Chu kỳ tăng trưởng và thoái hóa khi tuổi già
Già là một hiện tượng tự nhiên, liên quan chặt chẽ với quá trình biệt hóa và trưởng thành. Tăng trưởng và thoái triển kế tiếp nhau theo một chương trình của sự phát triển quy định cho từng cá thể. Chương trình này đặc hiệu, nghĩa là được xác định theo di truyền và riêng biệt cho mỗi người, cho từng cơ quan khác nhau của cơ thể. Tốc độ của sự lão hóa không giống nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều ỵếu tố nội lại và ngoại lai.
Nói một cách khác, tuy già là một hiện tựợng không tránh được, nhưng quá trình già rất khác nhau về thời gian và về biểu hiện. Già có thể đến sớm, dẫn nhanh chóng đến lão suy. Nhưng ở người khác, già có thể đến muộn, tốc độ già chậm và người trông vẫn còn trẻ, khoẻ, cả khi tuổi đã cao.
Người ta có thể vẫn nhiều tuổi nhưng chưa già. Nhưng nhận xét đó đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu lão khoa tin rằng có thể có những biện pháp kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh. Phương hướng chủ yếu là “tối ưu hoá” chương trình phát triển đã được quy định cho mỗi chủng loại về mặt di truyền.
Tăng trưởng và thoái triển
Chu kỳ sống của người, thông thường qua ba thời kỳ kế tiếp nhau: tăng trưởng; trưởng thành và già.
Trong thời kỳ tăng trưởng (kết thúc vào tuổi 18-21) cơ thể đạt tới tầm vóc người lớn và có khả năng sinh sản. Tuổi dậy thì và tuổi đạt mức tối đa phát triển bộ xương, có thể chênh lệch giữa nam và nữ (nữ thường sớm hơn nam) và tuỳ theo điều kiện sinh sống (ăn uống thiếu thốn có thể kéo dài thời gian tăng trưởng lên đến 22 – 24 tuổi). Nhưng sự chênh lệch đó thật ra cũng không lớn.
Sau thời kỳ tãng trưởng là một thời gian cao nguyên tương đối dài, tương ứng với tuổi trựởng thành, có thể đến khoảng 50 tuổi. Đến tuổi này, nữ có thời kỳ mạn kinh, nam có thời kỳ “tắt dục nam”, ít rõ rệt hơn.
Từ khoảng 60 tuổi trở đi, những biểu hiện của tuổi già rõ nét hơn và tăng dần với thời gian.
Hệ hô hấp:
Phổi mất tính đàn hồi, các cơ hô hấp không còn mạnh và sức chịu đựng cũng giảm, điều này có ảnh hưởng đến khả năng của phổi trong việc trao đổi khí oxy, ho khạc và hít thở sâu. Số lượng nhung mao ở phế quản giảm nên chức năng làm sạch phổi kém. Người già dễ mệt khi vận động thể lực và dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Họ cũng không thể kiểm soát và điều chỉnh nhịp thở có hiệu quả, kém nhạy bén với tình trạng thiếu oxy và mất khả năng nhận biết sự co thắt của cuống phổi nên dễ có nguy cơ tử vong khi mắc bệnh cấp tính ở phổi nếu không điều trị sớm.
Hệ vận động
Trong tất cả các cơ quan thực hiện, có lẽ hệ vận động bị rối loạn sớm nhất. Các thành tích giảm đều và rõ rệt theo thời gian. Sau tuổi 30 lực cơ giảm liên tục và càng về sau tốc độ giảm càng nhanh. Trương lực cơ lúc nghỉ cũng vậy
Bộ xương cũng có những biến đổi ngay từ tuổi ba mươi: Một độ xương dài và đốt sống giảm theo tuyến tính của tuổi. Các xương bắt đầu trở nên xốp hơn ở cả hai giới vào cuối thời kỳ tăng trưởng
Hệ cơ, xương khớp:
Có sự giảm dần sức căng cơ, tính mềm dẽo và sức mạnh của cơ. Một số nơi trên cơ thể cơ được thay thế bằng mô mỡ và trở nên mềm nhão. Sau tuổi 30 khối lượng cơ bắt đầu giảm, đến năm 70 chỉ còn bằng một nửa so với lúc còn trẻ. Hậu quả là người già giảm sức mạnh và độ bền khi làm một công việc nặng nhọc. Ở người già, khi không họat động, khối lượng và sức mạnh của cơ giảm đi nhanh chóng so với người trẻ. Mỗi ngày nằm liệt giường phải mất 2 tuần tập luyện mới lấy lại được khối lượng cơ đã mất.
Theo thời gian hệ xương từ từ giảm calci, mật độ xương cũng giảm dần. Xương người già trở nên xốp và dễ gãy. Ở phụ nữ hiện tượng này nổi bật hơn: sự giảm mật độ xương diễn ra nhanh hơn sau tuổi mãn kinh do sự tiết estrogen giảm. Luợng calci giảm do cơ thể ít hấp thụ được calci từ thức ăn. Mật độ xương đốt sống giảm, đĩa đệm giữa các đốt sống cũng ít dịch hơn và mỏng hơn làm cho cột sống ngắn lại, nên khi già người ta thấp hơn và dáng khòm.
Lớp sụn nằm giữa các khớp mỏng đi, các mặt khớp không còn cử động lên nhau tốt như trước nên dễ bị tổn thương. Sự tổn hại của khớp do vận động qua thời gian dài và chấn thương tái diễn nhiều lần dẫn đến viêm xương khớp, đây là bệnh thường gặp nhất ở người già. Các dây chằng dùng nối các khớp với nhau hay các dây gân để nối cơ vào xương trở nên kém mềm dẽo và linh hoạt. Các dây chằng dễ bị rách và khi rách thì chậm lành.
Để thích ứng với sự giảm sức mạnh và độ bền, người cao tuổi không nên cố gắng tự mình làm việc nặng và phải chấp nhận mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất.
Hệ tiêu hóa:
Cơ thể người già sản xuất ít men lactase là enzyme cần cho việc tiêu hóa sữa nên không dung nạp được những thức ăn làm từ sữa vì vậy thường có cảm giác chướng bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy khi ăn loại thực phẩm này. Nước bọt và các men tiêu hóa không được tiết ra đầy đủ như trước nên khó tiêu hóa, sự hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Thức ăn đi qua khỏi dạ dày chậm và dạ dày cũng không thể chứa nhiều thức ăn vì không co dãn tốt như trước; đại tràng thải phân chậm và dễ bị bón.
Gan nhỏ lại vì số lượng tế bào giảm đi, lượng máu đến gan cũng giảm; các enzyme của gan có vai trò giúp cơ thể chế biến và xử lý thuốc và các chất khác họat động kém hiệu quả hơn. Gan không còn làm tốt vai trò thải thuốc và các chất khác ra khỏi cơ thể, do đó thuốc sẽ kéo dài tác dụng hơn.
Hệ tim mạch:
Mạch máu trở nên xơ cứng nên dễ bị bệnh tăng huyết áp; cơ tim, van tim cũng xơ cứng hơn do đó công suất tống máu của tim giảm đi, hậu quả là người già mau mệt khi vận động thể lực. Các cơ quan điều chỉnh huyết áp khi thay đổi tư thế trở nên kém nhạy cảm nên dễ bị hạ huyết áp và chóng mặt khi thay đổi tư thế. Vì vậy buổi sáng khi thức dậy nếu thấy váng đầu thì nên thay đổi tư thế từ từ và ngồi nghỉ vài phút trước khi đứng dậy.
Tế bào:
Hoạt động của tế bào giảm dần theo thời gian. Điều này tác động đến các hệ thống, cơ quan bộ phận của cơ thể đưa đến sự suy giảm về thể chất. Mức độ của sự thay đổi này do nhiều yếu tố tác động bao gồm lối sống như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, dinh dưỡng kém, hocmon, thể lực và di truyền… Tuy nhiên chỉ khoảng 10-15 % trường hợp nhịp độ lão hóa chịu tác động do di truyền.
Hệ tiết niệu sinh dục:
Hai thận cũng nhỏ lại do số lượng tế bào giảm. Lượng máu đến thận giảm, sau tuổi 30 chức năng lọc máu và tái hấp thụ ở thận giảm và khả năng thải chất cặn bã trong máu cũng giảm. Một số thay đổi của đường tiểu làm cho sự kiểm soát việc tiểu tiện khó khăn hơn:
– Khả năng chứa lượng nước tiểu tối đa của bàng quang giảm.
– Cơ bàng quang yếu nên không thể tống hết nước tiểu ra ngoài, do đó sau khi đi tiểu vẫn còn sót ít nước tiểu.
– Các cơ vòng của đường tiểu có chức năng kiểm soát việc tống nước tiểu ra ngoài không thể co thắt chặt làm rỉ giọt nước tiểu, do đó người già khó nín tiểu.
Đàn ông có xu hướng bị phì đại tiền liệt tuyến, khi lớn đến một mức nào đó có thể gây chèn ép làm tiểu khó.
Ở phụ nữ, sự ảnh hưởng của tuổi già lên nồng độ các hocmon sinh dục rõ rệt hơn đàn ông. Đến tuổi mãn kinh nồng độ kích thích tố giảm, kinh kỳ ngưng vĩnh viễn và không còn thụ thai được. Buồng trứng và tử cung teo lại, âm đạo trở nên mỏng, khô và kém đàn hồi, dẫn đến viêm teo âm đạo. Tuyến vú bớt săn chắc và có nhiều xơ nên xệ xuống, do đó việc phát hiện khối u ở vú khó hơn.
Ở đàn ông sự thay đổi nồng độ hocmon không xảy ra đột ngột, testosterone trong máu giảm kéo theo số lượng tinh trùng giảm và hứng thú tình dục cũng giảm, nhưng giảm từ từ. Rối loạn cương là vấn đề thường gặp của người cao tuổi.
Hệ nội tiết và chuyển hóa:
Với tuổi tác, việc tiết dịch vị, thành phần dịch vị và một số men cũng có nhiều thay đổi. Có hiện tưởng giảm tiết dịch vị sau bữa ăn. Trong dịch vị có giảm độ toan tự do và toàn phần, giảm nồng độ pepsin. Trong dịch tụy có giảm nồng độ men tiêu protein. Việc tiêu hóa các protein trở nên ngày càng khó khăn khi tuổi cao. Kết quả là nhu cầu năng lượng giảmnhưng người cao tuổi vẫn bị tăng cân.
Sự hấp thụ và chuyển hóa thuốc cũng giảm nên dễ bị nhiễm độc và ngộ độc thuốc.
Nồng độ và hoạt động của một số kích thích tố do các tuyến nội tiết sản xuất bị giảm: Kích thích tố tăng trưởng giảm dẫn đến giảm khối lượng cơ; Insulin hoạt động kém hiệu quả và được tiết ra ít đi nên người già dễ bị đái tháo đường typ 2.
Hệ thần kinh:
Hệ thành kinh già hóa rất sớm mặc dù không thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi về hình thái và khả năng tâm sinh lý. Hầu hết các thử nghiệm đều cho thấy tinh trị số cao nhất ở giữa 20-30 tuổi, đối với trí nhớ, khả năng tiếp thu cái mới, khả năng tư duy trừu tượng. Sau tuổi đó các khả năng này đều giảm.
Các tế bào thần kinh có thể mất đi một số thụ thể đảm nhận việc tiếp nhận tín hiệu, lưu lượng máu lên não giảm vì vậy não người già có thể hoạt động kém hơn. Họ phản ứng và thực hiện một công việc có phần nào chậm, nhưng làm chính xác. Một số chức năng về trí tuệ có giảm đi sau tuổi 70 như nhớ các từ, chuyện mới xảy ra, hoặc khả năng học điều mới. Ở người cao tuổi, các tín hiệu từ dây thần kinh truyền đến cơ lâu hơn nên cơ phản ứng chậm đi. Họ cũng nhận ra cảm giác đau chậm và phản ứng cũng chậm hơn.
Các giác quan:
Từ tuổi 30 trở đi sự lão hóa của các giác quan mới có thể đo được. Các giác quan mất đi tính nhạy bén. Xúc giác giảm, khả năng nghe các âm thanh tần số cao cũng giảm. Sau tuổi 50, khứu giác và vị giác giảm dần. Hai giác quan này rất cần để thưởng thức hương vị thức ăn. Các gai vị giác về vị ngọt và mặn giảm về số lượng và độ nhạy. Khả năng ngửi giảm nhẹ vì lớp niêm mạc mũi mỏng hơn và khô đi. Cũng vì sự thay đổi này mà người già thấy thức ăn có vẻ đắng hơn và mùi nhạt nhẽo vô vị.
Nước bọt tiết ra ít làm miệng khô. Nướu răng teo lại, hậu quả là phần chân răng dễ bám thức ăn và vi khuẩn, lớp men răng mòn đi nên dễ bị sâu răng và rụng răng.
Thủy tinh thể trở nên chai cứng, giảm khả năng điều tiết nên không thể nhìn gần, vì vậy người già cần mang kiếng để đọc sách. Đồng tử đục và nhỏ lại nên khó thích nghi với ánh sáng mờ, người từ 60 tuổi cần độ sáng gấp 3 lần so với người trẻ mới nhìn rõ. Khả năng nhận biết màu sắc kém hơn do thủy tinh thể hơi ngã sang màu vàng, nên khi nhìn màu xanh trở thành xám vì vậy sẽ khó khăn khi đọc chữ đen trên nền xanh. Mắt người già khô vì ít tiết dịch.
Nói chuyện với người già nên nói lớn và chậm. Tăng ánh sáng để nhìn rõ hơn. Không thêm muối mà nên thêm màu sắc và gia vị để thức ăn thêm phần hấp dẫn. Vì khó phân biệt màu sắc người già thấy đồ vật trở nên ảm đạm, hãy đổi qua những màu sáng hơn như màu cam, đỏ cho những vật dụng trong nhà, áo quần…
Giấc ngủ:
Người già khó ngủ và phải mất thời gian lâu mới đi vào giấc ngủ. Họ ngủ không sâu, không ngon giấc, không đầy giấc và thường thức giấc nhiều lần. Sở dĩ có những rối loạn này là do nhiều yếu tố tác động:
+ Giảm tiết melatonin là kích thích tố kiểm soát chu kỳ ngủ làm cho người cao tuổi thường buồn ngủ sớm và thức giấc lúc sáng sớm. Giảm tiết kích thích tố tăng trưởng là kích thích tố làm cho ngủ sâu.
+ Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ như viêm xương khớp làm đau nhức, bệnh tim gây khó thở, loạn nhịp. Một số loại thuốc trị bệnh có thể làm mất ngủ như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, steroids, thuốc sỗ mũi, thuốc làm giãn phế quản.
+ Những thói quen như hút thuốc, uống rượu, cafe, ít vận động… cũng làm khó ngủ.
Da, tóc:
Tóc bạc là biểu hiện rõ ràng nhất của quá trình lão hóa. Hầu hết ai cũng có tóc bạc từ sau tuổi 40, hiện tượng này có chịu ảnh hưởng của yếu tố gia đình, chủng tộc. Đi kèm với bạc tóc là hói đầu, hiện tượng này cũng có xu hướng di truyền. Ngòai ra tóc cũng trở nên mảnh hơn khi tuổi cao.
Ở người già các lớp da mất khả năng giữ nước và khô hơn, cơ thể sản xuất ít sợi collagen có tác dụng làm da săn chắc và elastin làm da mềm dẽo nên da trở nên nhăn và dễ bị trầy xước, bầm tím. Lớp mỡ dưới da mỏng đi, lớp này như gối đệm có tác dụng bảo vệ và nâng đỡ da. Lớp mỡ này còn giúp bảo tồn thân nhiệt, khi lớp này mỏng đi sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn và khả năng thích nghi với lạnh cũng giảm.
Số lượng mút tận cùng thần kinh ở da giảm nên người già kém nhạy cảm với cảm giác đau, nhiệt độ, sự đè ép do đó dễ bị thương tích. Số lượng tuyến mồ hôi, mạch máu giảm, lượng máu đến lớp sâu dưới da giảm đưa đến hậu quả cơ thể giảm khả năng thải nhiệt cơ thể qua đường mạch máu dẫn đến bề mặt của cơ thể. Nhiệt thoát ra ngoài ít hơn nên cơ thể không tự làm mát được, do đó dễ bị say nóng.
Số lượng tế bào sắc tố giảm, hậu quả là da ít được bảo vệ chống lại bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Nhiều đốm nâu xuất hiện ở phần da phơi ra ánh sáng do da giảm đi khả năng loại bỏ chất cặn bã. Người ít phơi nắng thường trông trẻ hơn so với tuổi. Ở người cao tuổi da giảm khả năng hình thành vitamin D, vì vậy dễ có nguy cơ bị thiếu loại sinh tố này.
Hệ tạo máu:
Tủy xương là nơi sản xuất tế bào máu giảm hoạt động khi lão hóa, có nghĩa là số lượng tế bào máu của người già được sản xuất ít đi. Tuy nhiên tủy xương vẫn cung ứng đủ nhu cầu của cơ thể suốt đời. Chỉ khi yêu cầu của cơ thể về tế bào máu gia tăng ví dụ thiếu máu, nhiễm trùng hay xuất huyết… lúc bấy giờ tủy xương không thể đáp ứng đầy đủ được.
Hệ miễn dịch:
Số lượng tế bào miễn dịch lympho T không giảm, nhưng hoạt động của chúng kém hiệu quả. Do đó người già thường gặp những vấn đề sau:
– Mất khả năng chống lại nhiễm khuẩn nên có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Viêm phổi, cúm, nấm… là những bệnh thường mắc phải.
– Việc tiêm ngừa kém hiệu quả và thời gian tác dụng không kéo dài như mong muốn.
– Mất khả năng nhận biết và điều chỉnh những biến đổi của tế bào nên dễ bị ung thư.
– Khi lão hóa, cơ thể không còn khả năng phân biệt tế bào lạ với tế bào của cơ thể nên quay sang tấn công những mô và cơ quan của chính cơ thể mình gây ra bệnh tự miễn nhiễm.
– Giảm phản ứng viêm, triệu chứng dị ứng và chậm lành vết thương. Phản ứng viêm, dị ứng đều là những đáp ứng của hệ miễn dịch nên cũng giảm đi khi lão hóa. Hiện tượng chậm lành vết thương ngoài nguyên nhân do suy giảm hệ miễn dịch còn do những bệnh khác thường gặp ở người già như đái tháo đường, xơ cứng động mạch làm máu lưu thông kém, dùng các loại thuốc kháng viêm ví dụ để điều trị viêm khớp…
Tóm lại, lão hóa là hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi. Không có loại thuốc nào giúp kéo dài sự sống nhưng ta có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh hạnh phúc lúc tuổi già. Nghĩa là ta có thể làm chậm hay giảm thiểu được những hậu quả không mong muốn của quá trình lão hóa, vẫn có thể duy trì được sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, giữ được tính năng động và độc lập trong cuộc sống. Muốn đạt được điều này cần nỗ lực rất lớn để thực hiện những yêu cầu sau:
+ Dinh dưỡng tốt:
Khẩu phần cân đối, ăn nhiều rau quả, chất xơ, không ăn mỡ bão hòa, hạn chế thức ăn thức uống có đường, không ăn vặt. Càng lớn tuổi càng phải giảm bớt lượng calo đưa vào cơ thể. Nên hỏi ý kiến bác sĩ có nên dùng thêm vitamin bổ sung hoặc các loại thực phẩm chúc năng. Hạn chế rượu bia, uống nhiều nước.
+ Rèn luyện thể chất và tinh thần:
Tập luyện đều đặn, một ngày ít nhất 30 phút. Hãy chọn bất cứ môn nào bạn thích: đi bộ, chạy, đạp xe, tập yoga, chơi thể thao, khiêu vũ… Nếu có bệnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập môn gì. Phải xác định rằng không có một cuộc hẹn nào quan trọng bằng tập luyện. Đều đặn tập luyện mỗi ngày có thể làm cho người ta trẻ lại 10-15 tuổi.
Đọc sách, chơi cờ, chơi ô chữ, học một môn học mới như hội họa, ngoại ngữ… rất tốt để giữ tinh thần khỏe mạnh. Ngay cả khi tuổi đã già cũng không nên ngưng học vì sử dụng bộ não là bạn cải thiện sức khỏe cho tinh thần.
+ Thái độ sống tích cực lạc quan
Thái độ sống tích cực lạc quan sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Duy trì mối liên hệ tốt với người xung quanh, gia đình, bạn bè; họ không chỉ là người chia sẻ với bạn niềm vui mà còn là chỗ dựa của bạn trong những lúc khó khăn. Tiếng cười là phương thuốc tốt nhất giúp giảm stress và làm cho người ta trẻ lại, vì vậy đừng để một ngày qua đi mà không có nụ cười. Cần phải linh họat và chấp nhận những thay đổi bởi vì đó là điều tất yếu của cuộc sống. Gạt bỏ đi những tư tuởng bi quan tiêu cực vì chúng cũng nguy hại như độc chất làm hủy hoại sức khỏe của bạn. Đời người là một cuộc hành trình, còn biết bao điều thú vị ta chưa khám phá. Hãy tận hưởng cuộc sống.
+ Chú ý đến các biện pháp an toàn:
Để đề phòng té ngã gây chấn thương trong nhà phải đủ ánh sáng, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, lắp thiết bị báo cháy, không đi ra ngoài một mình lúc trời tối, không phơi nắng quá lâu, mặc đủ ấm khi trời lạnh.
+ Kiểm tra sức khỏe:
Nhờ khám sức khỏe định kỳ bạn có thể phát hiện sớm trước khi bệnh trở nặng. Hãy luôn chú ý đến những bất thường của cơ thể ngay từ khi mới phát hiện và trao đổi với bác sĩ là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe. Tiêm ngừa cúm, viêm phổi cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen giúp giảm được các cơn kịch phát; tiêm ngừa uốn ván cho người hay bị té ngã gây thương tích… Thận trọng khi dùng thuốc chữa bệnh, tốt nhất là chỉ dùng khi có ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ.
Yhocvn.net
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…