Categories: Tin tức

Bệnh nhân bị tai biến chạy thận: ‘Tôi khó thở xin rút máy kịp nên thoát chết’

Là một trong 18 người bị tai biến khi chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình, bà Lê Thị Rấm, 65 tuổi, tỉnh dậy sau 12 giờ hôn mê và chia sẻ “không tin có thể sống”.

Bà Rấm bắt đầu chạy thận nhân tạo từ tháng 11/2015, mỗi tuần 3 lần đến viện lọc máu. Sáng 29/5, bà Rấm chạy ca đầu tiên lúc 7h. Chung buồng với bà Rấm còn có 4 bệnh nhân khác. Chạy thận được một lát thì bà bắt đầu thấy tức ngực, khó thở, buồn nôn, đau bụng âm ỉ, tay chân bị tê, rã rời.

“Lúc đấy, tôi vội nói với bác sĩ về cảm giác khó chịu của mình thì được bác sĩ rút máy, cấp cứu ngay nên mới sống sót”, bà Rấm nhớ lại. Bà nói rằng, sau khi báo với bác sĩ tình trạng của mình, bà bắt đầu nôn thốc tháo rồi bất tỉnh. 

Bà Rấm thấy mình thật may mắn vì đã sống sau ca tai biến. Ảnh: N.P.

Bà Vân, 54 tuổi, cũng gặp tình trạng như bà Rấm. Sau 12 tiếng rơi vào tình trạng hôn mê, bà Vân tỉnh dậy “vẫn không tin mình có thể sống”. Khi đó, bà mới chạy thận khoảng 45 phút thì bắt đầu cảm thấy ngứa tai, lưỡi, cổ họng rồi ngứa lan ra toàn thân. “Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tôi nôn thốc, nôn tháo, sau đó hôn mê”, người phụ nữ vẫn còn rất mệt mỏi sau tai biến nên chỉ có thể thều thào chia sẻ.

Còn ông Thiều, 44 tuổi, cũng nói một cách yếu ớt: “Tôi sống rồi, khỏe rồi”. Ông nhớ lại khi ấy mới chạy thận được khoảng một giờ thì bắt đầu thấy ngứa tay, buồn nôn, đi ngoài. Ông được các y bác sĩ tập trung cấp cứu sớm nên sức khỏe của ông ngày một khá hơn. Vợ ông Thiều chia sẻ: “Lúc đầu gia đình cũng rất sợ, nhưng nhận được sự chăm sóc nhiệt tình của bác sĩ, chồng tôi qua cơn nguy kịch nên cả nhà yên tâm hơn nhiều”. Ông Thiều đã chạy thận nhân tạo được 3 năm. 

Là một trong số 10 bệnh nhân được chuyển đi ngay trong đêm 29/5 về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Lan, 29 tuổi, cho biết hiện chị thấy bình thường. Trước đó, buổi sáng khi được chạy thận một lúc thì chị có cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài. “Lúc đó thực sự tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra. Bây giờ khi mọi chuyện đã qua, biết có 7 người đã chết, tôi thấy mình thực sự may mắn”, Lan nói. Cô gái đã chạy thận được 4 năm, mỗi tuần chạy định kỳ 3 lần.

Trong đêm 29/5, các chuyến xe cứu thương lần lượt hụ còi chạy đi rồi chạy về để đưa 12 bệnh nhân bị tai biến về Bệnh viện Bạch Mai chạy thận nhân tạo tiếp tục. Chỉ cách nơi xe cứu thương ra vào vài trăm mét là nhà xác bệnh viện. Nửa đêm, khu nhà xác vẫn sáng đèn. Bên trong các chuyên gia tiến hành khám nghiệm tử thi các bệnh nhân. Ngay ngoài cửa, lực lượng công an chăng dây bảo vệ không cho người không có nhiệm vụ ra vào. Đối diện đó, thân nhân các bệnh nhân hướng ánh mắt về phía nhà xác đợi nhận thi hài sau khi được giám định pháp y. Trong màn đêm yên tĩnh thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc khẽ, tiếng sụt sùi. Có nhiều người lặng lẽ.

Người nhà các bệnh nhân ngồi đợi trước cửa nhà xác lúc 12h đêm 29/5. Ảnh: N.P.

Mái tóc rối bời, người phụ nữ tầm hơn 50 tuổi ngồi dưới gốc cây mắt đã đỏ hoe khóc không thành tiếng, thi thoảng lại nấc lên vì thương con đang nằm trong nhà xác. Bà đã đợi gần như cả ngày mà chưa thể đưa con về. “Sáng nay, khi đi chạy thận con vẫn bình thường, còn nhắn tin bán hàng online, không ngờ giờ này đã mất”, người mẹ sụt sùi nói.

Sợ bà gục ngã, người cháu khuyên bà về nhà nghỉ ngơi: “Nửa tiếng nữa mới xong, cô về nhà đi, ngày mai còn nhiều việc, ngồi khóc lóc ở đây cũng không được việc gì. Về đi, rồi cháu đưa em về”. Người mẹ khóc nấc lên thành tiếng khi người cháu đỡ mình đứng dậy. Bước chân liêu xiêu, người phụ nữ rời đi nghiêng ngả.

Cách đó không xa, một cụ ông cũng đang ngóng người thân bùi ngùi chia sẻ: “Không chạy thận cũng chết mà chữa cũng chết, nói chung là cái số thì cũng phải đành chấp nhận. Nhưng thực sự đó là cái chết oan uổng, chết hết sức đột ngột mà không thể hiểu vì sao”. Ngồi mỏi chân, cụ ông lại đứng dậy thở dài.

Có mẹ không may tử vong trong ca tai biến, anh Thanh cũng không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi quá đột ngột của mẹ. “Sáng 29/5, mẹ tôi vẫn rất khỏe mạnh, đi lại bình thường”, anh Thanh đau buồn nói. Mẹ anh đã chạy thận được 7 năm tại bệnh viện, mỗi tuần đều chạy định kỳ 3 lần và chưa bao giờ có điều gì bất thường xảy ra. Lúc này gia đình anh chỉ mong muốn sớm đưa thi hài của mẹ về nhà làm đám tang.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xin lỗi bệnh nhân

Trong ca chạy thận đầu tiên sáng 29/5, 18 người đang chạy thận bỗng dưng có biểu hiện nghi sốc phản vệ. 7 người đã không thể qua khỏi, một nữ đang trong tình trạng nguy kịch, 10 người đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm. Bệnh viện đa khoa Hòa Bình phối hợp với cơ quan công an niêm phong máy móc, trang thiết bị và thuốc men tại Khoa Thận nhân tạo để điều tra. Hiện Khoa Thận nhân tạo đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Nguyên nhân gây tai biến đang được điều tra. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương gửi lời xin lỗi các bệnh nhân và gia đình. Bộ Y tế đánh giá đây là ca tai biến y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. 

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

10 hours ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

6 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago