Chị Hoàng Anh và con trai hiện sống ở Hà Nội. Chị đang làm việc cho một dự án của Liên Hợp Quốc. Với nhiều cách dạy con hay và khác lạ, chị Hoàng Anh mong muốn được chia sẻ cách làm của mình đến các bậc làm cha mẹ, vì mục tiêu dạy được những em bé thông minh, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Đây là chia sẻ về cách nói như thế nào để trẻ nghe lời của chị:
“Nói sao cho trẻ nghe lời?” chắc chắn nhiều bạn cũng như mình, cảm giác muốn phát khùng lên vì con bướng, bảo không nghe, khi bảo tắm không tắm, vào tắm rồi bảo ra không ra, lúc bảo ăn không ăn, gọi dậy đi học không đi…
Chia sẻ với các bạn 2 bài tủ của mình. Bài này áp dụng được với bé khoảng 2 tuổi trở lên, đang ở tuổi bướng.
1. Trò chơi 5 phút:
Khi muốn kéo con từ một hoạt động này sang một hoạt động khác, mình hay bảo “5 phút nữa con nhé”.
Ví dụ: Kapi đang say sưa xếp lego nhưng đến giờ đi tắm rồi.
– Mẹ: Kapi ơi, đi tắm đi con, tắm xong còn ăn.
– Kapi: Không, con xếp lego đã.
(Mình chủ động ra chơi với con khoảng 5 phút trước khi chuyển con sang hoạt động khác).
– Mẹ: Con đang xếp lego à? Con xếp gì đấy? Cho mẹ xem với.
– Kapi: Nhiệt tình khoe đồ mình đang xếp.
(Đoạn này giao lưu, khen ngợi tí cho con hào hứng)
– Mẹ: Ok, vậy mẹ con mình chơi 5 phút nữa rồi đi tắm nhé? Con nhìn đồng hồ xem, giờ kim dài chỉ đến số 3, bao giờ đến số 4 thì mình đi tắm nhé.
(Nên giải thích thế nào là 5 phút, rõ ràng cụ thể, vừa chỉ bé biết xem giờ, vừa cho bé cảm giác về thời gian, sau này bé cũng sẽ tôn trọng giờ giấc. Mà nói 5 phút là 5 phút thật chứ không phải 3 hay 10 phút).
– Kapi: Vâng ạ
– Mẹ: Kapi ngoan lắm, hết 5 phút mẹ sẽ gọi con.
(Trong khi đó mẹ đi chuẩn bị quần áo, nước tắm).
– Mẹ: Ôi Kapi ơi quá 5 phút rồi. Nhìn kìa, kim dài quá cả số 4 rồi, nhanh nhanh đi tắm thôi.
(Lúc này bé thường rất vui vẻ hợp tác).
|
Ảnh: Theasianparent. |
2. Trò chơi 1, 2, 3:
Cái này cũng 99% hiệu nghiệm luôn, hầu như không thất bại lần nào. Đây là hoạt cảnh quen thuộc của nhà mình:
– Mẹ: Kapi ơi, đi đánh răng thôi, đánh răng rồi đi ngủ con.
– Kapi: Chạy chỗ này, chạy chỗ kia, nói cái này nói cái nọ, không hề để ý.
– Mẹ: Kapi, 10h rồi, đánh răng đi ngủ con.
(Lúc muốn hướng dẫn con, mình nên đến gần, cúi xuống thấp bằng tầm mắt con, nhìn thẳng vào mắt con và nói chuyện. Mình nhiều khi lười hay ngồi nguyên chỗ gọi với ra, sau đó thấy con chẳng thèm nghe đành phải chạy đến gần con nói. Nên nhất định các bạn đừng ngồi một chỗ gọi với ra và ra lệnh cho con)
– Kapi: Vẫn tiếp tục chạy.
– Mẹ: Khổ ghê (Muộn rồi, mệt rồi, sắp khùng rồi). Kapi, mẹ đếm đến 3, nếu con không ngồi vào ghế đánh răng thì thôi, sâu ăn răng đừng kêu với mẹ (Nói giọng đanh thép vào và ngắn gọn. Nghỉ một tí cho con tiếp nhận, xử lý thông tin rồi bắt đầu đếm)
1, (Nghỉ tí, cho bé biết mẹ đã bắt đầu), 2 (Nghỉ tí, cho bé cơ hội suy nghĩ và hành động). Thường là đếm đến 2 là Kapi đã hớn hở, sẵn sàng rồi.
– Kapi (hớn hở): Mẹ đếm đến 2 Kapi đã ngồi vào ghế rồi.
– Mẹ: (Tỏ vẻ phấn khởi lắm): Yeah, đúng rồi, trời ơi, Kapi nhanh nhẹn quá. Mẹ chưa đếm xong Kapi đã xong rồi.
(Hò khản cổ mới thèm dừng lại mà vẫn phải khen, nhiều khi cứ phải nói cho lố lên như vậy đó).
Thỉnh thoảng mình còn thêm tiết mục nữa là “Thưởng cho con một ngôi sao”. Chỉ là chấm một cái vào áo, giả vờ tặng ngôi sao thật. Thế mà lần nào Kapi cũng thích, vừa được tặng quà, lại vừa được cảm giác chiến thắng. Có hôm Kapi còn tháo ngôi sao tưởng tượng ra tặng lại mẹ. Mẹ cũng sung sướng, trân trọng nhận. Thế là việc đánh răng đã giải quyết xong, vui vẻ cả hai mẹ con.
Kapi do được chơi những trò này nhiều nên đã quen. Nếu bạn nào lần đầu chơi nên cho bạn ý biết hậu quả nếu không nghe lời. Tức là nói đếm đến 3 mà con không làm thì phải có biện pháp mạnh hơn.
Trường hợp Kapi không nghe theo, mình sẽ xử lý:
– Ok, con không muốn đánh răng thì thôi. Sâu răng đừng kêu mẹ.
(Nói xong đi thẳng ra làm việc khác, kệ nó, không đánh răng một lần không sâu răng ngay được, chứ hù mà không làm, lần sau mất thiêng, trẻ con sẽ ‘ngồi’ lên đầu mình ngay).
– Thường là Kapi sẽ chạy theo, nói lớn “Con đánh răng, con đánh răng”.
– Lúc mình vui mình sẽ quay lại đánh răng cho, lúc bực mình thì nói: Không, mẹ không đánh răng cho con nữa, con muốn thì tự đánh đi, mẹ đợi vậy. Rồi để bàn chải, cốc đấy cho chàng tự xử, sạch thì sạch mà không sạch cũng coi như… súc miệng rồi. Thỉnh thoảng phải làm vậy cho trẻ biết điều.
Để đạt mục đích, tốt nhất bạn nên chỉ cho trẻ trước hậu quả. Như mình hồi xưa, sẽ gõ google ảnh “sâu răng” cho Kapi xem. Thằng bé rất sợ. Hoặc hôm nào đi gặp bạn nào mà răng sâu, đen sì, sẽ chỉ cho con thấy, sau đó kéo con ra một góc nói nhỏ “Đấy, con thấy chưa, sâu răng xấu chưa, răng đen sì, lại còn thủng cả răng ý chứ”.
Bạn nên nhớ kéo con ra một góc nói nhỏ thôi kẻo bạn sâu răng kia buồn nhé. Thêm vào đó, bạn có thể tận dụng ngay lúc con đang đánh răng, súc miệng hứng ra cốc rồi chỉ cho con thấy mấy cái cặn cơm rau: “Trời ơi, quá trời sâu luôn Kapi ơi, 5 con liền”, để con tin là trong răng có sâu thật, cần phải bỏ ra.
Có hôm thấy Kapi bị dắt răng, mình đưa gương cho con soi để thấy “Con thấy chưa, răng con toàn sâu thế này phải đánh răng thôi”.
Thường nhiều cha mẹ hay nói không có thời gian, nên hay ép bé từ hành động này sang hành động khác luôn. Như thế nhận được phản kháng là đương nhiên. Bạn cũng thế thôi, đang lướt Facebook mà ai gọi cũng muốn làm cho xong rồi mới đi. Bé cũng thế mà. Nên việc cùng chơi với bé khoảng 5 phút trước khi chuyển sang việc khác là rất quan trọng, tiếng Anh có câu “Connect before direct” (Kết nối trước khi định hướng).
Hoàng Anh
| |
Chấm dứt thói vòi vĩnh của con chỉ với 100 nghìn đồng | Ông bố Nhật chữa thói xấu khi ăn của con chỉ bằng một câu nói |
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…