Bạn hãy thử tưởng tượng mình có một đứa con bị sốt rét đang sốt cao, đổ mồ hôi, nôn mửa, co giật. Cứ ngỡ không phải lo lắng vì đã đi mua thuốc, bạn cuối cùng lại phải chứng kiến đứa trẻ lịm dần vì số thuốc kia hóa ra không phải thuốc thật. Đây chính là “hiện thực tàn nhẫn” của ngành công nghiệp thuốc giả trị giá hàng chục tỷ USD đang hoành hành khắp thế giới, BBC đưa tin.
“Làm giả thuốc nguy cơ thấp, lợi nhuận cao nên thu hút doanh nghiệp và tổ chức tội phạm”, ông John P. Clark, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc an ninh một tập đoàn dược phẩm lớn nói với CNN. Chạy theo món hời khổng lồ, không ít nhà sản xuất sẵn sàng làm ra những loại thuốc gây hại sức khỏe con người mà bất cứ ai cũng dễ dàng tìm thấy trên Internet, thậm chí ngay tiệm thuốc gần nhà.
Rất khó để biết chính xác lượng người tử vong vì thuốc giả mỗi năm song giới chuyên gia nhận định con số này vào khoảng 100.000 đến một triệu trường hợp. Nguy hiểm hơn, nếu như ngày trước thuốc giả chỉ hạn chế trong mảng thuốc tăng cường sức khỏe thì ngày nay mọi loại dược phẩm đều có nguy cơ bị làm giả.
Với bề ngoài giống hệt thuốc thật khó phân biệt bằng mắt thường, thuốc giả chứa không đủ hoặc hoàn toàn không chứa dược chất. Ngay cả khi chứa dược chất, nó vẫn có khả năng gây chết người bởi liều lượng không chính xác dẫn đến tình trạng kháng thuốc, vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và lao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê một phần ba thuốc sốt rét ở vùng cận Sahara là giả. Chúng len lỏi khắp các nhà thuốc, phòng khám cùng hệ thống bán hàng qua mạng, khiến hơn 120.000 người châu Phi tử vong hàng năm. Năm 2004, nhiều bệnh nhân sốt rét và HIV ở Nam Phi qua đời vì uống nhầm thuốc giả làm từ phấn trắng, bột talc, sơn đường cùng kim loại nặng.
Năm 2012, thuốc tim giả khiến 120 công dân Pakistan mất mạng. Tại Ấn Độ, 8.000 người chết trong vòng năm năm vì kháng sinh dùng sau phẫu thuật thật ra là bột mì.
Từ tháng 12/2014 đến tháng 8/2015, hơn 1.000 bệnh nhân Congo nhập viện với triệu chứng cứng cổ vốn phổ biến ở bệnh viêm màng não. Cuộc điều tra tiến hành tháng 3/2017 cho thấy họ đã uống phải thuốc chống loạn thần haloperidol dẫn đến những cơ co thắt không tự chủ ở mặt, cổ, cánh tay mặc dù bao bì bên ngoài ghi thuốc an thần diazepam (tên thị trường Valium).
Gần đây nhất, tháng 7 vừa qua, chính phủ Uganda phát hiện thuốc ung thư Avastin và Sutent giả được bày bán công khai ngay gần “gần các trung tâm điều trị ung thư tại thủ đô Kampala”.
Thuốc chữa sốt rét giả (trái) và thật. Ảnh: Popsci.
Không riêng nước nghèo mới bị thuốc giả tấn công. Theo bà Pernette Bourdillon Esteve, chuyên gia phân tích từ Hệ thống Giám sát Toàn cầu thuộc WHO, thuốc giả, kém chất lượng được sản xuất và phân phối ở mọi quốc gia với các mức độ khác nhau.
Mỹ nổi tiếng quản lý thuốc tốt với chưa tới 1% thuốc không đạt chuẩn. Tuy nhiên, chỉ 0,001% trong số bốn tỷ đơn thuốc được kê mỗi năm tiếp xúc với dược phẩm giả cũng đủ gây rủi ro cho hàng chục nghìn người.
Năm 2005, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thu hồi 18 triệu vỉ thuốc hạ mỡ máu Lipitor giả. Hai năm sau, thuốc làm loãng máu heparin giả giết chết 149 công dân nước này. Năm 2012, thuốc ung thư Avastin giả xuất hiện ở California, Illinois, Texas còn thuốc steroid kém chất lượng làm 11 người tử vong và 100 người khác nhập viện ở Boston. Đến năm 2016, có 20 người qua đời do dùng thuốc giảm đau giả chứa fentanyl mạnh hơn heroin 50 lần.
Châu Âu cũng không tránh khỏi vấn nạn thuốc giả dù là thị trường khó tính. Năm 2010, có 34 triệu viên thuốc giả bị bắt giữ tại lục địa già. Ở các nước Tây Âu, người dân chi 10,5 tỷ euro mỗi năm để mua thuốc có nguồn gốc bất hợp pháp phần lớn là thuốc giả từ mạng Internet hay câu lạc bộ đêm.
Ngoài tác động tiêu cực đến sức khỏe bệnh nhân, thuốc giả còn gây áp lực lên những nhà sản xuất chân chính và đôi khi đẩy họ ra khỏi thị trường.
Để ngăn chặn thuốc giả, nhiều giải pháp đã được đưa ra mà nổi bật là hệ thống tra cứu mã thuốc qua điện thoại mPedigree và Sproxil. Tuy nhiên, Bright Simons, người tạo ra mPedigree thừa nhận: “Ngành công nghiệp thuốc giả vô cùng khổng lồ. Những gì chúng tôi làm như muối bỏ bể”.
Ông Simons cũng cho rằng nạn tham nhũng ở một số quốc gia tạo điều kiện cho thuốc giả lan tràn. Nhà báo Roger Bate từ CNN thì lo ngại chính phủ sẽ không dám mạnh tay đối với các công ty thuốc giả bởi khoản thuế cũng như số việc làm họ tạo ra.
Chưa kể, mức phạt cho tội làm thuốc giả còn quá nhẹ so với buôn ma túy hay buôn người. Hoặc dù có nặng, người ta cũng rất khó phát hiện thuốc giả bởi người uống thuốc vốn đã thường xuyên đau ốm còn bằng chứng đã bị nuốt mất. Trên thực tế, nếu một người mắc bệnh tim mạch tử vong vì lên cơn đau tim, chẳng ai nghĩ đến chuyện phân tích thuốc.
Cuối cùng, cho tới khi các nhà quản lý thực sự ra tay, bệnh nhân vẫn phải chấp nhận đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra.
Nguồn: VnExpress
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…