Theo ghi nhận thì đa phần mọi người đều có nốt ruồi trên cơ thể. Tuy nhiên vị trí nốt ruồi ở đâu, kích thước to hay nhỏ thì mỗi người một khác. Nốt ruồi bình thường vô hại nhưng ở từng thời điểm nó có thể gây nguy cơ ung thư da mà người bệnh không hề hay biết.
Đầu năm 2018, bác sĩ Võ Tuấn, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM cho biết BV đã phát hiện và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân bị ung thư da mà nguyên nhân đều do nốt ruồi gây nên.
Nốt ruồi nhỏ xíu dưới cánh mũi trái bà H. lớn dần theo thời gian và gây ung thư da. Ảnh: THANH MAI
Mới đây, một nữ bệnh nhân tên NTH (47 tuổi, ngụ Đồng Nai) tìm đến BV Ung bướu để khám bệnh nhưng sau khi bà tháo khẩu trang ra, BS Tuấn thấy trên mặt bà có một nốt ruồi ở cánh mũi, một nốt ruồi ở môi trái kích thước 2 x 3 cm có màu đen, cứng, bề mặt lở loét và chảy máu. Ông chia sẻ “Bà H. cho biết trước đây nốt ruồi đó chỉ nhỏ, mềm, có màu đỏ. Cách nay một năm, các nốt ruồi ngày càng lở loét, chảy máu không rõ nguyên nhân tại sao nên bà mới đến BV để được thăm khám”.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BS chẩn đoán bà H. bị ung thư da, buộc phải phẫu thuật cắt rộng khối u 3 x 4 cm. Sau đó, tạo hình thẩm mỹ lại khuôn mặt cho bà H.
Ngoài trường hợp trên, khoa Ung bướu và đơn vị Tạo hình thẩm mỹ BV Nhân dân 115 (TP.HCM) cũng vừa phát hiện, điều trị và tái tạo khuôn mặt cho không ít bệnh nhân bị ung thư da mà “thủ phạm” chính là nốt ruồi.
Ông NTS (57 tuổi, ngụ Tây Ninh) đến BV thăm khám trong tình trạng vùng mặt và má trái có khối u sần sùi màu đen bị lở loét, kích thước lớn. TS-BS Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đơn vị Tạo hình thẩm mỹ BV Nhân dân 115, cho biết “Ông S. cho biết vùng má trái có nốt ruồi từ lúc nhỏ. Cách đây hai năm, nốt ruồi mỗi ngày mỗi lớn dần và phát triển thành khối u. Hai tuần nay bề mặt khối u sần sùi, lở loét, chảy máu nên ông S. vội tìm đến BV”. Sau khi làm các xét nghiệm sinh thiết, kết quả cho thấy ông S. bị ung thư da biểu mô tuyến nên “Các BS buộc phải cắt bỏ khối u da và tạo hình lại khuôn mặt.”
Cụ thể, các BS khoa Ung bướu phải cắt rộng khối u da kích thước 6 x 8 cm ở má trái sau đó tạo hình thẩm mỹ tái tạo hình khuôn mặt cho ông bằng cách dùng vạt da nhánh xuyên động mạch dưới cằm. Kết quả “10 ngày sau, gương mặt ông S. hầu như bình thường như trước đây. Tế bào ung thư da cũng không còn phát triển”.
Từ những trường hợp trên, BS Thanh khuyến cáo người dân khi thấy nốt ruồi bình thường sẫm màu hoặc màu đỏ (nốt ruồi son), kích thước nhỏ dưới 5 mm và mềm. “Tuy nhiên, khi nốt ruồi chuyển màu đậm hoặc đen thì nên nghĩ đến nguy cơ ung thư da. Ngoài ra, kích thước nốt ruồi lớn gấp nhiều lần so với ban đầu và tăng dần theo thời gian, nốt ruồi cứng hơn thì nguy cơ bị ung thư da cũng rất cao. Đặc biêt khi bề mặt khối u sần sùi, lở loét, chảy máu thì phải đến BV có chuyên khoa ung bướu ngay để phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu không mổ sớm, ung thư khởi phát sẽ di căn tế bào ung thư đến các bộ phận khác trên cơ thể, rất nguy hiểm ”.
Nguy cơ khôn lường khi tẩy nốt ruồi bằng các phương pháp dân gian, đốt điện…
Đề cập ở một góc độ khác về nốt ruồi, BS Tuấn chia sẻ thêm, không ít người có quan niệm “nốt ruồi phá tướng” nên tự phá nốt ruồi bằng cách bôi thuốc, đắp lá cây, đốt điện… Tuy nhiên “Các phương pháp phản khoa học nói trên khiến nốt ruồi gây ung thư da sẽ có cơ hội phát triển tế bào ung thư nhanh hơn và phát tán đến các bộ phận trong cơ thể” vì vậy người dân không nên “động chạm” đến các nốt ruồi để tránh những hậu quả xấu có thể sẽ xảy ra.
Theo Pháp luật TPHCM
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…