Categories: Tin tức

9 lần mổ giành sinh mệnh bệnh nhân HIV tuyệt vọng tự thiêu

Không còn ánh mắt chán đời bất hợp tác, bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ rời viện với nụ cười tươi chào y bác sĩ đã 9 lần cầm dao mổ cứu mạng.

Người đàn ông 39 tuổi nhiễm HIV đã 15 năm. Anh tự thiêu bằng xăng trong một đêm nhiều quẫn bách, không muốn tiếp tục làm gánh nặng cho vợ con. Nam bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tình trạng khắp người cháy đen, bỏng toàn thân 44% độ sâu 2,3 kèm bỏng hô hấp. Các y bác sĩ bắt đầu cuộc chiến giành sinh mạng bệnh nhân, vốn quen thuộc như hàng trăm nghìn trường hợp khác. Thoáng chút ngập ngừng khi người vợ khai bệnh sử nhập viện: “Chồng em nhiễm HIV”.

Nhiều bệnh nhân bỏng nặng tiên lượng xấu nhưng không bao giờ bác sĩ Hiệp có ý nghĩ họ sẽ chết mà phải luôn trong tâm thế còn nước còn tát. Nếu bác sĩ đã có tư tưởng buông xuôi thì sẽ không còn đủ quyết tâm cứu được bệnh nhân. Ảnh: Lê Phương

Tay bỏng sâu gây hoại tử da, bệnh nhân cần được mổ rạch giải áp để cứu cánh tay. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Tạo hình tự xếp lịch mổ cho mình. Và rồi 8 lần mổ sau đó để cắt lọc hoại tử, ghép da cho bệnh nhân đặc biệt này, vị bác sĩ lãnh đạo khoa lại âm thầm nhận trọng trách cầm dao phẫu thuật. Gắn bó với ngành bỏng và tạo hình từ thuở mới ra trường, dù đã không ít lần mổ cho bệnh nhân HIV nhưng đây là trường hợp đầu tiên anh đảm trách toàn bộ nhờ “có quyền xếp lịch”.

“Là người đứng đầu khoa, không thể đẩy những rủi ro khó khăn cho đồng nghiệp. Hơn nữa mình nhiều kinh nghiệm, thao tác quen tay nên xác suất lây nhiễm có thể thấp hơn các bác sĩ đàn em, còn trẻ tuổi đời”, bác sĩ Hiệp lý giải nhẹ nhàng như cách anh giúp hàng nghìn bệnh nhân bỏng vượt lằn ranh sinh tử, giữ lại hình hài sau những tàn phá khủng khiếp.

Căn bệnh thế kỷ gây suy giảm hệ thống miễn dịch khiến sức đề kháng của bệnh nhân trở nên yếu ớt. Dù được hỗ trợ kháng sinh, dinh dưỡng tích cực nhưng có những giai đoạn bệnh nhân suy kiệt nặng nề, nguy kịch, biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Những lúc này, đường mổ tài hoa của bác sĩ phải song hành cùng việc nâng đỡ tổng trạng, tâm lý người bệnh. Bệnh nhân không hợp tác trong khi người vợ luôn bên cạnh động viên, một mình cáng đáng việc chăm chồng nằm một chỗ khiến đội ngũ điều trị càng thêm quyết tâm.

Về mặt y khoa, tất cả ca phẫu thuật bệnh nhân nhiễm HIV đòi hỏi nhân viên y tế có sự trang phòng bị cần thiết. Bác sĩ ngoại khoa đều không tránh khỏi nguy cơ, riêng mổ bỏng phải tiến hành trên diện tiếp xúc rộng, vết thương hoại tử, dịch tiết nhiều, toàn bộ là môi trường lây nhiễm chứ không khu trú nên đối diện rủi ro nhiều hơn. Chính điều này cũng là dịp để bác sĩ Hiệp hiểu rõ hơn tài năng, tấm lòng, sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa.

Mỗi lần bệnh nhân lên bàn phẫu thuật, vị bác sĩ đầu tàu lại phân công một bác sĩ phụ mổ khác nhau. Cách thao tác, đối xử với bệnh nhân trong trường hợp này thể hiện rõ tay nghề, sự tận tụy, vững vàng tâm lý của phẫu thuật viên. Chỉ một phút bất cẩn, thao tác lúng túng có thể gây nguy hiểm cho chính bác sĩ lẫn bệnh nhân. 

“Bệnh nhân bỏng rộng cả thân sau, 2 chân nên khi cắt lọc hoại tử, lấy da hay ghép da phía sau rất khó khăn, nhiều khi phải làm việc mà phía trên là phần cơ thể của bệnh nhân nhiều dịch tiết có thể rơi xuống mình bất cứ lúc nào”, bác sĩ Hiệp chia sẻ. Do bệnh nhân suy mòn, xương nhô ra nhiều nơi nên việc mổ lấy da cũng rất kho khăn, phải có dụng cụ phù hợp cũng như kiên nhẫn, chịu khó đến cùng.

Gia đình bệnh nhân từ Giao Thủy, Nam Định từng điều trị tại khoa Bỏng viết thư tay cảm ơn bác sĩ Hiệp và các y bác sĩ nhân dịp 27/2 năm nay.

Sự dốc sức đêm ngày của các y bác sĩ cùng sự sát cánh ròng rã của người vợ thương chồng “không giới hạn” suốt 2 tháng điều trị đã dần giúp bệnh nhân vượt ải tử thần. Hiện bệnh nhân ăn uống tốt, vết thương khô ráo, đi lại được và đang trên đà tăng gần 10 kg sau xuất viện. Mắt trái bị bỏng sâu, mắt phải nhìn mờ nên anh vẫn phụ thuộc phần lớn vào người vợ tần tảo.

“Nhìn các cô điều dưỡng luân phiên nhau tắm bỏng, chăm sóc thay băng trên vết thương đầy máu mủ suốt mấy tháng trời mà không có sự e dè hay phân biệt đối xử, tôi là vợ càng phải chăm chồng chu đáo hơn”, người vợ chia sẻ.

Nam bệnh nhân cho biết dù thân mang bệnh kỳ thị nhưng những ngày nằm trong viện, chứng kiến các y bác sĩ tận tình cứu sống, vợ chạy vạy ngược xuôi vừa kiếm tiền vừa chăm nuôi, anh hiểu rằng dù mình từng lầm lỗi ra sao thì vẫn luôn được yêu thương. “Sinh mạng của tôi là do mọi người đã vất vả giữ gìn, tôi càng phải sống cho xứng đáng”, bệnh nhân nói. 

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Vì sao tỷ lệ gan nhiễm mỡ tập trung cao nhất ở tuổi trung niên

Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…

6 hours ago

Cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…

2 days ago

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

5 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

5 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

1 week ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

1 week ago