Bệnh nhân tưởng có u trên não nên không đi lại được, nôn nhiều, gặp được bác sỹ chuyên khoa ký sinh trùng mới biết bị sán lợn làm tổ trên não.
Sán lợn làm tổ dày đặc trên não
Cho phóng viên xem phim chụp não của một bệnh nhân bị nhiễm sán lợn, bác sỹ Trần Huy Thọ – Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư chỉ từng nang kén sán lợn làm tổ dày đặc trên não.
Bác sỹ Thọ nói: Đây là phim chụp của bệnh nhân P.T.H. Bệnh nhân đến khám có triệu chứng co giật, đau đầu, buồn nôn. Chúng tôi chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị ấu trùng sán.
Sau khi cho chụp phim, phát hiện rất nhiều nang sán ở trên não. Bệnh nhân ở vùng Bắc Ninh, có thói quen ăn nem thính làm từ thịt nạc sống.
Tại khoa khám bệnh, phóng viên đã gặp một bệnh nhân bị nhiễm sán lợn đang điều trị tại viện đã 2 năm nay. Đó là ông Nguyễn Hồng Châu – 59 tuổi ở Tiên Lãng (Hải Phòng).
Ông kể: Từ năm 2007, ông bị đau đầu nên phải đi viện khám. Chẩn đoán ban đầu ông bị rối loạn tiền đình. Nhưng càng ngày, ông càng đau đầu dữ dội.
Đến năm 2012, chân phải ông không đi được. Ông hay buồn nôn, ăn gì nôn đấy. Thậm chí, uống nước cũng nôn, người gầy sút cân. Bác sỹ nghi nghờ ông bị u não.
Sau ông đến khám tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư khám, bác sỹ phát hiện ông bị nhiễm sán lợn và được điều trị từ năm 2012 đến nay.
Bác sỹ Thọ – Người điều trị cho ông Châu – cho biết: Ông bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng làm tổ trong não đè vào dây thần kinh thăng bằng nên ông hay chóng mặt, đau đầu.
Ông Châu cho biết, ông có thói quen thích ăn tiết canh và nem chạo nên bác sỹ nói đây có thể là nguyên nhân khiến ông bị nhiễm sán lợn.
Sán lợn từ đâu làm tổ trong người?
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương – Phó khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư, ấu trùng sán lợn (hay còn gọi là bệnh lợn gạo/bệnh sán não/ bệnh nang sán do nang sán dây lợn Taenia solium) gây ra trên người.
Bệnh ấu trùng sán lợn là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi các mô nang ấu trùng của sán dây Taenia solium. Những nang ấu trùng nhiễm vào não, cơ, hoặc các mô khác, và là nguyên nhân chính của cơn động kinh.
Chu kỳ của bệnh ấu trùng sán lợn do sán dây lợn Taenia solium, bắt đầu là giai đoạn ấu trùng trong lợn. Nhiễm sán dây ở người xảy ra khi các nang T. solium được tiêu hóa vào trong cơ thể do nấu chưa chín thịt lợn.
Các ấu trùng dính vào ruột và trưởng thành sán. Rồi kế đến sán trưởng thành đẻ ra các đốt (đốt sán chứa nhiều trứng sán) ra theo phân và có thể nhiễm vào trong các thực phẩm từ thịt lợn hàng ngày.
Các trứng bị tiêu hóa bởi lợn phát triển thành giai đoạn ấu trùng, chu du khắp thành ruột, đi vào dòng máu, định vị tại nhiều mô khác nhau của lợn và phát triển thành các nang.
Khi người ăn (nuốt) phải trứng, qua con đường lan truyền phân miệng hoặc khả năng thông qua con đường tự nhiễm, người trở thành vật chủ cuối cùng của giai đoạn ấu trùng của ký sinh trùng này và phát triển thành bệnh ấu trùng sán lợn tương tự như ở lợn.
Ngoài ra, con đường lây lan có thể qua đường phân miệng thường xảy ra thông qua thức ăn nhiễm bẩn trên bàn tay người – họ không rửa tay trước khi ăn. Hoặc các loại trái cây hoặc rau quả được tưới bởi phân người nhiễm bệnh.
Quá trình tiêu hóa hoặc ăn phải các thịt lợn bị đóng kén nang ấu trùng sẽ không trực tiếp gây ra bệnh ấu trùng sán lợn. Thậm chí, ngay cả khi người đó không ăn thịt lợn mà ăn rau bị nhiễm trứng sán cũng có thể phát triển thành bệnh ấu trùng sán lợn.
BS Hương cho biết: Các vị trí của nang sán tại não và mắt hay gặp nhất và có thể gây tử vong. Nếu lượng nang sán hoặc gánh nặng nhiễm ấu trùng sán lợn nhiều trong mô thần kinh có thể gây nên các biểu hiện bệnh lý não với sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, thay đổi tri giác, động kinh.
Các nang sán cũng có thể xảy ra khi nằm trong khoang não thất hoặc vùng dưới nhện. Đôi khi chúng phát triển đủ lớn để hình thành nên các dấu chứng thần kinh, dấu màng não, não úng thủy, hoặc liệt các dây thần kinh sọ não – khiến cho thầy thuốc lâm sàng nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh khác.
Hiếm gặp hơn, các nang sán định vị trong cột tủy sống có thể gây ra triệu chứng đau rễ thần kinh hoặc dị cảm khó thể phân biệt với các bệnh lý tủy sống khác.
Ấu trùng sán lợn có thể được tìm thấy trong khoang dưới võng mạc hoặc thủy tinh thể và đe dọa đến tầm nhìn hay thị lực do quá trình viêm hoặc các nang phá hủy, thoái hóa hoặc có thể dẫn đến bong võng mạc.
Từ đó, BS Hương khuyến cáo: Không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn chưa được nấu chín. Cần vệ sinh tay chân trước khi anh để tránh ăn phải trứng sán lợn.
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…