Một năm nay, nhờ sự vận động và hỗ trợ của cán bộ phụ nữ địa phương, chị Huề đã xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. “Lúc trước đi vệ sinh đêm hôm mưa gió rất bất tiện, nhiều khi trượt cầu tõm gãy chân. Xây nhà vệ sinh vừa tiện lợi sạch sẽ, sức khỏe cải thiện hơn”, người phụ nữ 52 tuổi cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho biết trong 2 năm qua chương trình nhà vệ sinh sạch khuẩn đã giúp 1.200 hộ gia đình nông thôn chấm dứt việc đi tiêu không hợp vệ sinh, nâng cao sức khỏe, môi trường.
|
Xây nhà vệ sinh mới xây thay cầu tõm của gia đình chị Huề. Ảnh: Lê Phương. |
Phát biểu tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới tổ chức tại Bến Tre, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 32% bệnh tiêu chảy, cứu sống hơn 200 nghìn trẻ em trên thế giới. Các nước có tỷ lệ đi tiêu bừa bãi cao có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị chết và suy dinh dưỡng cao, có tỷ lệ đói nghèo lớn. Hiện chỉ có khoảng 4,5 tỷ người trên thế giới sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vẫn còn có 2,5 tỷ người hầu hết ở khu vực nông thôn chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản, trong đó có khoảng một tỷ người vẫn còn có hành đi tiêu bừa bãi.
Theo bà Hương, ở nước ta một số bệnh dịch nguy hiểm lây truyền theo đường phân miệng vẫn chưa được khống chế một cách triệt để, có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào như tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán đặc biệt là bệnh tay chân miệng gần đây. Người dân mắc phải các bệnh dịch trên là do nhiễm phải mầm bệnh có trong phân của người khác đã phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh. Vệ sinh môi trường kém làm tăng chi phí cho khám chữa bệnh, ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ con em vì nó là một nguyên nhân chính làm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%. Để giải quyết tận gốc vấn đề này phải làm tốt việc quản lý và xử lý phân người mà cụ thể là vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi.
Tại Việt Nam theo báo cáo của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015 thì đến nay mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Vẫn còn khoảng 16 triệu người vẫn đang hoặc phóng uế bừa bãi hoặc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập của vấn đề vệ sinh hiện nay là do nhận thức của người dân về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa đồng đều giữa các vùng miền, việc thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân của người dân còn thấp. Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền đến công tác vệ sinh vẫn chưa được đáp ứng được yêu cầu.
|
Hàng nghìn học sinh nông thôn đã được sử dụng nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn tại trường học. Ảnh: Lê Phương. |
Từ năm 2008, chương trình Nhà vệ sinh sạch khuẩn đã xây dựng hơn 800 nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn tại hơn 100 trường tiểu học; thực hiện giáo dục chuyên đề vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường tại 1.000 trường tiểu học trong cả nước. Hơn một triệu người được tuyên truyền thay đổi hành vi về việc xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh hợp chuẩn. Chương trình phòng chống dịch bệnh giúp 1,8 triệu lượt người được tuyên truyền giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh tại 40 tỉnh thành.
Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2018 khoảng 10 triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nhà vệ sinh hợp chuẩn. Chính phủ cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và đầu năm 2030 thì 100% các hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…