của mình. Chính tôi cũng không biết giải quyết sao những rắc rối như vậy. Hễ góp ý một chút, chồng tôi lại nói tôi bênh con và ‘con hư tại mẹ’…“
Trường hợp khác là con gái của một giáo viên toán. Chị kể con gái mình bướng bỉnh, lì lợm, khó dạy, bảo gì cũng muốn làm ngược lại ý của cha mẹ. Hễ ra khỏi nhà, gặp bạn bè thì nó nói như sáo, nhưng về nhà là cháu đóng cửa ở trong phòng một mình, lên máy vi tính chát chít đủ mọi chuyện Đông Tây.
Cuối cùng, khi tôi hỏi về cách dạy con, chị cho biết anh chị là giáo viên và cùng nghiêm khắc với con, răn dạy con từng chút, cứ có lỗi là nhốt trong phòng, cấm đi chơi, mạnh tay hơn nữa là dùng đòn roi. Tôi hỏi chị, có bao giờ chị chơi với con không, có gần gũi hay tâm sự gì với con không. Chị bảo: “Tôi và chồng quá bận việc trường lớp nên cháu phải tự thân vận động. Tôi cũng muốn giữ khoảng cách với con để con biết sợ cha mẹ mà vâng lời…”.
Như vậy, việc nghiêm khắc quá mức với con cái rất không tốt. Nó không những không đạt hiệu quả hữu ích mà còn đem tới hậu quả nghiêm trọng. Con cái có thể lì lợm, khó bảo hơn, trở nên không trung thực, bạo lực hơn với bè bạn hoặc bị mất tự tin, không dám đối mặt với khó khăn, có thể còn bị trầm cảm…
Nghiêm khắc bao giờ cũng phải kèm theo yêu thương và lẽ phải. Nếu thiếu yêu thương, lẽ phải thì sự nghiêm khắc càng khiến con cái không ngoan và xa cách cha mẹ. Cha mẹ sẽ mất dần con theo thời gian, theo độ tuổi.
Nghiêm khắc bao giờ cũng phải kèm theo yêu thương và lẽ phải. (Ảnh: internet)
Đôi khi cha mẹ coi con cái là “của mình” nên cố gắng mọi cách dạy bảo con để chúng trở nên ngoan ngoãn, vâng lời. Nhưng các bậc cha mẹ cũng cần nhớ rằng chúng là một sinh mệnh rất độc lập, có cuộc sống và tương lai của chính mình và cha mẹ không thể quyết định những điều ấy cho con cái được. Vậy nên để con vấp ngã, để con mắc sai lầm, để con tự đưa ra lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy là điều rất cần thiết.
Video: Cuộc sống rất đơn giản, sao phải làm nó phức tạp làm gì?
Châu Yến Lâm
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…