Có những thứ được bán với giá rất đắt vì chúng khá hữu dụng trong cuộc sống, nhưng cũng có những thứ giá cao vì tính độc, lạ… và khan hiếm của nó.
12. Nấm truffle: 5 USD/gram, 2000 USD/pound (453,5 gram)
Nấm truffle (nấm cục) vốn nổi tiếng là loại nấm ăn hiếm hoi và đắt đỏ nhất trên thế giới. Thậm chí, loại nấm này còn được coi là “kim cương” của mọi loại thực phẩm, không chỉ bởi chất lượng tuyệt hảo mà còn bởi giá tiền cao ngất ngưởng (khoảng 4.300 USD/kg).
Loại nấm truffle mọc dại vẫn chiếm đa số tại châu Âu. Nấm truffle có hai loại là nấm trắng và nấm đen.
Trong sách kỷ lục Guinness thì nấm truffle lớn nhất được tìm thấy từ trước tới giờ là một cục nấm trắng; nấm trắng cũng đắt hơn đen. Nấm truffle trắng có vị ngọt và mùi thơm kì lạ. Chính vì sự đặc biệt đó mà nấm truffle trắng và những món ăn có thành phần này luôn là món ăn siêu đắt đỏ.
11. Trứng cá muối Almas: 33 USD/gram (742.000 VND/gram)
Là loại tốt nhất với tiêu chuẩn vàng, trứng cá muối Almas được lấy từ những con cá tầm Beluga – loài cá cổ đại có từ thời khủng long. Mức giá đắt đỏ của món ăn nói trên có được, một phần vì cá tầm Beluga thường mất tới 20 năm để trưởng thành và sản sinh trứng.
Trứng cá muối Almas được làm tại Iran và chỉ bán ở một cửa hàng duy nhất tại London – The Caviar House & Punier. Để mua loại trứng cá muối này, bạn phải đặt hàng và chờ trong 4 năm.
10. Vàng: 56 USD/gram (1,18 triệu VND/gram)
Hơi ngạc nhiên khi kim loại quý như vàng chỉ xếp gần cuối trong bảng danh sách này. Vàng nguyên chất rất mềm nên người ta thường pha trộn với bạc, đồng, bạch kim hay palladium để tăng độ bền cho vàng.
Hợp kim của vàng thường được dùng làm đồ trang sức, trang trí, tiền xu và chất hàn răng. Ngoài ra, vàng còn một đặc tính nữa là dẫn nhiệt, dẫn điện khá tốt và không bị xỉn màu khi tiếp xúc với không khí nên còn được dùng làm chất bán dẫn và nối các bo mạch điện tử với nhau.
9. Rhodium: 58 USD/gram (1,23 triệu VND/gram)
William Hyde Wollaston, một nhà hóa học người Anh (cũng là người phát hiện ra chất palladium) đã tìm ra Rhodium trong một quặng bạch kim (platinum). Rhodium là kim loại chuyển tiếp cứng và bền màu trắng bạc khá hiếm. Do việc khó xác định trong quá trình khai khác và khả năng chế biến được một lượng lớn quặng niken, kim loại này có giá thành rất cao.
Ứng dụng chủ yếu của Rhodi là làm chất xúc tác tạo hợp kim dùng trong các trục cuốn và ống lót của lò luyện để sản xuất sợi thủy tinh, các thành phần của cặp nhiệt điện và nồi nấu trong phòng thí nghiệm.
8. Bạch kim: 60 USD/gram (1,27 triệu VND/gram)
Bạch kim thật sự là một chất đặc biệt, nó có giá trị trong cả ngành công nghiệp, trang trí và cả với ngành y tế, môi trường… Hơn 20% mặt hàng tiêu dùng hoặc được sản xuất từ bạch kim hay chứa bạch kim. Ngoài ra, bạch kim còn được dùng làm đồ trang sức, xúc tác trong các thiết bị điện tử và phối hợp với các chất khác trong một số dược phẩm chống ưng thư…
7. Plutonium: 4000 USD/gram (84,7 triệu VND/gram)
Plutonium là một nguyên tố phóng xạ nổi tiếng với vai trò tạo ra năng lượng hạt nhân thông qua phản ứng nhiệt hạch – cả trong thời bình (các nhà máy điện hạt nhân) và trong chiến tranh (bom hạt nhân). Plutonium rất độc hại và dễ cháy nhưng số lượng trong tự nhiên khá ít nên dẫn tới việc giá thành của chất này rất cao và được các quốc gia đưa vào danh sách những chất được bảo quản và sử dụng theo những chế độ hết sức nghiêm ngặt.
6. Taaffeite: 20.000 USD/gram (423,5 triệu VND/gram)
Được phát hiện năm 1945, Taaffeite thu hút những người “sành” đá quý bởi màu tím huyền bí và sang trọng của nó. Taaffeite được cho là loại đá quý khan hiếm hơn kim cương một triệu lần.
Nếu gộp toàn bộ lượng đá Taaffeite quý hiếm mà con người phát hiện từ trước tới nay, chúng chỉ vừa đầy một chiếc cốc nhỏ. Đây chính là lí do đó khiến cho giá thành của một viên đá quý Taaffeite cũng rất cao.
5. Tritium: 30.000 USD/gram (635,2 triệu VND/gram)
Tritium trong tự nhiên cực kì hiếm trên Trái đất, chỉ được tạo thành ở dạng vết khi các bức xạ vũ trụ tương tác với khí quyển.
Là một đồng vị phóng xạ của hydro, Tritium được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng như chiếu sáng khẩn cấp của đồng hồ đeo tay sử dụng vào ban đêm hay dành cho thợ lặn; dấu hiệu “thoát hiểm” tự phát sáng đặt trong nhà hát, trường học và các tòa nhà văn phòng.
4. Kim cương: 55.000 USD/gram (1,16 tỉ VND/gram)
Đều cấu tạo từ nguyên tố carbon nhưng kim cương với cấu trúc tinh thể lập phương bền vững và long lanh hơn rất nhiều so với than chì. Kim cương có độ cứng cực cao và dẫn nhiệt cũng khá tốt, trong công nghiệp người ta dùng kim cương để làm các loại dao cắt và đánh bóng các loại kim loại.
Đặc biệt, kim cương là một trang sức vương giả và đã được con người khai thác từ rất lâu trong tự nhiên. Ngày nay, con người đã có thể tạo ra kim cương nhân tạo nhưng tất nhiên giá trị không bằng kim cương được hình thành từ tự nhiên.
3. Painit: 300.000 USD/gram (6,36 tỉ VND/gram)
Painit được phát hiện và đặt tên bởi Arthur C.D. Pain vào năm 1950. Trong vài thập kỉ sau đó cũng chỉ có 2 tinh thể mới được phát hiện. Đây được coi là một khoáng chất rất cứng và cực kì hiếm.
Năm 2005, Sách kỉ lục Guiness thế giới đã công nhận Painite là loại khoáng sản quý hiếm nhất, chỉ có khoảng 25 mẫu khoáng vật này được tìm thấy trên toàn thế giới. Bởi sự khan hiếm đó mà Painit có giá thành “cao ngút”.
2. Californium 252: 27 triệu USD/gram (571,2 tỉ VND/gram)
Californium-252 là đồng vị phóng xạ hiếm được sử dụng trong việc chụp X quang, làm nguồn kích hoạt lò phản ứng và sử dụng trong việc điều trị ung thư và một số ngành khoa học khác. Tuy nhiên, cũng lưu ý thêm rằng Californium 252 rất độc nếu tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người và bản thân chất này có thể gây ung thư đối với người nếu chúng ta sử dụng không đúng cách.
1. Phản vật chất: 6,25 nghìn tỉ USD/gram
Phản vật chất (antimatter) tồn tại dưới dạng các hạt, có khối lượng giống như các hạt bình thường nhưng khác nhau về tính chất. Khi các hạt thông thường và hạt phản vật chất gặp nhau chúng sẽ tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn tồn tại dưới dạng các photon năng lượng cao (tia gamma), neutrino…
Lí do phản vật chất đắt tiền vì quá trình sản xuất phản hạt rất khó khăn và tốn kém. Trung tâm phản hạt lớn nhất thế giới – phòng thí nghiệm Fermi ở Illinois (Mỹ) chỉ sản xuất được một phần tỉ gram phản hạt mỗi năm, với giá 100 triệu USD (tương đương 2.100 tỉ VND). Có nghĩa là, người ta cần một triệu năm và 100 nghìn tỉ USD để sản xuất ra một gram phản hạt.
Chỉ 1 gram phản vật chất có thể thay thế cho toàn bộ nhiên liệu dùng cho tàu con thoi. Năng lượng từ một phản ứng phản hạt gấp 10 tỉ lần một phản ứng cháy hóa học, có thể rút ngắn thời gian khứ hồi giữa sao Hỏa và Trái Đất từ 2 năm xuống còn vài tuần.
Đúng là toàn những thứ hiếm có khó tìm phải không bạn.
Theo thethaovanhoa
Nguồn: ĐKN
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…