Nhiễm vi khuẩn cơ hội trên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là nguyên nhân hay gặp
1. Bệnh do phức hợp Mycobacterium avium (MAC)
– Lâm sàng: Sốt kéo dài hoặc tái phát, sút cân, mệt mỏi, thiếu máu, gan lách, hạch to. Cần chẩn đoán phân biệt với lao. Phân lập được MAC trong máu hoặc vị trí khác, thường khó thực hiện
Cân nhắc chẩn đoán MAC nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị lao sau 2-4 tuần
– Điều trị:
Phác đồ ưu tiên: clarithromycin uống 500mg x 2 lần/ngày + ethambutol uống 15mg/kg/ngày.
Phác đồ thay thế: azithromycin uống 500mg/ngày + ethambutol ± rifabutin uống 300mg/ngày; hoặc azithromycin uống 500mg/ngày + ethambutol hoặc ciprofloxacin 500mg x 2 lần/ngày.
Phải kết hợp với điều trị ARV.
Chỉ ngừng điều trị MAC khi người bệnh được điều trị ARV và có số CD4 tăng >100 TB/mm3 >6 tháng.
2. Viêm đa cơ mủ
– Vi khuẩn gây bệnh: tụ cầu vàng, liên cầu; hay gặp ở người tiêm chích ma tuý
– Lâm sàng: viêm da mủ, viêm nang lông, viêm mô mềm, abscess cơ và mô mềm; sốt hoặc không; các biểu hiện toàn thân và các cơ quan khác.
– Chẩn đoán dựa vào lâm sàng;
– Soi và cấy tìm vi khuẩn trong dịch mủ nếu có thể thực hiện được
– Cần đánh giá mức độ: nhẹ dùng kháng sinh đường uống, nặng dùng kháng sinh đường tiêm truyền. Chọn các kháng sinh có tác dụng với tụ cầu, liên cầu: oxacilin, cephalosporin thế hệ I (cephalothin, cephazolin v.v…), các kháng sinh khác.
– Rửa, vệ sinh tại chỗ nếu tổn thương loét. Dùng các thuốc giảm viêm, giảm phù nề
3. Viêm phổi và màng phổi
Vi khuẩn gây bệnh: phế cầu, tụ cầu, H. influenzae P.aeruginosae, S. aureus,…; các vi khuẩn hiếm gặp như R.equi, Nocardia các loại;
– Lâm sàng: khởi phát đột ngột, sốt, rét run, đau ngực, ho khạc đờm đặc, có thể có khó thở; thăm khám có hội chứng đông đặc hoặc hội chứng ba giảm, rales phổi;
Lâm sàng đặc trưng.
Cận lâm sàng: bạch cầu máu và tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng; Chụp X-quang phổi
Soi và cấy đờm, cấy máu; chọc dò màng phổi, soi và cấy vi khuẩn, nếu có điều kiện;
– Điều trị: Cephalosporin thế hệ 3 đường tĩnh mạch (cefotaxime, ceftriaxone); kháng sinh chống tụ cầu nếu viêm phổi do tụ cầu; kháng sinh chống trực khuẩn mủ xanh nếu người bệnh có tiền sử bệnh do trực khuẩn mủ xanh hoặc ở giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng; cotrimoxazole trong trường hợp bệnh do Nocardia, v.v…
4. Viêm màng não vi khuẩn
– Vi khuẩn gây bệnh: phế cầu, các vi khuẩn khác, bao gồm cả các vi khuẩn hiếm gặp như R.equi, Chryseobacterium meningosepticum, v.v…
– Lâm sàng: khởi phát đột ngột, hoặc bán cấp, sốt, đau đầu, hội chứng màng não; có thể có abscess não.
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng;
Chọc dò dịch não tuỷ, xét nghiệm sinh hoá, tế bào, soi và cấy dịch não tủy, Cấy máu nếu có thể; Chụp CT sọ não nếu nghi ngờ abscess não và nếu có điều kiện
– Điều trị: theo kinh nghiệm bằng ceftriaxone tĩnh mạch 3-4g/ngày; điều chỉnh kháng sinh theo vi khuẩn phân lập được và kết quả kháng sinh đồ. Trong trường hợp không phân lập được vi khuẩn, điều chỉnh kháng sinh theo phán đoán về căn nguyên trên cơ sở các triệu chứng và biểu hiện bệnh kèm theo.
5. Nhiễm trùng huyết
– Vi khuẩn gây bệnh: Salmonella các loại, S. aureus, E.coli, Proteus mirabilis, Serratia marcescens, P. aeruginosa, R.equi, và các loại vi khuẩn khác
– Lâm sàng: sốt, rét run, tiêu chảy (Salmonella các loại, E.coli), viêm mô mềm (S. aureus), abscess phổi và các cơ quan nội tạng (S. aureus, R.equi, Nocardia các loại, P. aeruginosa), viêm màng não và/hoặc abscess não (R.equi), v.v…
Lâm sàng và cấy máu nếu có điều kiện [một số vi khuẩn cần môi trường đặc biệt hoặc thời gian nuôi cấy kéo dài (Nocardia)];
Chụp X-quang hoặc siêu âm nếu có ổ di bệnh (phổi, gan, lách, v.v..);
Chọc dò các ổ di bệnh (abscess mô mềm hoặc nội tạng, viêm màng não), soi và cấy bệnh phẩm tìm vi khuẩn gây bệnh.
– Điều trị theo kinh nghiệm theo gợi ý từ lâm sàng (kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Gram (-) nếu người bệnh có sốt và tiêu chảy; kháng sinh có tác dụng với tụ cầu nếu người bệnh có tiêm chích, có viêm mô mềm và tổn thương phổi, v.v…). Điều chỉnh kháng sinh theo kết quả phân lập vi khuẩn và kháng sinh đồ.
6. Các bệnh tiêu chảy do vi khuẩn
– Vi khuẩn: Salmonella, Shigella, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác
– Lâm sàng: sốt, đi ngoài nhiều lần phân nước hoặc có nhày máu kèm theo; có thể có đau quặn bụng, mót rặn.
Thường diễn biến nặng, kéo dài và hay đi kèm với nhiễm khuẩn huyết; có thể có các ổ di bệnh ở phổi, khớp, gan mật, tủy xương.
– Soi phân có hồng cầu và/hoặc bạch cầu (tiêu chảy xâm nhập)
– Cấy máu; cấy phân; cấy mủ hoặc dịch từ ổ di bệnh
– Nếu phân lập được vi khuẩn: điều trị theo kháng sinh đồ
– Trong trường hợp không phân lập được vi khuẩn gây bệnh, có thể cho điều trị theo kinh nghiệm bằng ciprofloxacin hoặc một thuốc quinolone mới khác. Theo dõi đáp ứng với điều trị (sốt, tình trạng phân)
Yhocvn.net
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…