Categories: Sức khoẻ

Vì sao người Việt Nam suy dinh dưỡng? (Phần 2)

Tại sao người Việt Nam suy dinh dưỡng? Mỗi cá nhân trong hơn 90 triệu người Việt Nam đều có thể đặt ra câu hỏi này, trong đó bao gồm cả những người lãnh đạo định hướng chiến lược cho đất nước.

Hiển nhiên, sức khỏe của mỗi người phụ thuộc vào chất lượng môi trường sống bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng vật chất và tinh thần mà cá nhân đó tiếp nhận. Ở đây, chúng ta cùng phân tích một vài vấn đề có thể liên quan.

Đọc phần 1 tại đây

Môi trường sống tại Việt nam: Ô nhiễm toàn tập!

Cho dù không được cắp sách đến trường thì ai cũng từng lâng lâng nghe câu: Nước Việt Nam có rừng vàng biển bạc, người Việt Nam cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo và giàu lòng thương người. Điều đó phải chăng đã đi vào dĩ vãng? Ngày nay, khi bạn tỉnh táo nhìn lại một cách khách quan toàn cảnh bức tranh Việt Nam, bạn sẽ thấy chúng ta (Thân và Tâm) đang sống trong một môi trường với đất, nước, không khí bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, gánh nợ cõng trên lưng mỗi người ngày càng nặng, nông sản thực phẩm bị ô nhiễm v.v…

Cam chịu không hẳn là vì rộng lượng bao dung, mà có thể xuất phát từ sợ hãi, bất lực, và thiếu hiểu biết về tính nghiêm trọng của vấn đề.

Khóc những dòng sông…

Theo sổ tay tra cứu sông kênh (1), Việt Nam có mạng lưới sông kênh vô cùng phong phú và đầy tiềm năng, với tổng chiều dài hơn 41.900 km bao gồm 2.360 sông, kênh, 3.260km bờ biển, trên 100 cửa sông, nhiều hồ, đầm, phá, vịnh…. Số con sông hoặc kênh, ao hồ được đào vét để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, sinh hoạt dân cư thì không thể tính hết được. Không cần tranh luận nhiều bạn cũng hiểu được ý nghĩa của sông nước trong cuộc sống của con người. Ở đâu có nước (sạch), ở đó có thể sản xuất thực phẩm, tạo ra sự sống. Cơ thể của con người cũng có đến hơn 70% là từ nước rồi.

Tiếc thay, khi đi từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, bạn sẽ giật mình thảng thốt: Ở đâu có người, ở đó bị ô nhiễm. Sông biển kênh rạch được dùng làm nơi xả thải. Đặc biệt trong các thành phố đông dân cư, trong khu có sản xuất công nghiệp hoặc có làng nghề, nhiều con kênh xanh xanh mùa hè êm ái trở thành con kênh đen bốc mùi hôi thối. Rác và đủ loại. Nhẹ thì lông gà lông vịt, heo chết, bèo tây, cây cỏ rác hữu cơ dễ phân hủy. Nặng thì là túi nilon, chai nhựa, xốp, dầu nhớt rửa xe, hóa chất công nông nghiệp, chất tẩy rửa… Có loại không thể bị phân hủy hết sau thời gian từ vài chục đến vài trăm năm, thậm chí cả 1.000 năm.

Mặc dù bốc mùi hôi thối nhưng nhiều con sông ngày ngày vẫn tiếp tục bị rác chèn ép cho hẹp lại, hoặc tắc nghẽn giữa chừng. Các sông và kênh ngập rác gây ô nhiễm không khí khu vực xung quanh đó. Chăn nuôi và trồng trọt gắn liền với nước, nước mang theo chất bẩn độc hại, khiến chất độc hại ấy ngấm vào rau, củ, quả, tôm, cá, heo, gà v.v… Chất thải ngấm vào đất, đi vào nước ngầm dẫn đến ô nhiễm cả nước sinh hoạt của con người. Các kỹ thuật xử lý thông thường không thể loại bỏ hết các chất ô nhiễm hóa học. Nếu nước nhiễm vi sinh vật và chất hữu cơ nhiều thì cần tăng cường xử lý hóa chất, lại phát sinh vấn đề dư lượng hóa chất. Nếu nhiễm kim loại nặng thì hết thuốc chữa. Thiên nhiên có thể hóa giải tất cả những sai lệch đó nhưng chỉ khi nước chưa bị ô nhiễm quá nặng và thời gian chữa trị kéo dài.

Con số thống kê chóng mặt: 37 làng ung thư!

Khi nguồn nước ô nhiễm, cũng là lúc các loại dịch bệnh bắt đầu hình thành: từ bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, cho tới các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư… Theo điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước, Việt nam có đến 37 làng ung thư (2). Nguồn nước tại các vùng điều tra bị ô nhiễm bởi: thuốc trừ sâu tại các kho chứa thuốc, chất độc chiến tranh, các nghĩa địa, làng nghề, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, công trình khai thác nước gần với các tầng chứa nước nhiễm bẩn… Kết quả phân tích các mẫu nước đang sử dụng cho ăn uống sinh hoạt tại các “làng ung thư” cho thấy, hầu hết đều nhiễm bẩn vi sinh, một số mẫu có hàm lượng phenol, arsen hoặc mangan vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Tình trạng lấn chiếm mặt nước để làm mặt bằng sinh sống, sản xuất cũng xảy ra ở khắp nơi. Cá nhân thì lấn chiếm bất hợp pháp. Ai mạnh hơn thì lập dự án và biến đất thành tài sản tư nhân một cách hợp pháp. Ao hồ bị lấp lấy chỗ xây nhà, trồng rau, chăn nuôi. Các khu vực trũng trước kia vốn là nơi lưu chứa nước nay cũng đã bị san lấp để chia lô, xây biệt thự. Các dự án bê tông hóa mang bê tông phủ đê điều, lót ao nuôi thủy sản, phủ đường, phủ sân, làm hàng rào, làm kênh mương dẫn nước… ngăn cản nước tham gia vào hệ sinh thái tự nhiên cây – đất – nước. Hệ sinh thái tự nhiên vốn được đất cân bằng và hóa giải nay bị bức tử, ảnh hưởng đến môi sinh của vô vàn sinh vật khác.. Ô nhiễm nước không phải tình trạng riêng của nước nào trên thế giới, nhưng tốc độ và cường độ ô nhiễm thì Việt Nam vẫn thuộc tốp đầu.

Hãy nín thở!

Khoan hãy liên tưởng đến các phương pháp dưỡng sinh như yoga, thiền, khí công chữa bệnh khỏe người hay một phương pháp luyện thở nào đó. Mà hãy thở ít ít thôi vì không khí đã quá ô nhiễm!

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí là một trong những vấn đề gây nhức nhối hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á, và nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe (3). Với khoảng 37 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô, giao thông dày đặc là nguyên nhân quan trọng gây ra việc này. Tình trạng kẹt xe hàng ngày ở các đô thị lớn làm không khí càng trở nên đậm đặc. Thêm vào đó nhiều khu công nghiệp nằm gần trung tâm thành phố cũng tham gia gây ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn và xung quanh trục giao thông có thể vượt 2-3 lần ngưỡng cho phép. Cùng với các công trình xây dựng và liên tục thi công đào bới cầu đường, tất cả làm cho các thành phố chìm trong khói bụi mờ ảo, đặc biệt ở những nơi như Hà Nội và TP HCM. Một ví dụ để bạn liên tưởng thế này. Nếu ở Pháp hoặc ở Singapore, bạn chỉ cần một đến hai bộ quần áo cho một tuần. Nếu ở Việt Nam thì bạn vẫn thấy bẩn nếu mỗi ngày thay một bộ quần áo. Hoặc, nếu bạn đi dạo cả ngày ở New York thì mặt, mắt, mũi vẫn không đen kịt và bị bụi bít kín như ở Việt Nam.

Nếu bạn chọn cách cố thủ ở trong nhà thì cũng chưa hẳn đã an toàn. Không khí trong nhà và văn phòng làm việc cũng có thể bị ô nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau. Đáng ngại nhất là từ các sản phẩm có chứa hóa chất được sử dụng ngay trong nhà: dầu gội, sơn móng tay, chất tẩy rửa, nước lau kính, xả vải, hộp khử mùi, nước xịt phòng, chất diệt ruồi đuổi gián, xịt muỗi, thậm chí ngay cả nước hoa cũng chứa các chất độc hại cho cơ thể. Đừng ngạc nhiên nhé, bây giờ đang là kỷ nguyên của hóa học nên các chất hóa học được “đăng quang” ở khắp nơi, bạn sẽ còn gặp lại nữa. Tiếp theo là các chất độc sinh ra từ khói thuốc lá, than tổ ong, bếp dầu, bếp ga hoặc quá trình xào nướng thực phẩm. Dầu mỡ và thịt cháy sẽ giải phóng ra nhiều chất có khả năng gây ung thư. Cuối cùng phải kể đến các loại độc hại sinh ra từ sơn tường, vecni đánh bàn ghế gỗ, các loại đồ nhựa. Nếu trong phòng kín có sử dụng máy điều hòa thì thông thường các chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng khuyến cáo nhiều lần.

Nếu tiếp xúc với hóa chất này trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của da và hệ thống hô hấp, gây nên các bệnh về bạch cầu, các loại bệnh gây ung thư (ung thư mũi, họng, phổi…). Sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (do gỗ, rèm cửa, chăn gối, drap trải giường, bọc đệm ghế, thảm..) luôn cao hơn môi trường ngoài trời. Việc nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy.

Trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có khoảng 7 triệu người chết hàng năm vì ô nhiễm không khí. Tại Việt nam, số lượng người mắc các bệnh đường hô hấp cũng tăng đột biến. Trong các đô thị lớn của Việt Nam thì TP HCM được đánh giá là nơi ô nhiễm nhất, đặc biệt là bụi và khói xe. Tại đây cũng có tỉ lệ mắc bệnh lao cao nhất trong cả nước.

Những hậu quả gây ra cho sức khỏe con người không thể quy ra bằng tiền, những mất mát tinh thần và cơ hội phát triển sẽ không thể hồi lại. Ô nhiễm môi trường thực sự đang cướp đi tương lai của mỗi người dân Việt Nam.

Việt nam vốn có rừng vàng biển bạc, đồng quê xanh ngát trù phú. Nhưng giờ đây, rừng xanh đang bị tàn phá nghiêm trọng. Những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng lại phá rừng mạnh hơn cả lâm tặc. Cây xanh vốn là lá phổi giữ gìn cho đất và nước, bây giờ được thay thế bằng bê tông. Không chỉ ở các đô thị mà ngay tại các làng quê, diện tích cây xanh ngày càng ít lại. Các ngôi làng xanh bóng tre dần dần biến mất. Hi vọng khôi phục lại bầu trời trong xanh và làn gió mát xem ra ngày thêm một mong manh.

Dân khắp nơi kêu trời vì rác: khả năng cắn răng chịu khổ của người Việt Nam!

Khả năng cắn răng chịu khổ của người Việt thật đáng nể phục. Điều này được thể hiện qua những năm chiến tranh liên miên, những năm đói kém thời bao cấp hoặc trước những đối xử bất công trong cuộc sống hàng ngày. Cam chịu không hẳn là vì rộng lượng bao dung, mà có thể xuất phát từ sợ hãi, bất lực, và thiếu hiểu biết về tính nghiêm trọng của vấn đề. Đôi khi cũng vì họ không có điểm mốc để so sánh, đánh giá giữa tốt và xấu, đúng và sai. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng vậy, khi tiếng “kêu trời” lên đến mặt báo, cũng là sự chịu đựng đã vượt giới hạn, các nguy cơ đã biến thành hậu quả khủng khiếp.

Rác chất cao như núi, đè vỡ tường bao, làm chất thải, nước thải ứ đọng tràn ra khắp khu vực. Bãi rác gây ô nhiễm môi trường, gây xú uế và làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân là chuyện có thể gặp ở rất nhiều tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Ví dụ các bãi rác ô nhiễm nghiêm trọng như: Đồng Ngo (Bắc Ninh), Dốc Búng (TP. Hòa Bình), Gôi (Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định), Kỳ Phú (huyện Nho Quan, Ninh Bình), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Rù Rì (Nha Trang), An Hòa (Huyện An Lão, Bình Định), Trảng Dài (Biên Hòa), Ô Môn (TP.Cần Thơ), Đập Đá (Đồng Tháp), … Các bãi rác tại 11 huyện, thị xã, thành phố của An Giang đang ô nhiễm nghiêm trọng đã được Chính phủ đưa vào danh mục các khu, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để.

Đại dương cũng thành nơi chứa rác. Những bãi biển nổi tiếng thanh bình thơ mộng một thời, bây giờ rác cũng dập dềnh lướt ván cùng với sóng nước. Các nơi di tích lịch sử, thờ tự có biển báo thùng rác, cấm xả rác cũng không tránh được nạn này.

Nếu trên mỗi bước đường chúng ta đi, từ con hẻm cụt trong thành phố đến các ngóc ngách xó xỉnh chốn thôn quê cũng đều thấy rác, thì việc tỉnh nào, thậm chí huyện nào cũng có những bãi rác nhức nhối từ năm này qua năm khác là chuyện dễ hiểu. Trong trường hợp có xử lý rác thì cách thức chủ yếu là thu gom rồi vận chuyển đến các bãi chôn lấp, rải vôi, phun thuốc diệt côn trùng, đốt. Từ đây lại bắt đầu quá trình ô nhiễm đất và nước. 

Làng nghề thành làng…ô nhiễm

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề có môi trường (không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 46 làng nghề thuộc các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực-thực phẩm, luyện kim-cơ khí của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) mới đây cũng cho thấy 45/46 làng nghề (chiếm 97,8%) có chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,3 lần.

Việc kiểm soát và bảo vệ môi trường trong các làng nghề được coi là một thách thức to lớn. Vấn đề xuất phát từ nhiều phía, các hộ sản xuất không có ý thức trách nhiệm, các văn bản chồng chéo rối ren và lỗi thời, nhân sự yếu kém cả về trình độ chuyên môn lẫn đạo đức. Ngay cả các những người làm công tác quản lý cũng không hẳn đã nắm hết được các quy định. Mục tiêu tăng thu nhập được đặt lên hàng đầu, nên nhiều làng nghề vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Ban đầu thì là 1 vài hộ, sau đó thành một làng. Khái niệm xử lý chất thải đối với các hộ sản xuất như vậy là con số không. Những gì phát sinh ra mùi (giết mổ, chế biến nông sản thực phẩm…) hoặc phát sinh ra màu (nhuộm) hoặc khói, lửa…tóm lại là những tín hiệu ô nhiễm nhìn ngửi được thì có thể nhận biết nhanh. Còn lại thì đều lặng lẽ đi vào trong đất, nước, không khí.

7% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải

Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 639 cụm công nghiệp với gần 10.800 nhà máy sản xuất nhưng chỉ có 42 cụm có hệ thống xử lý nước thải. Nhiều nhà máy, khu công nghiệp quy hoạch sát cạnh khu vực sông nước để thuận tiện cho thông thương. Và cũng tiện cho việc xả thải, trong đó nhà máy Vedan tại Đồng Nai là một ví dụ. Dọc lưu vực sông Đồng Nai có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động trong đó rất nhiều khu không có hệ thống xử lý nước thải.

Việc quy hoạch các khu đô thị công nghiệp, thậm chí thành phố công nghiệp, tức là khu dân cư ngay gần khu công nghiệp thường xuất hiện ở Việt Nam. Hàng loạt các khu công nghiệp như vậy đã hoạt động và có khu công nghiệp đang còn trên giấy. Nhưng nếu đứng từ góc độ sinh thái và sức khỏe con người thì sẽ rất khó mà chấp nhận được ý tưởng này, chưa kể đến việc các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải. Thậm chí có khu công nghiệp còn nổi tiếng vì dám tiếp nhận những ngành sản xuất ô nhiễm mà nơi khác không nhận.

Chăn nuôi không xử lý môi trường

Ngành chăn nuôi hàng năm đóng góp khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30-60% (tùy địa phương) chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết thêm, với 16.700 trang trại chăn nuôi nhưng chỉ có khoảng 1.700 cơ sở có hệ thống xử lý chất thải, còn lại đều không có nhà xử lý chất thải chăn nuôi theo tiêu chuẩn. Tình trạng dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng… diễn ra dai dẳng nhiều năm qua có nguyên nhân không nhỏ từ môi trường. Tương tự, ngành nuôi trồng thủy sản cũng trong tình trạng chất thải nuôi tôm, cá xả thẳng ra sông, biển không qua xử lý. Chỉ tính riêng với con cá tra, tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có đến hàng triệu tấn thức ăn không được tiêu hóa hết, bị hòa tan trong nước gây lãng phí và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh khiến các hộ nuôi trồng thủy sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ô nhiễm tiếng ồn

Tiếng ồn thu hút được sự chú ý nhưng không phải ai cũng biết rằng đó thực sự là một loại ô nhiễm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đó cũng thể hiện của xã hội kém phát triển, kém văn minh. Ở Việt Nam thì lại càng đặc biệt. Có thể kể hàng loạt nguồn ô nhiễm là tiếng còi xe, tiếng động cơ nổ, tiếng loa thùng hết công suất từ các cửa hàng, tiếng rao dính chuột, bánh mì thơm ngon hai ngàn một ổ… Hệ thống loa phóng thanh được đặt khắp các xã, phường. Ngày nào cũng ca hết công suất với các chủng loại thông tin. Có nơi bắt đầu từ trước 5 giờ sáng, có nơi muộn hơn một chút. Nhu cầu thông tin và thưởng thức nghệ thuật của mỗi người đều khác nhau, khi bị ép phải nghe cùng loại thông tin thì đó cũng hại không kém ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, có hại về sinh lý, tâm lý và có tầm ảnh hưởng xã hội. Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến thính giác. Tiếng ồn có thể gây thương tích tai, làm điếc. Sống trong tiếng ồn có thể dẫn đến các bệnh đau đầu, mất ngủ, stress…

Ngoài ra còn vô số các tác nhân ô nhiễm tác động xấu đến sức khỏe con người: ô nhiễm sóng từ (điện thoại, lò vi sóng, sóng wifi, điện cao áp), ô nhiễm thông tin (các loại tin rác, tin đi ngược với thuần phong mỹ tục, tin lá cải…) đang bủa vây lấy chúng ta. Nhưng điều đáng nguy hại nhất chính là suy nghĩ của con người cũng đã bị biến chất, ô nhiễm nghiêm trọng làm cuộc sống con người đảo điên. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này trong một dịp khác.

Ô nhiễm đã vượt tầm kiểm soát

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam có nhiều các văn bản liên quan đến môi trường có thể kể đến như: Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đa dạng Sinh học, Luật Tài nguyên Nước, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng…. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường như: Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES), Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu…Tuy vậy, nhiều văn bản chống chéo nhau và không phù hợp với thực tế, không có tính khả thi. Các tiêu chuẩn môi trường có thể đưa ra rất cao nhưng gần như không có hiệu lực. Yêu cầu tiêu chuẩn A (nước rất sạch) áp dụng cho nước thải chăn nuôi là một ví dụ. Với các trang trại chăn nuôi là không thể cho dù có sử dụng kỹ thuật xử lý cao thế nào. Giải pháp “đối phó” và chịu nộp phạt chút ít, chi phong bì cùng vài bữa karaoke tỏ ra hữu hiệu trong nhiều trường hợp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam cần chi khoảng 5.5% GDP cho các tổn thất về môi trường, tính cho năm 2007 và 2008 là khoảng 3.9-4.2 tỷ USD. Đồng thời mỗi năm sẽ thiệt hại khoảng 780 triệu USD trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm. Tuy nhiên mức độ và tính phức tạp của ô nhiễm càng ngày càng tăng, con số thiệt hại không chỉ nằm ở tỷ lệ đó. Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có là bao nhiêu nữa thì việc chữa lành hệ sinh thái là việc rất khó, nhất là trong bối cảnh báo động về sự vô ý thức đạo đức của xã hội hiện tại. Những hậu quả gây ra cho sức khỏe con người không thể quy ra bằng tiền, những mất mát tinh thần và cơ hội phát triển sẽ không thể hồi lại. Ô nhiễm môi trường thực sự đang cướp đi tương lai của mỗi người dân Việt Nam. 

Sưu tầm

Một số nguồn tham khảo

http://viwa.gov.vn/Default.aspx?tabid=0&catid=119&articleid=271

http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-nganh/Nuoc-sach-cho-cac-lang-ung-thu-o-Viet-Nam/121050.vgp

http://www.vacne.org.vn/o-nhiem-khong-khi-sat-nhan-tham-lang/212316.html

http://www.thesaigontimes.vn/124961/Chi-co-42639-cum-cong-nghiep-co-he-thong-xu-ly-nuoc-thai.html

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago