Categories: Tin tức y học

Cảnh báo: Nhiều người gặp chấn thương do tập thể thao nhưng không điều trị đúng cách

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cảnh báo, nhiều bệnh nhân gặp chấn thương thể thao nhưng không biết, bệnh nhân chịu đau dai dẳng, tìm đến các biện pháp massage, châm cứu, thậm chí tìm thầy lang để nắn, kéo, giật … khiến bệnh càng nặng thêm, gây ra những hậu quả khó lường.

Đau sau khi tập thể thao, người bệnh tìm thầy lang chữa đau cơ hoặc” cố thủ” tự điều trị

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong những năm gần đây, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai nạn, chấn thương do chơi thể thao. So với những năm trước, các ca chấn thương thường do lao động, sinh hoạt hay tai nạn, nhưng vài năm trở lại  đây, số người đến khám vì các chấn thương thể thao, tập luyện chiếm gần 50% số trường hợp.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Viện phó Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức

Đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn, hoặc do người bệnh chủ quan. PGS Khánh chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân tập cầu lông, khi nhảy lên đánh cầu nhưng tiếp đất không đúng dẫn tới chấn thương gót chân. Lúc đầu người bệnh tưởng mình bị bong gân, cố chịu đau đi lại tập tễnh, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ thì phát hiện bệnh nhân bị đứt gân gót.

Một số  trường hợp đáng tiếc khác là khi chơi thể thao, người bệnh bị đứt dây chằng chéo ở khớp gối  2 – 3 tháng trước, bệnh nhân quyết “ôm chân” để đi. Hay như bệnh nhân khi đến viện, khớp gối lỏng lẻo, phải đeo băng chun đầu gối để đi lại nhưng “cố thủ” không chịu đi khám bệnh, thậm chí có người “chịu đau” hàng năm trời mới đến viện. Theo PGS Khánh, những trường hợp kể trên rất phổ biến, nhưng người dân không biết rằng làm như vậy là  “tàn phá” khủng khiếp khớp của mình, thậm chí để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm  tuổi thọ của khớp….

Nhiều động tác yoga khó rất dễ dẫn tới chấn thương

Nhiều bệnh nhân sau khi bị chấn thương do chơi thể thao, cảm thấy căng, đau mỏi…  còn tìm đến điều trị  bằng massage, châm cứu, giác hút, ngải cứu…  đây là cách điều trị không đúng. Có  bệnh nhân bị chấn thương khớp gối, phần mềm sưng nề, đang có máu tụ trong khớp mà người bệnh lại xoa bóp bằng mật gấu, chườm nóng khiến đầu gối càng sưng hơn, càng gây chảy máu nhiều hơn. Hay như sau tập thể thao bị căng cơ quá mức, đau cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cấp  lại tìm đến các thầy lang để …. kéo, nắn, giật sẽ làm bệnh càng nặng thêm.

Lời khuyên của bác sĩ giúp người chơi thể thao tránh gặp chấn thương

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho rằng, cả vận động viên chuyên nghiệp và người chơi thể thao nghiệp dư đều có thế gặp  chấn thương khi chơi. Chấn thương luôn tiềm ẩn nếu một người  tập luyện không đúng cách,  có thể gặp ở tất cả các môn thể thao từ cá nhân như xà, tạ, chạy bộ, yoga…   đến các môn đối kháng như cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng đá….

Chấn thương có thể gặp ở hầu hết các môn thể thao nếu tập không đúng cách

PGS Khánh cho biết, nguyên nhân gây ra chấn thương có thể là do người tập không khởi động kỹ, tập luyện không phù hợp với thể trạng và sức khỏe của bản thân, vừa vào tập đã tập với cường độ cao, thời  gian dài… . PGS Khánh dẫn chứng,  một người vừa bắt đầu chạy bộ mà đã chạy tới 10km, cơ thể sẽ không thích ứng được, hay mới nâng tạ đã muốn thử mức tạ 50kg, người có thể trạng nhỏ nhưng tập mới mức độ của người cao to …. tất cả những điều này đều có thể gây ra  chấn thương cho bản thân người tập.  Một trong những nguyên nhân gây chấn thương mà các bác sĩ ở Khoa Chấn thương thể thao, Bệnh viện Việt Đức  thường gặp trong các môn đối kháng như tennis, cầu lông, đá bóng, bóng rổ…. Đây là những môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh, trong đó có những động tác như đang chạy dừng đột ngột,  rướn, những môn thể thao mà cơ thể chịu lực tì đè, nén ép hay dễ  va chạm với đối thủ…..

PGS Khánh cho rằng, có  nhiều chấn thương mà người chơi thể thao có thể gặp như các chấn thương phần mềm, căng cơ, giãn dây chằng quanh khớp, trật khớp, trường hợp nặng, người chơi có thể bị đứt gân, đứt dây chằng quang khớp, rách khối cơ chóp xoay … hoặc gãy xương….

Để phòng tránh các chấn thương khi chơi thể thao, PGS Khánh khuyên, người muốn chơi thể thao cần hiểu rõ sức khỏe, ngưỡng chịu đựng của bản thân, lựa chọn môn thể thao phù hợp. Nếu người chơi thể thao mắc một số bệnh như loãng xương bệnh lý, người bị viêm khớp dạng thấp, người bị gút lâu năm…. dễ gặp chấn thương, những người này cần có sự tư vấn của bác sĩ, lựa chọn môn thể thao phù hợp nếu không muốn bệnh nặng thêm. Vì người loãng xương khi tập vận động không phù hợp dễ bị gãy xương, người mắc bệnh khớp khi gặp chấn thương có thể khiến tổ chức quanh khớp bị biến dạng, người bị gút lâu năm, axit uric lắng đọng ở cơ làm giảm sợi collagen dễ bị tai nạn khi tập….

Bên cạnh đó, người tập thể thao cần khởi động kỹ trước khi tập, nhất là những bộ phận chịu tác động lực khi tập, tập với cường độ từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó tùy theo ngưỡng chịu đựng của mỗi người.  Nếu gặp bất cứ bất thường nào khi tập, cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn, PGS Khánh khuyên.

 

Hải Yến

Nguồn: SKDS

adminyhoc

Recent Posts

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

1 week ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

1 week ago