Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ việc dư thừa đạm trong chế độ ăn của trẻ nhỏ có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì và đái tháo đường khi lớn lên. Nhu cầu đạm của trẻ khoảng 10-15% tổng năng lượng, khá khiêm tốn so với năng lượng trẻ cần cho một ngày từ tinh bột hay chất béo.
– Thưa bác sĩ, trẻ em độ tuổi ăn dặm nên được bổ sung chất đạm như thế nào, lượng bao nhiêu là đủ?
– Bé dưới 6 tháng tuổi cần khoảng 20-22 g đạm một ngày, 6-12 tháng tuổi cần từ 23-25 g, 1-2 tuổi cần 28-30 g.
Hàm lượng đạm trong 100 g thực phẩm theo từng loại như sau: thịt lợn, thịt bò, thịt gà nạc có 20-21 g đạm; cá, tôm (chỉ tính phần thịt) 16-18 g; trứng gà/vịt 13-14 g. Như vậy, một ngày bé 6-12 tháng tuổi cần khoảng 115-125 g thịt, bé từ 1-2 tuổi cần 140-150 g thịt.
Nhu cầu đạm của trẻ khoảng 10-15% tổng năng lượng. Ảnh: Foxnews
Tuy nhiên, trong sữa, các loại đậu đỗ, rau củ, phô mai và một số loại thức ăn khác cũng có hàm lượng đạm khá cao nên thực tế bé 6-12 tháng chỉ nên ăn 60-80 g/ngày, bé 1-2 tuổi ăn 100-120 g/ngày.
– Theo một số thông tin, đạm thực vật dễ hấp thu hơn. Vậy đạm từ động vật hay đạm thực vật tốt hơn đối với trẻ em?
– Đạm động vật có nguồn gốc từ các loại động vật (gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản). Chúng chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu, có giá trị sinh học cao nhất là đạm trong sữa và trứng. Còn đạm thực vật có nguồn gốc từ các loại cây trồng. Thực phẩm thực vật chứa nhiều đạm là các loại đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, đỗ trắng, vừng, lạc. Đạm thực vật có giá trị dinh dưỡng kém hơn đạm động vật do thiếu một số axit amin thiết yếu, hoặc các axit amin sắp xếp không cân đối.
Vì vậy, với trẻ em nên ăn nhiều đạm động vật hơn, còn người già mới nên ăn nhiều đạm thực vật. Đạm động vật có đủ các axit amin thiết yếu nhưng lại không ở dạng thuần nhất mà thường ở dạng liên hợp, trong quá trình chuyển hóa chúng có thể tạo ra các chất trung gian không tốt cho cơ thể người già.
– Một số bé không chịu ăn thịt cá, mẹ có thể bổ sung đạm cho bé như thế nào?
– Dưỡng chất này tồn tại trong rất nhiều thực phẩm khác như các loại đậu tương, đậu xanh, đậu đen, hạt dẻ, hạt điều và các sản phẩm từ sữa. Mẹ hãy đa dạng hóa bữa ăn của bé bằng các loại thực phẩm thay thế cho thịt.
– Mẹ có cần tránh cho con ăn những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá kiếm… không?
– Cá là món ăn bổ dưỡng với trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn bé ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé ăn những loại cá như cá thu (loại lớn), cá mập, cá kiếm… có hàm lượng thủy ngân khá cao. Thủy ngân sẽ gây tổn thương đến não bộ và hệ thần kinh còn non yếu của bé. Dù chưa có báo cáo chính thức về mức độ tổn thương mà thủy ngân gây ra nhưng các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên cho bé ăn những loại cá này.
Mẹ hãy đa dạng hóa bữa ăn của bé bằng các loại thực phẩm thay thế cho thịt khi bé chán thịt. Ảnh: Rtbf
– Trứng bổ dưỡng thế nào với con? Nên cho bé ăn bao nhiêu và chế biến như thế nào là hợp lý?
– Trứng rất giàu dinh dưỡng, có protein giá trị sinh học cao, giàu canxi, phốt pho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi. Vì vậy, đây là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn của bé. Tuy nhiên, lòng trắng trứng dễ gây dị ứng, bé dưới một tuổi không nên ăn.
Ngoài ra, trứng rất nhiều dinh dưỡng, nếu bé ăn quá nhiều sẽ bị đầy bụng, khó tiêu. Bé 6-7 tháng tuổi nên ăn một lòng đỏ/ bữa, tuần 2-3 lần. Bé 8 tháng tuổi đến 1 tuổi ăn 1 lòng đỏ/bữa, tuần 3-4 lần. Bé 1-2 tuổi ăn cả lòng trắng lòng đỏ/bữa, tuần 3-4 lần.Trên 2 tuổi, bé có thể ăn 1 quả/ngày nếu thích.
Mẹ không nên cho bé ăn trứng sống, đánh trứng sống vào trong cháo nóng, hoặc luộc, ốp trứng lòng đào, vì như vậy không tận dụng được dinh dưỡng trong trứng. Trứng sống còn dễ bị nhiễm khuẩn. Mẹ cũng không nên nấu, luộc quá kỹ làm chúng khó hấp thụ hơn và mùi vị kém ngon. Tỷ lệ hấp thụ và tiêu hóa dinh dưỡng trong trứng có khác nhau qua từng cách chế biến. Nếu ăn trứng sống, cơ thể chỉ hấp thu được 40%, trứng rán kỹ hấp thu 81%, trứng ốp 85%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng luộc chín tới 100%.
– Nếu con ăn quá nhiều đạm thì sẽ có chuyện gì xảy ra?
– Bé thiếu đạm dễ bị suy dinh dưỡng nhưng bé ăn quá nhiều đạm cũng không có lợi gì, khó tiêu hóa, bị táo bón, dẫn đến chán ăn. Trong quá trình tiêu hóa, chất đạm cũng sinh ra nhiều chất trung gian độc hại khiến gan và thận của bé phải làm việc quá tải, gây mệt mỏi cho cơ thể.
Ngoài ra, tỷ lệ cân đối giữa đạm với bột đường, chất béo, vitamin trong một bữa ăn rất quan trọng để đạm được hấp thu tốt nhất. Cha mẹ không nên quá ưu tiên đạm mà lơ là các nhóm dưỡng các khác.
Kiều Trang
Nguồn: Zing
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…