Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị tại khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – Ảnh: H.KhoaEm V.T.K.H., 12 tuổi, ở Tây Ninh, nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ cho biết gia đình em đã không tuân thủ điều trị trong thời gian dài nên em đã bị đục thủy tinh thể, một biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Ngày 3-3, tại khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, em H. nói với bác sĩ không nhìn thấy rõ nữa. Khi đưa các ngón tay trước mặt H. cũng không thể đếm được. Trường hợp của H. được bác sĩ nhớ rõ vì mỗi lần H. nhập viện đều trong tình trạng hôn mê.
Mẹ đi làm, ba đi nhậu, con không thể tự chích insulin…
Bà T.T.C., 59 tuổi, mẹ của em H., kể con gái bà được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường khi H. mới 7 tuổi. Ngày đó, H. mệt đến mức không thể ngồi, không ăn uống được nên gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó bệnh viện này chuyển H. xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Khi hỏi tại sao con bà được bác sĩ chỉ định chích thuốc insulin ngày hai lần nhưng gia đình lại không tuân thủ điều trị, bà C. kể bà đi làm thuê suốt nên giao việc chăm sóc con cho chồng bà.
Bác sĩ quay sang hỏi H. ai chích cho em thì H. trả lời những lần ba đi nhậu em đã tự chích, nhưng nay mắt em bị mờ nên không tự chích được.
Em trai D.T.N., 15 tuổi, ở Hậu Giang, cũng nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê. Em N. được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 từ tám năm trước.
Bác sĩ cũng chỉ định cho N. chích insulin hai lần vào sáng và tối nhưng gia đình em lại chỉ chích một lần vào buổi chiều với lý do cho tiện. Hiện em N. cũng bị biến chứng đục thủy tinh thể.
TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết khoa thận – nội tiết đang quản lý khoảng 100 trẻ em mắc bệnh đái tháo đường điều trị ngoại trú.
Trong số này, 90% là đái tháo đường type 1 (thiếu insulin, tuyến tụy không thể sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin để chuyển hóa đường trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến các cơ quan, hệ thần kinh của cơ thể), còn lại là tiểu đường type 2 (không nhạy với insulin, có insulin mà cơ quan đích không đáp ứng với insulin).
Nhiều cha mẹ chưa hiểu bệnh
Qua quá trình điều trị cho các bệnh nhi này, TS Thoại Loan nhận xét nhiều gia đình chưa hiểu hết những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường và việc tuân thủ điều trị còn gặp nhiều khó khăn.
Lúc đầu, khi bác sĩ thông tin trẻ mắc bệnh đái tháo đường nhiều gia đình đã bị sốc, đặc biệt khi biết việc điều trị kéo dài đến hết cuộc đời của trẻ.
Hầu hết trẻ em mắc bệnh đái tháo đường là type 1 nên bác sĩ sẽ chỉ định phải tiêm insulin ngày 2 lần (sáng, chiều) vào đúng một giờ cụ thể. Ngoài việc tuân thủ các cữ tiêm đúng giờ, những món ngọt trẻ em thường rất thích thì trẻ em mắc bệnh đái tháo đường cũng phải ăn kiêng.
Nhiều ông bố, bà mẹ kể dù cố gắng lắm họ chỉ hạn chế cho trẻ không ăn ngọt ở nhà, còn khi trẻ đến trường thì không thể kiểm soát.
Một bà mẹ có con mắc bệnh đái tháo đường từng chia sẻ: “Khi cháu đi dự sinh nhật bạn cháu muốn ăn bánh sinh nhật để chung vui cùng bạn. Tôi đã không đành lòng ngăn cản cháu”.
Với những trẻ ở tuổi mới lớn, tâm lý bắt đầu thay đổi, việc yêu cầu trẻ tuân thủ còn khó khăn hơn.
Bác sĩ vẫn tư vấn cho gia đình không nên để đường huyết của trẻ ở mức cao vì sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên khi đường huyết cao, cả phụ huynh và bệnh nhi đều không thể nhìn thấy liền như các triệu chứng sốt, ho, nổi ban…
Đường huyết cao chỉ phá hủy dần dần các mạch máu nhỏ, đến khi quá cao mới có biến chứng cấp tính. Vì lẽ đó, nhiều bậc phụ huynh và bệnh nhi có suy nghĩ “bác sĩ nói không chích thuốc không được nhưng không chích vẫn bình thường chứ có sao đâu?”.
Vì những lý do kể trên nên việc điều trị đái tháo đường cho trẻ em dễ bị thất bại.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân của bệnh đái tháo đường ở trẻ có thể do yếu tố di truyền hoặc do môi trường, chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động dẫn đến béo phì thừa cân.
Để phòng bệnh đái tháo đường ở trẻ em, các bậc phụ huynh nên có chế độ ăn hợp lý cho trẻ, không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, nước ngọt có gas, nên ăn nhiều rau củ quả… Ngoài ra, cần cho trẻ tập luyện thể dục thường xuyên để tránh tăng cân, béo phì.
Thuốc và chế độ ăn đều quan trọng như nhau
Bác sĩ Trần Thị Bích Huyền, khoa thận – nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyến cáo trẻ em mắc bệnh đái tháo đường phải tuân thủ điều trị và có một chế độ ăn thích hợp vì thuốc và chế độ ăn đều quan trọng như nhau.
Ngoài ra, người nhà cần đưa trẻ đi tái khám thường xuyên để tầm soát những biến chứng xảy ra ở mắt, thận, mạch máu, tim, tuyến giáp…
Các bậc cha mẹ thường đưa trẻ đến bệnh viện khám và phát hiện mắc bệnh đái tháo đường khi trước đó trẻ tiểu nhiều, uống nước nhiều, ăn nhiều nhưng lại sụt cân, một số trường hợp đi tiểu thấy có kiến bu.
Bên cạnh đó, có những trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng hôn mê, sau đó mới được phát hiện bệnh.
Bệnh đái tháo đường ở trẻ em nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như đục thủy tinh thể, suy thận… thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
THÙY DƯƠNG (TTO)
Nguồn: Giáo dục Online
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…