Đa phần người bị bỏng bô là phụ nữ, trẻ em, vì khi đi trên đường, có va chạm xảy ra, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị bỏng bô xe do hiếu động.
Ngày 11/9, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng vùng cổ bàn chân trái bị hoại tử một mảng lớn.
Bệnh nhân là ông N. (SN 1962) bị bỏng vì bô xe máy, vết thương không khỏi trước khi nhập viện 2 tuần. Trước đó vài ngày, thấy vết thương mưng mủ, ông lấy sáp nến nóng nhỏ vào với hy vọng tống mủ ra, nhưng tình trạng lại nghiêm trọng thêm, phải vào bệnh viện.
Các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm và mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay, bởi theo đánh giá, vết thương đã bị nhiễm khuẩn nặng, hoại tử một vùng lớn, và nếu việc cắt lọc chậm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau mổ, bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp tục bằng kháng sinh mạnh để chống nhiễm khuẩn.
Khi bị bỏng, cần nhanh chóng dội nước lạnh sạch bên vùng bị bỏng càng sớm càng tốt.
PGS. Lê Năm – Viện Bỏng Quốc gia – cho biết thông thường vết bỏng bô xe thường là bỏng sâu, vì độ nóng của bô xe rất cao. Nhiều người không biết, tự điều trị nên mãi không khỏi. Ngoài ra, việc dùng những cách chăm sóc thiếu khoa học như dùng sáp nến nóng nhỏ trực tiếp lên vết thương chỉ làm tình trạng bỏng nặng thêm, và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Khi bị bỏng bởi ống bô xe máy, cần phải sơ cứu ngay giống như các trường hợp bị bỏng do nhiệt khác. Cần nhanh chóng dội nước lạnh sạch lên vùng bị bỏng hoặc ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh sạch càng sớm càng tốt. Để khoảng 15-20 phút, sau đó băng ép nhẹ vùng bị bỏng bằng gạc vô khuẩn.
Về cơ bản, nếu biết hạ nhiệt cho vết thương thành công thì không cần dùng thêm loại thuốc gì khác, để vết thương tự lành. Tuy nhiên, trong khâu hạ nhiệt cho vết thương cần phải chú ý chỉ nên ngâm nước lạnh 15-20 phút, vừa giúp vết bỏng hạ nhiệt, vừa giảm đau, giảm phù nề.
Ngâm nước hoặc chườm đá quá lâu sẽ làm vùng da bị hoại tử, khiến vết thương sâu hơn.
Khi bị bỏng ống bô xe máy, thời gian lành vết thương khá lâu, khiến cuộc sống của người gặp tai nạn ảnh hưởng khá nhiều. Nhiệt độ của ống bô rất cao nên thời gian điều trị thường kéo dài, thậm chí 3-4 tuần. Sau đó phải cố gắng điều trị dứt điểm không để bị nhiễm khuẩn.
Chính vì vậy, PGS. Lê Năm khuyến cáo khi bị bỏng ống bô xe không nên tự điều trị bằng các thuốc tự có, hay bằng các kinh nghiệm dân gian như đổ nước mắm, bôi kem đánh răng… mà cần phải được bác sĩ xác định tổn thương bỏng nông hay sâu, để có phương pháp điều trị thích hợp.
Cho dù diện tích bỏng hẹp, ít ảnh hưởng đến tính mạng, nếu điều trị không tốt có thể làm quá trình liền vết thương chậm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và để lại di chứng đặc biệt về thẩm mỹ.
Theo Khánh Mai / Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…