Những chiêu trò ‘xưa như trái đất’ nhưng vẫn khiến nhiều người mắc bẫy đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi. Có nạn nhân mất cả tỷ đồng chỉ sau một cú điện thoại.
Thời gian gần đây, các chiêu trò này bắt đầu bùng phát trở lại. Dưới đây là 5 chiêu trò lừa đảo qua điện thoại bạn nhất định phải đọc, đừng quên chia sẻ lại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ, người lớn tuổi.
1. Thông báo nợ cước điện thoại
‘Không trả nợ sẽ phải đi tù”. Ảnh minh họa
Kẻ lừa đảo dạng này thường dùng hộp thư thoại hoặc gọi trực tiếp đến số cố định để nhắc nợ cước với số tiền lớn, yêu cầu phải thanh toán ngay nếu không sẽ tạm cắt dịch vụ, khởi kiện ra tòa.
Tinh vi hơn, chúng còn dùng đầu số bán hàng 18001166 của VNPT để dễ chiếm được lòng tin của khách hàng.
Đại diện VNPT cảnh báo số 18001166 của VNPT là tổng đài bán hàng qua điện thoại, chỉ tiếp nhận các cuộc gọi đến không bao giờ phát sinh các cuộc gọi đi. Vì vậy, tất cả các cuộc gọi đến điện thoại cố định nhắc nợ cước hiển thị số 18001166 đều là giả mạo.
Hãy báo ngay cho cơ quan công an khi có nghi ngờ. Không nên tự mình xử lý vì dễ sập bẫy lừa đảo của tội phạm.
2. Công an thông báo liên quan đến rửa tiền
Những kẻ lừa đảo thường gọi điện thoại xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền lớn, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Nếu không sẽ bị phạt tù.
Tinh vi hơn, chúng không cần xưng danh mà cho số điện thoại bảo nạn nhân gọi hỏi trực tiếp tổng đài 1080 để biết chúng là ai.
Thực ra cả trường hợp này và thông báo nợ cước điện thoại, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng.
Tin lời, sợ phải đi tù, không ít người dân “nhẹ dạ”, thiếu hiểu biết đã sập bẫy.
Trường hợp này, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy ngay lập tức vì đây là thông tin lừa đảo.
“Thứ nhất các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại. Thứ hai, công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc. Thứ ba, công an không không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.”, Trung tá Lê Minh Lê, đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3 khẳng định.
3. Người thân bị hại
Ảnh minh họa.
Những đối tượng này thường gọi điện đêm hôm thông báo người thân (vợ chồng, con cái…) bị nạn, yêu cầu người nhà tới gấp. Địa điểm thông báo thường là khu vực hẻo lánh, vắng người. Chúng sẽ mai phục sẵn để cướp tài sản.
Nếu gặp trường hợp này, đầu tiên hãy gọi điện thoại ngay cho người thân và những người quen của người thân đó. Trong trường hợp quá lo lắng cho người thân mà không gọi điện được cho họ, hãy rủ thêm vài người nữa cùng. Tuyệt đối không được cập nhật tình hình mình đi đến đâu rồi cho bất kì ai.
4. Lừa trúng thưởng qua điện thoại
Ảnh minh họa.
Một ngày đẹp trời bạn bỗng dưng được thông báo qua tin nhắn Facebook, điện thoại về việc trúng thưởng xe máy SH, điện thoại iPhone, tiền mặt hàng trăm triệu đồng dù chẳng bao giờ tham gia chương trình quay số trúng thưởng nào…Bạn chỉ phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng. Yên tâm, bạn bị lừa rồi đấy!
Hãy tham khảo thông tin kỹ, từ nhiều nguồn (Internet, bạn bè, hỏi kĩ địa chỉ cơ quan trao thưởng, địa chỉ trao…). Bạn có thể nhờ người quen sống gần địa chỉ trên qua xác nhận xem công ty đó tồn tại hay không, thông tin khách hàng trúng thưởng có tên mình không,… Thậm chí, chỉ vài thao tác đơn giản: gõ số điện thoại, địa chỉ này lên, sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin cảnh báo lừa đảo trước đó. Tuyệt đối không tiến hành giao nộp tiền cho đối tượng thông qua các hình thức nạp thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
5. Tặng quà bị hải quan giữ
Nhóm người nước ngoài lừa đảo bị bắt tại TPHCM. Ảnh: Quốc Thắng.
Nhiều nạn nhân sập bẫy vì chiêu trò cũ rích này. Chúng thường xưng danh là người nước ngoài, đang định cư ở nước Anh, Mỹ tìm rồi làm quen, tán tỉnh nhiều phụ nữ.
Sau một thời gian “yêu đương”, chúng sẽ hào phóng đề nghị gửi tặng một thùng hàng trị giá hàng trăm triệu đồng (bao gồm giày dép, túi xách, trang sức, điện thoại, iPad, USD…).
Tiếp đó là một người Việt giả danh là nhân viên chuyển phát của bưu điện trực tiếp gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí vào tài khoản ngân hàng để nhận hàng.
Cuối cùng là màn yêu cầu đóng tiền phạt để nhận hàng với đủ lý do: thùng hàng có tiền bị hải quan giữ…. Tin tưởng, các nạn nhân tiếp tục nộp tiền để hy vọng lấy được hàng, ai dè sập bẫy: tiền mất, tình tan.
Ngày 31/7/2017, anh N.T.L (24 tuổi, Hậu Giang) nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ yêu cầu anh thanh toán cước phí hơn 18 triệu đồng để nhận 01 thùng hàng từ Graham Bond (sống tại London, anh L quen qua mạng xã hội).
Anh L đã đến ngân hàng BIDV trên địa bàn quận 3 gửi tiền nhưng sau đó không nhận được hàng nên đến CAP8Q3 trình báo. Qua truy xét, CAQ3 xác định Nguyễn Tuấn Anh (19 tuổi, P6Q11) là người mở tài khoản tại ngân hàng BIDV cung cấp cho số đối tượng người nước ngoài.
Ngày 15/9/2017, CAQ3 đã bắt được Graham Bond tên thật là Okwudilichukwu Chinedu Timothy (27 tuổi, QT: Nigeria, P. Tân Hưng Thuận Q12). Qua đấu tranh, Timothy đã khai nhận cùng đồng bọn người Nigeria móc nối với đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc lên mạng facebook kết bạn làm quen dụ dỗ về tình cảm và gửi quà để lừa đảo.
Timothy thừa nhận đã cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 94.000 USD và trên 01 tỷ đồng của các nạn nhân ở Việt Nam.
Video: Chiêu trò lừa đảo mới, quên thẻ ATM khi rút tiền!
Theo PLO
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…