Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ virus Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Zika không phải là virus mới nhưng gây dịch bệnh mới. Sự xuất hiện gần đây của virus này gây quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng. Khả năng virus này xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể, lây lan rất lớn vì người dân chưa có miễn dịch, loại muỗi truyền bệnh lưu hành nhiều, loại muỗi này cũng truyền bệnh sốt xuất huyết, khi đó rất dễ bùng phát thành dịch. Theo Thứ trưởng Long, bệnh không gây tử vong nhưng quan ngại về hội chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain – Barre, một bệnh rối loạn miễn dịch thần kinh hiếm gặp. Biểu hiện bệnh không điển hình, giống sốt xuất huyết như sốt, đau cơ…; thậm chí giống cúm. Thực tế chỉ có 20% bệnh nhân có biểu hiện điển hình.
Vì thế, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu mở rộng mạng lưới giám sát, nếu người bệnh khám sốt xuất huyết nhưng chẩn đoán âm tính thì nghi ngờ virus zika, chuyển mẫu đi xét nghiệm. Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị; các cửa khẩu tiếp tục sàng lọc thân nhiệt, lưu ý khách đến từ các quốc gia có dịch.
Được biết, Brazil là quốc gia ghi nhận ca mắc virus Zika đầu tiên vào tháng 5/2015, đến nay số bệnh nhân tại quốc gia này và khu vực châu Mỹ đã tăng lên theo cấp số nhân. Trong thời gian dài, virus này được cho là tương đối vô hại nhưng từ cuối năm ngoái, giới chức y tế bắt đầu điều tra tìm mối liên hệ giữa virus này với các bệnh thần kinh, đặc biệt là hội chứng đầu nhỏ trong giai đoạn bào thai và trẻ sơ sinh. Chỉ riêng tại Brazil đã báo cáo hơn 4.000 trường hợp trẻ sinh ra với hội chứng này từ các bà mẹ nhiễm virus này khi mang thai.
Theo WHO, mối liên quan này chưa được khẳng định 100%. Thực tế, một số trẻ mắc hội chứng đầu nhỏ có xét nghiệm dương tính với virus này, một số lại âm tính. Vụ dịch diễn ra ở Brazil là vụ dịch lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến virus Zika. Trên thế giới 27 quốc gia ghi nhận ca bệnh này. Các ca bệnh cũng ghi nhận tại châu Á như Thái Lan và một số quốc gia ở châu Âu.
Bà Margaret Chan- Tổng giám đốc WHO yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn vào hôm nay, ngày 1-2 tại Geneva, Thụy Sĩ để bàn cách ngăn chặn sự lây lan virus Zika. Có 2 yếu tố khiến giới chức y tế lo ngại về virus Zika. Thứ nhất là cộng đồng không hề có miễn dịch với virus này. Thứ hai, loại muỗi truyền virus này xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trong khu vực châu Mỹ, từ Argentina đến phía Nam nước Mỹ, điều này lý giải tốc độ lây lan nhanh của virus. Virus đang lây lan mạnh mẽ tại khu vực châu Mỹ, khoảng 3-4 triệu ca bệnh được ghi nhận tại khu vực này trong vòng 12 tháng qua.
Ông Đặng Quang Tấn- Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus Zika đã được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947. Nhưng kể từ khi được phát hiện tại Brazil nó đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính tới nay, virus này đã lan truyền đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguy cơ virus Zika xâm nhập vào. Vì thế Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.
Ông Tuấn cũng cảnh báo biểu hiện bệnh do virus Zika gần giống sốt xuất huyết: phát ban, đau cơ khớp, đau đầu, viêm kết mạc… Hầu hết các ca bệnh có biểu hiện nhẹ và vừa; thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Phương thức lây truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu mẹ sang con, đường tình dục nhưng rất hiếm lây truyền qua đường này.
Virus Zika đang lây lan rất nhanh tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Mỹ và đã xuất hiện tại một số nước châu Âu. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã thường xuyên phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế làm tốt công tác chuẩn bị để sẵn sàng tiến hành thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân theo quy định… Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tương tự như đối với phòng bệnh sốt xuất huyết, gồm diệt muỗi, bọ gậy… đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống dịch… |
Lan Phương
Nguồn: Đại đoàn kết
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…