Khám thai định kỳ là là việc các bà mẹ nên tuân thủ để đem lại an toàn cho cả mẹ và con. Mục đích việc khám thai bao gồm:
Khám thai định kỳ là là việc các bà mẹ nên tuân thủ để đem lại an toàn cho cả mẹ và con. Mục đích việc khám thai bao gồm:
Xác định tình trạng sức khỏe của mẹ, liệu những bệnh sẵn có của mẹ có nặng lên thêm trong quá trình mang thai không? cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe khác của mẹ
Xác định sức khỏe của thai, sự phát triển của thai có bình thường hay không, phát hiện kịp thời các bất thường của thai nếu có
Tiên lượng các vấn đề của mẹ và thai trong thai kỳ hay xa hơn, tiên lượng cuộc sinh sẽ xảy ra như thế nào, có gì bất lợi cần can thiệp y tế sớm hơn không.
1/ Siêu âm trong thai kỳ
Đối với thai kỳ, siêu âm cho nhiều giá trị chẩn đoán và tiên đoán quí báu. Thông thường trong mỗi lần mang thai, tối thiểu cần có 3 lần siêu âm vào các khoảng sau: 10 – 12 tuần, 20 – 24 tuần và 30 – 32 tuần. Thời điểm siêu âm nên được tuân thủ sát sao để siêu âm mang laị nhiều giá trị hữu ích.
Lúc 10 – 12 tuần, thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, có thể nhìn thấy rõ tứ chi cùng với các đoạn một cách rõ ràng, những bất thường lớn có thể nhìn thấy ở thời điểm này. Việc đo các đường kính của thai cho phép tính tuổi thai chính xác, với độ sai lệch trong khoảng vài ngày (nếu để trễ qua các tháng sau, mức sai số có thể là 1-2 tuần). Hơn nữa, ở thời điểm này, việc đo khoảng mờ sau gáy có giá trị tiên lượng cho các bệnh lý tim mạch hay bất thường về nhiễm sắc thể (mà thường hay gặp nhất là bệnh Down). Khi khoảng này cao hơn 3mm, khả năng bệnh lý có thể lên đến 80%.
Vào lúc 20 – 24 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể thai. Hơn nữa, các nội tạng cũng đã khá phân biệt, nên rõ ràng để nhận ra trên siêu âm. Siêu âm giai đoạn này chủ yếu nhằm phát hiện các bất thường của thai. Sau đó, tùy tình hình bất thường có thể cần làm lại một lần siêu âm trong 2 – 4 tuần sau để xác định rõ hơn.
Lần siêu âm thứ ba (30 – 32 tuần) nhằm đánh giá sự phát triển thai, đa số các trường hợp suy dinh dưỡng thường được phát hiện vào lúc này (một số trường hợp bệnh lý đặc biệt sẽ có suy dinh dưỡng sớm hơn). Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn, vì vào các tháng trước, vẫn còn có sự phát triển và dịch chuyển dần lên trên của nhiều trường hợp nhau bám thấp. Một số bất thường thai có thể xuất hiện hay phát triển muộn, sẽ được phát hiện tiếp vào lúc này.
Khi gần sanh cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.
Các lần siêu âm trên thật ra vẫn có thể thực hiện qua siêu âm 2D (hay còn gọi là siêu âm trắng đen, thực chất là siêu âm cho ra hình phẳng – 2 chiều). Riêng lần thứ hai có thể là 2D hay 3-4D (cho hình ảnh không gian ba chiều). Trong các lần siêu âm có thể sử dụng đầu dò ngã bụng (đầu dò của máy đặt trực tiếp trên bụng – còn goị là siêu âm ngã bụng) hay đầu dò ngã âm đạo (đầu dò đưa vào âm đạo – còn gọi là siêu âm ngã âm đạo), sự lựa chọn này tùy theo thai lớn hay nhỏ, hướng cần tiếp cận thai, tùy bệnh lý cần khảo sát, và hoàn toàn không làm hại đến người sử dụng.
Việc đo trọng lượng thai qua các lần siêu âm thực hiện bằng cách thông qua các kích thước đo được của thai sẽ tính toán ra trọng lượng ước đoán.
Ngoài ra còn có siêu âm mạch máu, cho phép khảo sát các dòng mạch máu, sử dụng trong các tình huống bệnh lý có nguyên nhân hay hậu quả liên quan đến tình trạng các mạch máu nuôi dưỡng. Trong siêu âm này, có qui ước các màu khác nhau cho dòng máu đi gần đến và đi xa khỏi đầu dò của máy siêu âm, nên hình ảnh hiển thị thường có màu và do đó còn gọi là siêu âm màu (còn gọi là siêu âm doppler, do còn đo các chỉ số dòng máu, theo hiệu ứng Doppler). Chỉ định siêu âm loại này chỉ dùng trong một số bệnh lý đặc biệt, như khi thai có suy dinh dưỡng, cần khảo sát mạch máu bánh nhau hay cuống rốn.
Nhiều thai phụ mong muốn siêu âm nhiều lần để biết chắc con mình khoẻ, để nhìn thấy được con mình trong mỗi lần khám thai. Nhu cầu này là có thực và thật ra cũng chính đáng. Tuy nhiên, siêu âm quá nhiều lần sẽ làm lãng phí tiền bạc, không có giá trị cao về theo dõi sức khoẻ thai. Cho đến ngày nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm có thể làm hại đến thai nhi, nhưng không vì thể mà chúng ta lạm dụng siêu âm.
Siêu âm là một biện pháp chẩn đoán hưũ ích trong thai kỳ, chúng ta nên tận dụng tốt giá trị của siêu âm bằng cách tuân thủ thời điểm siêu âm. Không nên lạm dụng siêu âm chỉ để thoả mãn ý thích và nhu cầu, có thể gây tốn kém tiền bạc và có thể làm tăng lo lắng không đáng có.
2/ Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu được chỉ định làm định kỳ để theo dõi Mẫu nước tiểu được đem đi xét nghiệm tại mỗi lần khám thai theo định kỳ, cho biết những điều sau:
Đường huyết: đây có thể là một dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ (chứng tiểu đường trong thời kỳ mang thai). Nếu đường xuất hiện lặp lại, xét nghiệm máu là cần thiết.
Albumin (Alb): protein này có thể là dấu hiệu của tiền sản giật (triệu chứng nặng của thai kỳ ảnh hưởng đến nhau thai). Nhiều phụ nữ được phát hiện có protein trong nước tiểu ở một vài thời điểm trong thai kỳ. Dù protein trong nước tiểu là khá phổ biến nhưng nó vẫn cần được xem xét cẩn thận.
Ketones: hóa chất này được sản xuất khi cơ chế đốt cháy chất béo của cơ thể hoạt động không đúng. Có thể xảy ra khi bạn mắc tiểu đường thai kỳ, ăn uống không đủ hoặc khi bạn bị ốm.
Nếu albumin hoặc ketones được chẩn đoán có trong nước tiểu, hàm lượng tăng lên của chúng được mã hóa bằng +, ++ hoặc +++. Bạn cũng có thể thấy chữ Tr (viết tắt của trace), nghĩa là có một chút albumin hoặc ketones được tìm thấy. Các ký hiệu khác gồm “tick”, “nil” hoặc “NAD” mang nghĩa tương tự, không có gì bất thường cả.
3/ Các xét nghiệm máu:
Thường sẽ làm các xét nghiệm tìm bệnh lý nhiễm trùng của mẹ (thông thường nhất là HIV, Giang mai, Viêm gan siêu vi B). Các bệnh này nếu mẹ có nhiễm sẽ lây qua con trong lúc mang thai và gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho con. Nếu phát hiện mẹ nhiễm từ sớm, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các tác hại cho con.
Sẽ làm thêm xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu máu của mẹ để có hướng bổ sung sắt thích hợp. Ngoài ra, còn tìm thêm các bệnh lý thiếu máu di truyền (tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng có thể lên đến 7%), mà nếu bố mẹ có bệnh sẽ di truyền cho con và có thể làm con bệnh nghiêm trọng đến có thể mất thai.
Cũng cần làm thêm việc định nhóm máu cho mẹ nhằm tạo thuận lợi cho việc truyền máu, nếu cần, trong lúc sanh.
Vào khoảng thai 6 tháng còn cần làm thêm xét nghiệm tìm bệnh tiểu đường thai kỳ; đây cũng là vấn đề sức khỏe khá mới tại nước ta. Cần biết tỷ lệ tiểu đường thai kỳ có thể lên tới 15%, không kiểm soát được lượng đường trong máu khi mang thai có thể đưa đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho con và mẹ.
Xét nghiệm sàng lọc các bất thường thai (bất thường về nhiễm sắc thể) có thể làm vào khoảng 10 – 13 tuần hay 14 – 20 tuần, tùy loại. Đây chỉ là xét nghiệm bước 1, khi có nghi ngờ cần làm tiếp xét nghiệm bước 2 – là lấy mẫu nước ối hay bánh nhau.
Chăm sóc thai tích cực sẽ giúp bà mẹ có đầy đủ sức khỏe và thông tin, thêm tự tin trong thai kỳ; giúp phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai. Chăm sóc thai kỳ là một trong các yếu tố cần để có được kết quả “mẹ tròn con vuông”.
ThS.BS. Đặng Lê Dung Hạnh
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…