Chia sẻ trong 2 giờ diễn ra buổi Tư vấn trực tuyến bệnh chóng mặt của phụ nữ sau tuổi 40 trên VnExpress, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng cho biết, căng thẳng, mất ngủ, lo âu là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng chóng mặt. Để điều trị, ngoài việc dùng thuốc theo toa, mọi người cần tăng cường hoạt động thể dục, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi, thư giãn…
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ.
– Chào bác sĩ, dạo này xung quanh em toàn thấy các anh, các chị bị rối loạn tiền đình, cứ hay chóng mặt, tụt huyết áp… Cho em hỏi là nguyên nhân vì sao ? Và tư vấn em cách sống khỏe để không bị giống các anh chị ấy? (Ngân Lương, 28 tuổi, Cần Thơ)
Chào bạn,
Chóng mặt có nhiều nguyên nhân, có những người chóng mặt xoay tròn là liên quan đến tiền đình, một số khác chỉ có choáng váng, xây xẩm, lâng lâng… có thể do thiếu máu, huyết áp, các bệnh nội khoa hoặc căng thẳng, thiếu ngủ. Những triệu chứng này được mọi người hay gọi chung là rối loạn tiền đình. Nhưng, bác sĩ sẽ phải xác định rõ nguyên nhân mới điều trị đúng.
Để được khỏe mạnh, cách tốt nhất vẫn là lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục, tránh thức khuya…
– Chóng mặt thường xuyên có nguy hiểm không bác sĩ? Có thể điều trị triệu chứng chóng mặt tại nhà được không? Xin bác sĩ cho vài gợi ý và lời khuyên. (Trần Ngọc Hà, Hà Nội)
Chào bạn,
Hầu hết chóng mặt không phải bệnh nguy hiểm. Nhưng có một số trường hợp phải lưu ý. Nếu chóng mặt quá thường xuyên thì quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân, đôi khi có thể do bệnh của não hoặc một số rối loạn khác. Nếu chỉ chóng mặt ngắn, nhẹ, có thể nghỉ ngơi hoặc uống một số thuốc đơn giản không cần toa. Tuy nhiên, nếu bị thường xuyên thì không thể tự chữa mà phải đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
– Mẹ tôi năm nay là 55 tuổi rồi, đã bước vào giai đoạn mãn kinh nên người hay bị nóng bức khó chịu, dễ chóng mặt, thường xuyên bị trạng thái chóng mặt khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, ngồi sang đứng…
Tôi đang muốn đưa mẹ đi khám thì đi khám ở khoa nào? Bệnh viện nào?
Cám ơn bác sĩ. (Giang Nguyễn, 30 tuổi, TpHCM)
Chào Giang,
Đây là những triệu chứng cũng thường gặp đối với phụ nữ ở lứa tuổi như mẹ của bạn. Nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn có thể đưa mẹ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh ở các bệnh viện.
– Mỗi khi thay đổi tư thế, tôi cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại, có khi chóng mặt vài phút, có khi kéo dài đến vài giờ ? Liệu có sự khác nhau nào giữa các triệu chứng dài và ngắn này không thưa bác sĩ? (Nguyễn Văn Nguyên, 30 tuổi, Bình Thạnh)
Chào bạn,
Chóng mặt là từ chung mà mọi người hay dùng. Tuy nhiên có nhiều loại chóng mặt khác nhau. Quan trọng nhất là chóng mặt xoay tròn khiến cho người bệnh có cảm giác bản thân hoặc nhà cửa, đồ vật quay tít. Loại chóng mặt này là bệnh của hệ thống tiền đình. Các loại chóng mặt khác sẽ gây ra cảm giác xây xẩm, lâng lâng, hoa mắt, tối sầm… thường do bệnh nội khoa, thiếu máu, căng thẳng, thiếu ngủ…
Chóng mặt thường xảy ra tùng cơn ngắn nhưng tái đi tái lại. Những người bị nhẹ có thể hết trong ngày, nặng hơn có thể kéo dài cả tháng. Những trường hợp nhẹ thoáng qua và không tái phát thì không đáng lo. Nhưng nếu xảy ra kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần, thì cần được khám, chẩn đoán và điều trị.
– Tôi năm nay 35 tuổi, tôi thỉnh thoảng lại bị nhức đầu, hoa mắt. Có phải tôi bị rối loạn tiền đình không? (Lê Anh Thăng, Tp.HCM, Quận Tân Bình)
Chào bạn,
Rối loạn tiền đình là tên thường gọi cho các bệnh lý gây chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, mất thăng bằng, đôi khi kèm theo buồn nôn, nôn ói. Riêng nhức đầu không phải là triệu chứng của tiền đình, chỉ khi người bệnh chóng mặt kéo dài, quá mệt mỏi mới có thể kèm theo nức đầu nhẹ. Do đó nếu triệu chứng của bạn là những đợt nhức đầu thì không phải là rối loạn tiền đình.
– Tôi bị chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột. Tôi đọc báo và có nghe nói đến triệu chứng chóng mặt tư thế lành tính kịch phát có liên quan đến chóng mặt mà tôi hay thường gặp. Bác sĩ giải thích tôi giúp căn bệnh này và cách điều trị như thế nào? (Nguyễn Thanh Phương, 34 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào Phương,
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một bệnh thường gặp với triệu chứng chóng mặt dữ dội từng cơn, tăng nặng khi thay đổi tư thế. Đây là bệnh do rối loạn hệ thống tiền đình, triệu chứng rất khó chịu nhưng thường lành tính. Để điều trị, bác sĩ sẽ dùng thuốc và các bài tập. Nếu chóng mặt nặng, bác sĩ sẽ dùng thuốc chóng chống mặt đặc hiệu, nhưng không được dùng kéo dài do thuốc gây buồn ngủ, bần thần.
Thông thường có thể dùng các thuốc hỗ trợ tiền đình để giảm triệu chứng chóng mặt mà ít gây buồn ngủ như thuốc chứa hoạt chất Acetyl-DL-leucine. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ làm các thủ thuật để giảm chóng mặt nhanh bên cạnh việc dùng thuốc.
– Tôi (42 tuổi, nam giới). Khoảng 2 năm trước đây tôi bị bệnh rối loạn tiền đình. Hơn 1 năm nay cách mấy tháng một lần tôi bị chóng mặt, toát mồ hôi, đi đứng mất thăng bằng và hơi nôn ói.
Tôi có đi khám bị bệnh viêm đa xoang. Xin hỏi có liên quan đến bệnh rối loạn tiên đình và chóng mặt hay không?
Xin cám ơn. (Trường Đức, 42 tuổi)
Chào bạn,
Viêm đa xoang sẽ chỉ gây choáng váng, xây xẩm khi đang nóng sốt, nghẹt mũi, đặc biệt là nếu bệnh kéo dài. Bệnh này không gây được những cơn chóng mặt, toát mồ hôi như bạn miêu tả. Nếu các cơn chóng mặt của bạn không liên quan đến một tình huống cụ thể như mất ngủ, uống rượu bia… thì bạn cần đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân.
– Tôi năm nay 37 tuổi. Tôi rất hay bị chóng mặt và đã đi khám ở nhiều nơi. Tôi cũng chụp MRI và bác sĩ kết luận không bị bệnh gì cả. Thế nhưng tôi uống thuốc vẫn không thấy đỡ. Tại sao không có bệnh gì thì lại hay chóng mặt như vậy? Tôi cũng không bị buồn nôn hay ù tai đi kèm như các căn bệnh khác. Mong được bác sĩ tư vấn tôi bị bệnh gì và điều trị như thế nào. (Trần Thị Thiên Hương, Hồ Chi Minh)
Chào bạn,
Chụp MRI chỉ thấy các bệnh lý gây tổn thương trong não. Riêng chóng mặt và rối loạn tiền đình hoặc không có tổn thương trong não hay chỉ tổn thương trong cơ quan tiền đình rất nhỏ ở trong hai tai. Do đó, không có gì lạ khi bị chóng mặt mà MRI không thấy gì.
Chóng mặt tái đi tái lại có thể liên quan đến các bệnh nội khoa như tim, phổi, thiếu máu, hoặc mất ngủ, căng thẳng, lo âu hay bệnh lý tiền đình. Do đó, bạn nên đến khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân.
– Sau khi sinh con ăn uống mệt mỏi, cảm giác đói nhưng không muốn ăn, hay chóng mặt, hoa mắt khi đứng lên, sút cân, suy giảm trí nhớ. Vậy xin hỏi tôi có mắc bệnh gì? Nếu mắc thì tôi bị bệnh gì ? Có thể uống thuốc gì? Hiện tôi vẫn cho con bú. (Phan Ngọc Tươi, 40 tuổi, Quận 6)
Chào bạn,
Sau sinh, cơ thể có nhiều thay đổi kể cả về nội tiết, cân nặng, kèm theo các thay đổi về xã hội khi có thêm thành viên mới, gia tăng trách nhiệm… Do đó, phụ nữ sau sinh ít nhiều nguy cơ bị trầm cảm, suy nhược. Chóng mặt có thể xảy ra như một bệnh, nhưng cũng có thể là hậu quả của các tình trạng trên, đặc biệt do ăn kém, mất ngủ, lo âu. Nếu bạn có thể tự điều chỉnh bằng cách tập thể dục, tăng cường dinh dưỡng, nhờ người hỗ trợ trong việc chăm sóc con để có thể nghỉ ngơi và ngủ đủ thì triệu chứng có thể giảm mà không cần dùng thuốc. Nếu không được, bạn cần đi khám để bác sĩ đánh giá toàn diện và nếu cần sẽ dùng thuốc phù hợp.
– Tôi rất hay bị đau đầu, đau nhiều nữa đầu trái, kèm theo các biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, nhiều khi bị ngất, nhất là khi ngồi làm việc bằng máy tính thấy rất mệt mỏi và ói. Gần đây thị lực giảm và nhức mỏi mặt, tôi đã đi khám và điện não bác sĩ kết luận tôi bị chứng rối loạn tuần hoàn não. Tôi uống thuốc nhưng không thấy đỡ vẫn mệt, đau đầu nhất là khi trời nắng. Tôi xin hỏi bác sĩ về những triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn não, bệnh này có nguy hiểm không, cách điều trị như thế nào, có chữa hết được không? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Đinh Thị Thanh Thảo, 46 tuổi, Quận 1)
Chào bạn,
Rối loạn tuần hoàn não không phải là một bệnh, chỉ là cách nói nôm na. Các triệu chứng của bạn có thể là một loại đau đầu liên quan đến mạch máu hoặc do căng thẳng, đôi khi phối hợp cả hai. Bạn nên đi khám và nếu bác sĩ khẳng định là một trong hai bệnh này thì có thể yên tâm vì bệnh điều trị được, chỉ lưu ý là phải điều trị lâu dài nhiều tháng mới ổn định và hạn chế tái phát.
– Mẹ em năm 50 tuổi, được chẩn đoán là bị rối loạn tiền đình và cho thuốc Tanganil về uống. Xin hỏi nếu tình trạng này lại xảy ra, mẹ em có thể tiếp tục uống thuốc này hay không? (Phan Hoàng Uyên, 20 tuổi)
Chào bạn,
Ở lứa tuổi 50 có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra chóng mặt. Việc điều trị thường phải dựa theo nguyên nhân, tuy nhiên hầu hết các nguyên nhân đều lành tính. Việc sử dụng thuốc như mẹ bạn đang uống có thể phù hợp với nhiều nguyên nhân. Nếu tái phát, mẹ bạn có thể tạm thời uống như vậy, nhưng sẽ phải tái khám nếu triệu chứng không giảm nhanh.
– Mẹ em năm nay 60 tuổi, mỗi lần đứng lên ngồi xuống hay bị chóng mặt. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo tăng huyết áp. Nhưng uống thuốc huyết áp lại chóng mặt hơn. Xin hỏi bác sĩ đó là dấu hiệu gì? (Nguyen Thuy Phan Yen Chi, 28 tuổi, Anna Building, Quang Trung software city, district 12)
Chào Chi,
Tăng huyết áp đôi khi có thể gây chóng mặt nhưng ngược lại hạ huyết áp cũng gây triệu chứng tương tự, đặc biệt hạ huyết áp tư thế sẽ gây chóng mặt khi đứng lên. Khi uống thuốc huyết áp gây chóng mặt hơn có thể là do tác dụng phụ của thuốc, cũng có thể do hạ huyết áp tư thế bị nặng lên do thuốc. Để xác định điều này, bạn cần đo huyết áp cho mẹ thường xuyên, nếu thấp nhiều thì cần ngưng thuốc và đi tái khám. Đôi khi bác sĩ phải làm xét nghiệm để tìm hạ huyết áp tư thế để điều trị phù hợp.
– Bị chóng mặt, rối loạn tiền đình có chữa hết được không thưa bác sĩ? (Hoàng Anh Nhật, Tp.HCM)
Chào bạn,
Hầu hết rối loạn tiền đình đều lành tính có thể chữa được. Tuy nhiên, bệnh có thể tái lại tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thiếu ngủ, căng thẳng, hay cảm cúm… sẽ dễ gây tái phát hơn.
– Chào bác sĩ, em năm nay 31 tuổi do công việc nhiều, não hoạt động liên tục, em không ngủ được ngon giấc, có những lúc không suy nghĩ nhưng não vẫn hoạt động gây ra tình trạng chóng mặt bất ngờ, có lúc không còn sức gì hết, em nên uống gì để việc chóng mặt này hết? Và hiện tại có phải em bị căng thẳng quá độ? (Trương Thanh Thư, 31 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào bạn,
Căng thẳng, mất ngủ, lo âu là một trong 3 nguyên nhân lớn gây chóng mặt. Thông thường, người bệnh sẽ có cảm giác chóng mặt, choáng váng, xây xẩm diễn ra thường xuyên, tăng lên khi căng thẳng, mất ngủ nhiều. Để điều trị ngoài việc dùng thuốc theo toa, bạn cần tăng cường hoạt động thể dục, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi, thư giãn… mới có thể khỏe mạnh lâu dài.
– Thỉnh thoảng, tôi thấy hoa mắt, chóng mặt. Một số người cảnh báo đây là triệu chứng ban đầu của đột quỵ? Như vậy có đúng không thưa bác sĩ? Tôi thì nghĩ đó chỉ là triệu chứng thông thường khi thiếu máu, huyết áp thấp hoặc mất nước. Bác sĩ có thể giải thích giúp tôi, chóng mặt như vậy có nguy hiểm? Làm sao để phân biệt các cơn chóng mặt? (Phan Hoàng Tuyết Nhung, Đà Nẵng)
Chào Nhung,
Đôi khi chóng mặt chính là triệu chứng của đột quỵ nhưng hiếm gặp và thường kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng khác như liệt nửa người, méo miệng, nói khó… Còn lại trong đa số các trường hợp, chóng mặt không liên quan đến đột quỵ cũng không liên quan đến thiếu máu não.
Đúng như bạn nói, thiếu máu, huyết áp thấp hoặc mất nước (nôn ói, tiêu chảy) có thể gây ra triệu chứng chóng mặt, choáng váng. Khi đó bệnh có nguy hiểm hay không là do nguyên nhân gây ra thiếu máu, mất nước chứ không phải do bản thân triệu chứng chóng mặt, nghĩa là phải tìm và điều trị đúng nguyên nhân thì chóng mặt mới giảm.
– Trước đây tôi thường chỉ chóng mặt khi bị cảm cúm, uống thuốc sẽ khỏi. Tuy nhiên gần đây tôi có cảm giác ù tai, thính lực giảm mỗi khi bị xay xẩm mặt mày. Bận rộn công việc và gia đình nên tôi chưa kịp đi khám. Xin bác sĩ cho tôi biết nguyên nhân của triệu chứng này, tôi phải làm gì để chữa trị? (Phạm Thị Thanh Thảo, 53 tuổi, Hà Nội)
Chào Thảo,
Chóng mặt đơn thuần thì thường là lành tính. Tuy nhiên, nếu kèm theo các triệu chứng khác như ù tai, giảm thính lực thì cần phải tìm nguyên nhân vì đôi khi có bệnh nguy hiểm. Bạn cần đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Những việc không nên làm hoặc hạn chế làm khi thường xuyên bị chóng mặt? Bác sĩ tư vấn giúp tôi những thực phẩm nào nên ăn nhiều để giảm thiểu việc chóng mặt choáng váng? (Phan Hoàn Thịnh, 43 tuổi, Đà Nẵng)
Chào bạn,
Khi thường xuyên bị chóng mặt, bạn nên tránh các hoạt động phải thay đổi tư thế đầu đột ngột, những động tác cúi ngửa đầu quá mức. Do đó, các bài tập thể dục nhẹ nhàng, kiểu dưỡng sinh sẽ phù hợp giữ sức khỏe và giảm chóng mặt.
Việc ăn uống chủ yếu giữ cơ thể khỏe khoắn sẽ giúp giảm chóng mặt. Do đó, bạn nên chọn ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm bổ dưỡng, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê để có sức khỏe tốt và ít bị chóng mặt.
– Mẹ chồng em năm 52 tuổi, đã về hưu. Mẹ thường xuyên gặp tình trạng chóng mặt, xây xẩm mặt mày, choáng váng không đứng vững, nhiều khi bị té. Đặc biệt sau mỗi lần bị mất ngủ, bụng đói, tình trạng chóng mặt càng nặng hơn. Mẹ được chẩn đoán bị rối loạn tiền đình và được hướng dẫn sử dụng thuốc Tanganil để cắt cơn chóng mặt. Cho em hỏi sử dụng thuốc này có tác dụng nhanh chóng hay không? Sử dụng tần suất nhiều lần trong 1 tuần (vì mẹ em chóng mặt nhiều lần) thì có hại gì cho sức khỏe không? (Nguyễn Thị Thu Thảo, 20 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam)
Chào bạn,
Tình trạng chóng mặt của mẹ bạn khá nặng, đặc biệt là có thể gây té ngã, do đó nhất thiết mẹ bạn phải được theo dõi và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Trước mắt, loại thuốc mà mẹ bạn được cho dùng có thể giảm triệu chứng ở nhiều bệnh nhân và có thể dùng trong vài tuần, tuy nhiên, hiệu quả cụ thể phải được đánh giá trên từng người. Mẹ bạn đã được kê toa thì có thể sử dụng, sau đó tái khám để bác sĩ điều trị phù hợp.
– Chào bác sĩ. Năm nay cháu 36 tuổi. Cháu thường xuyên bị chóng mặt khi đổi tư thế, ù tai và dạo gần đây trí nhớ bị tụt giảm. Cháu quên những thứ mình đã bỏ ở đâu hay những việc mình cần làm tiếp theo. Bác sĩ có thể cho biết cháu bị gì không ạ. (Phương Linh, 36 tuổi, Quận 5)
Chào Linh,
Chóng mặt thường xuyên cũng đáng ngại nhưng giảm trí nhớ mới là triệu chứng quan trọng. Nguyên nhân đơn giản nhất có thể là căng thẳng và thiếu ngủ, nhưng cũng có thể do các bệnh nguy hiểm hơn. Do đó, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị.
– Mẹ tôi đã 55, cách đây 4 năm bà được chuẩn đoán rối loạn tiền đình, cộng với túi phình động mạch có xơ vữa động mạch. Bà đã điều trị hơn 4 năm nay, bệnh rối loạn tiền đình đã có thuyên giảm nhưng vẫn còn, và cộng thêm uống thuốc liên tục cho bệnh mất ngủ + rối loạn tiền đình hoặc mất thăng bằng hơn 4 năm nay. Tôi thực sự rất lo không biết có phải uống thuốc mãi như vậy không? Mong bác sĩ tư vấn. (Sang, 38 tuổi)
Chào bạn,
Mẹ của bạn đã bị rối loạn tiền đình và mất ngủ nhiều năm nên việc điều trị sẽ khó khăn. Các triệu chứng tiền đình vẫn có khả năng điều trị ổn định và ngưng thuốc. Tuy nhiên tình trạng mất ngủ đã dùng thuốc kéo dài rất khó có thể kiểm soát mà không dùng thuốc.
Mục tiêu điều trị lúc này đầu tiên là giữ sức khỏe với giấc ngủ tốt, sau đó mới cố gắng giảm để cuối cùng ngưng được thuốc. Điều này sẽ khó khăn, cần kiên trì tái khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần.
– Gần đây tôi thấy mình thường hay chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống, nhịn ăn, mất ngủ, say tàu xe, tâm lý hoảng loạn, căng thẳng stress, đi kèm theo đó là các triệu chứng tim đập nhanh, mất thăng bằng, chân tay run, đổ mồ hôi, nhìn mờ, ù tai, đau đầu; thỉnh thoảng buồn nôn, đau ngực, khó thở. Vậy xin hỏi bác sĩ tôi nên đi khám ở đâu và điều trị như thế nào? (Nguyễn Thị Minh Thu, 47 tuổi, 79 Nguyễn Trác- Đà nẵng)
Chào Thu,
Ở tuổi sau 40 tâm sinh lý bắt đầu thay đổi, áp lực công việc, gia đình, một số bước vào tuổi tiền mãn kinh… nên chóng mặt thường xảy ra hơn. Tình trạng chóng mặt của bạn liên quan trực tiếp đến những rối loạn tâm lý, căng thẳng. Các triệu chứng tim đập nhanh, run tay, đổ mồ hôi… cũng liên quan đến tình trạng này. Mức độ triệu chứng của bạn không đơn thuần là những thay đổi nhất thời mà đã là dấu hiệu bệnh lý. Do đó, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần để xác định bệnh và điều trị.
Bên cạnh đó, bạn cần sắp xếp công việc, cuộc sống để có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ăn ngủ điều độ, tăng cường tập thể dục, góp phần giảm thiểu triệu chứng và hỗ trợ điều trị.
Phát Đạt
Nguồn: VnExpress
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…