Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 1/9 tại Hà Nội, ông Haoliang Xu nói rằng công luận rất quan tâm tới sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung do nhà máy thép của Formosa gây ra.
Về phần mình, UNDP sẽ giúp Việt Nam rà soát lại hệ thống pháp luật hiện có và giúp thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ quan này cũng chia sẻ những bài học quốc tế đã được đúc kết về việc các nước đã phải trả giá như thế nào và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng ra sao khi không lưu ý tới môi trường trong quá trình phát triển.
“Việt Nam không nên lặp lại vết xe đổ của một số quốc gia khác, đó là ưu tiên phát triển trước rồi dọn dẹp sau”, ông Xu khuyến nghị.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã thảo luận với các cơ quan của Chính phủ về các thách thức Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề nguồn vốn cho phát triển trong bối cảnh ODA sẽ giảm khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Ông Xu cho rằng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% của Việt Nam trong những năm tới, ODA sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần tăng các nguồn thu trong nước, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra một môi trường để kinh tế tư nhân phát triển và ưu tiên các ngành có tính đổi mới, sáng tạo.
Trong thời gian tới, UNDP sẽ không đơn thuần là nhà tài trợ vốn cho Việt Nam như trong quá khứ, mà còn trở thành đối tác giúp tăng giá trị thông qua cung cấp các giải pháp và dịch vụ cho Chính phủ, ông Xu cho biết.
Sự hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào ba vấn đề trọng tâm: thứ nhất, tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao an sinh xã hội; thứ hai, tăng cường phát triển bền vững với nền kinh tế carbon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu và thay đổi mô hình sản xuất theo hướng tiếp kiệm năng lượng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, tăng cường sự tham gia của người dân vào những quyết sách của đất nước, ông Xu, đồng thời là Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết.