Bé Tân bị bệnh tim bẩm sinh, từ khi còn trong bụng mẹ. Em chào đời với trái tim nằm trồi ra ở bụng, có thể sờ và nhìn thấy nhịp đập phập phồng. Dị tật hiếm gặp này ảnh hưởng rất nhiều chức năng của trái tim và sức khỏe tổng thể, khiến bé chậm lớn hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Đến nay đã được 16 tháng tuổi, toàn thân bé tím tái, khối phồng ở ngực và bụng ngày càng to.
|
Bé Tân được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: NH. |
Thông qua chương trình nhân đạo “Sát cánh cùng gia đình Việt”, Tân được hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết, bệnh nhi có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng, có nguy cơ bị tổn thương và tử vong bất cứ lúc nào. Đây là một ca bệnh hiếm, toàn thế giới chỉ ghi nhận 150 trường hợp.
Bác sĩ cho biết, bệnh của bé Tân thuộc dạng phức tạp, tim chỉ có một buồng tống máu, máu lên phổi không đủ, tình trạng khuyết xương ức và thành bụng khiến tim và các cơ quan trong bụng lộ ra ngoài nên việc điều trị rất phức tạp. Ê kíp hội chẩn bao gồm các chuyên gia thuộc nhiều khoa khác nhau như Phẫu thuật Tim mạch, Tạo hình thẩm mỹ, Nhi, Tiêu hóa và Gây mê hồi sức… quyết định chọn giải pháp tốt và an toàn nhất là phẫu thuật sửa chữa tổn thương chia thành hai đợt cách nhau 3 ngày để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhi.
Ngày đầu tiên, bé Tân được phẫu thuật lần một để sửa chữa tổn thương trong tim. Ba ngày sau mới phẫu thuật lần hai đưa tim vào lồng ngực, đặt các cơ quan khác vào bụng, đồng thời tái tạo thành ngực, thành bụng và tạo màng ngăn giữa 2 khoang ngực – bụng. Mỗi ca mổ kéo dài từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ. Trong quá trình phẫu thuật, phải tiến hành ngưng tuần hoàn máu để đưa tim ra ngoài và dùng máy tim phổi nhân tạo thay thế.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang cùng tham gia êkip mổ cho biết, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam phẫu thuật thành công ca bệnh hiếm với trái tim nằm ở ngoài lồng ngực. Sau mổ, bệnh nhi được chăm sóc tích cực tại khu Hồi sức Tim mạch. Đến nay sức khỏe của bé hồi phục rất tốt, cải thiện hầu như 100% về mặt thẩm mỹ, chức năng của tim phục hồi khoảng 80-90%, tinh thần bé đã ổn định và được xuất viện. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi quá trình hồi phục, dự kiến một thời gian sau sẽ tiến hành một số can thiệp khác giúp bệnh nhi phục hồi các chức năng như một đứa trẻ bình thường.
Bác sĩ Khang giải thích: Dị tật tim nằm ngoài lồng ngực có nguyên nhân từ sự khiếm khuyết bẩm sinh không có sự ngăn cách giữa ngực và phổi khiến tim “rơi” xuống bụng thay vì nằm trên ngực như bình thường. Bệnh không gây đau nhưng ảnh hưởng đến chức năng của tim, làm mất thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, khó hòa nhập. Tình trạng này còn làm thiếu máu bơm lên phổi nên trẻ không đủ sức khỏe để phát triển như bình thường. Nếu không được phẫu thuật sớm, bé sẽ ngày càng tím tái và suy dinh dưỡng.
Vì đây là bệnh hiếm nên y văn thế giới chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể. Các chuyên gia tim mạch khuyên nên phẫu thuật sớm trong trường hợp sức khỏe bệnh nhân ổn định, tim lộ ra ngoài nhưng vẫn được bao bọc bởi một lớp da, tim không bị chèn ép nhiều. Quá trình phẫu thuật sửa chữa khiếm khuyết sử dụng càng ít vật liệu nhân tạo càng tốt. Trong trường hợp của bé Tân, các bác sĩ dùng một màng nhân tạo để ngăn cách giữa khoang ngực và bụng. Sau đó dùng chính mô tự thân của bệnh nhi để tái tạo thành ngực và thành bụng.
Trái tim nằm ở bụng của bé gái 16 tháng tuổi
(Độc giả cân nhắc khi xem)
Thi Ngoan
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Nguồn: vnexpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…