Categories: Hô hấp

Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị bệnh dị ứng hen phế quản

Bệnh hen phế quản (còn gọi là suyễn) là một bệnh hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở, dẫn đến phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhày và tăng tính phản ứng phế quản. Các yếu tố này phối hợp khiến đường thở bị chít hẹp, người bệnh trong tình trạng khó thở, khò khè, thở rít. Các triệu chứng của hen diễn ra từng cơn và có thể tự hồi phục hoặc sau điều trị. Ngoài cơn hen, người bệnh thường cảm thấy bình thường, nhưng quá trình viêm vẫn diễn ra âm ỉ.

Hen có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc và tất cả các quốc gia. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một phần được cho là do tình trạng công nghiệp hoá, đô thị hoá, ô nhiễm môi trường và những thay đổi lối sống theo phương tây… Qua mỗi thập kỷ, độ lưu hành hen trên toàn cầu ước tính tăng thêm khoảng 25 – 50%, hiện thế giới có khoảng 300 triệu người bệnh hen và có thể sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2025. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 180.000 đến 250.000 trường hợp tử vong do hen, trung bình cứ 250 người tử vong thì có 1 trường hợp là do hen phế quản.

Hen phế quản là bệnh có cơ chế dị ứng trong phần lớn các trường hợp. Sự kết hợp giữa các dị nguyên gây bệnh ở trong môi trường sống (như bụi nhà, phấn hoa…) với các kháng thể dị ứng ở trong cơ thể làm khởi phát phản ứng viêm theo cơ chế dị ứng ở niêm mạc đường thở và gây ra các triệu chứng hen.

Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm của bệnh hen

Các triệu chứng của hen chỉ xảy ra trong cơn hen, ngoài cơn người bệnh thường cảm thấy bình thường. Cơn hen hay xuất hiện về đêm hoặc sau khi tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh hoặc các yếu tố kích phát cơn hen. Các triệu chứng thường gặp trong cơn hen:

– Ho khạc đờm: ho từng cơn, tăng lên khi nằm, đờm trắng dính.

– Khó thở: chủ yếu khó thở ra, tăng lên khi nằm người bệnh cảm giác như không thể đưa được không khí vào phổi.

– Khò khè, thở rít.

– Tức, nặng ngực: cảm giác như bị vật nặng đè ép trên ngực.

– Khám thực thể có thể thấy: người bệnh lo lắng, hốt hoảng, thở nhanh, lồng ngực giãn căng, co kéo hõm ức, nói câu ngắn, tím môi và đầu chi. Nghe phổi có tiếng ran rít ran ngáy.

Không phải tất cả các cơn hen đều có đầy đủ các triệu chứng trên. Các cơn hen có thể chỉ nhẹ, thoáng qua, nhưng cũng có thể rất nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh hen thường mắc kèm 1 số bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, chàm, mày đay, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn…

Nguyên nhân của bệnh hen

Nguyên nhân gây bệnh của hen hiện chưa được biết chính xác, nhưng được cho là do sự phối hợp của các bất thường về di truyền với sự “tấn công” của một số tác nhân từ môi trường sống. Bệnh có tính di truyền rõ rệt, nếu bố hoặc mẹ bị hen thì các con của họ có 25-30% nguy cơ mắc hen, nếu cả bố và mẹ cùng bị hen thì nguy cơ này tăng lên 50- 60%, nhưng nếu cả bố và mẹ đều không bị hen thì nguy cơ này chỉ khoảng 5-10%.

Các dị nguyên gây bệnh: hen phế quản là một bệnh dị ứng, có thể gây ra do nhiều loại dị nguyên khác nhau: bọ nhà, phấn hoa, biểu bì, lông súc vật, dị nguyên nghề nghiệp, nấm mốc, vẩy, phấn côn trùng, gián…

Các yếu tố kích phát cơn hen: người bệnh hen có thể bị khởi phát cơn hen cấp khi tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh hoặc các yếu tố kích phát không đặc hiệu sau đây:

– Nhiễm cảm cúm.

– Ô nhiễm môi trường: khói, bụi, hoá chất, mùi thơm.

– Gắng sức.

– Thay đổi thời tiết, thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

– Sang chấn tâm lý.

– Một số loại thuốc như aspirin, diclofenac, naproxen…

– Một số thức ăn và đồ uống có chứa gốc sulfite.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hen

– Có các thành viên trong gia đình mắc hen phế quản.

– Bản thân có mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, chàm…

– Béo phì.

– Nghiện thuốc lá, hít phải khói thuốc lá thụ động.

-Mẹ nghiện thuốc lá trong thời gian mang thai.

– Sống hoặc làm việc trong môi trường bị ô nhiễm nặng.

– Đẻ thiếu cân, đẻ non.

Chẩn đoán bệnh hen

Không có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định hen phế quản, bệnh được chẩn đoán khi người bệnh có các điều kiện sau:

– Có cơn khó thở điển hình kiểu hen.

– Có tiền sử dị ứng cá nhân và gia đình.

– Đo chức năng hô hấp và lưu lượng đỉnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn, test phục hồi phế quản dương tính.

– Loại trừ được các bệnh lý khác có biểu hiện giống hen như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Trong những trường hợp khó chẩn đoán, cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu: test kích thích phế quản với methacholine, histamin, vận động…, định lượng nồng độ nitric oxyde trong khí thở ra, đếm số lượng bạch cầu ái toan trong đờm, các test xác định dị nguyên gây bệnh…

Chẩn đoán hen ở trẻ em thường gặp nhiều khó khăn, phải dựa chủ yếu vào việc hỏi bệnh và thăm khám.

Điều trị bệnh hen

Mục tiêu điều trị

Hen phế quản không thể điều trị khỏi nhưng có thể được kiểm soát nếu có điều trị đúng, theo dõi chặt chẽ và dùng thuốc dự phòng đều đặn.

Mục tiêu của chiến lược điều trị hen là phải đạt được kiểm soát hoàn toàn, có nghĩa là:

– Có ≤ 2 lần triệu chứng hen về ban ngày/tuần.

– Không hạn chế hoạt động.

– Không thức giấc về đêm vì triệu chứng hen.

– Phải dùng thuốc cắt cơn hen ≤ 2 lần/tuần.

– Chức năng thông khí phổi bình thường.

Xác định và tránh các yếu tố làm nặng bệnh

Tất cả các yếu tố có thể làm nặng bệnh như dị nguyên gây bệnh hoặc các yếu tố kích phát triệu chứng đều cần được phát hiện và tránh tiếp xúc.

Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên: với các loại bọ nhà, không dùng các vật dụng trong nhà có khả năng bắt bụi cao như thảm, rèm treo, loại bỏ các vật dụng không cần thiết trong phòng, giặt chăn ga gối đệm hàng tuần và dùng điều hoà không khí để giảm độ ẩm trong phòng… Ngoài ra, cần tạo đủ ánh sáng và giảm độ ẩm trong nhà, lau sạch các vùng ẩm thấp để hạn chế sự phát triển của nấm mốc. Với các loại phấn hoa, nên đóng kín cửa và dùng điều hoà hoặc máy lọc không khí khi phấn hoa rụng nhiều, hạn chế ra ngoài và nên mang khẩu trang khi đi ra ngoài trong khoảng từ 5 -10 giờ sáng là khoảng thời gian phấn hoa rụng nhiều nhất.

Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích phát triệu chứng: tránh tối đa việc dùng rượu bia và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, tránh những nơi môi trường bị ô nhiễm (bụi, khói, hoá chất), tránh hoạt động gắng sức, tránh dùng các thực phẩm chứa các chất phụ gia có gốc sulfite, tránh xúc động mạnh… Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng hen như aspirin, mofen, diclofenac, propranolol cũng nên tránh sử dụng.

Ngoài ra, người bệnh hen cũng nên có lối sống lành mạnh: thường xuyên tập thể dục, duy trì một cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả, không thức khuya…

Điều trị bằng thuốc

Ưu tiên sử dụng các thuốc dùng tại chỗ (dạng xịt, hít hoặc khí dung) vì có thể phân phối thuốc trực tiếp đến phổi, tác dụng cắt cơn nhanh và gây ít tác dụng phụ hơn so với đường uống hoặc tiêm truyền.

Hai nhóm thuốc cơ bản được dùng trong điều trị hen là nhóm thuốc cắt cơn và nhóm thuốc dự phòng dài hạn.

Các thuốc cắt cơn hen: được dùng để cắt cơn hen cấp, có 4 nhóm chính:

-Cường β2 tác dụng nhanh: salbutamol, terbutalin, fenoterol

-Kháng cholinergic: ipratropium, tiotropium.

-Nhóm xanthyl: aminophyllin, theophyllin.

– Corticoid đường toàn thân: prednisolon, methylprednisolon.

Các thuốc dự phòng dài hạn:

– Được chỉ định cho các bệnh nhân hen mức độ vừa và nặng.

– Các thuốc này có tác dụng ngăn ngừa phản ứng viêm mạn tính và dự phòng được sự xuất hiện của các triệu chứng hen.

– Hiện nay, có 4 nhóm thuốc chính được sử dụng trong dự phòng hen phế quản, bao gồm: glucocorticoid dạng hít (fluticasone, budesonide, mometasone…), thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài (salmeterol và formoterol), thuốc kháng leukotriene (montelukast, zafirlukast…) và theophyllin phóng thích chậm.

Tiếp cận điều trị hen dựa trên mức độ kiểm soát: phác đồ điều trị cụ thể được căn cứ vào mức độ kiểm soát hen của người bệnh. Nếu người bệnh chưa đạt được kiểm soát hen với mức điều trị hiện tại sau 1 tháng, cần tăng bậc điều trị để đạt được kiểm soát. Nếu đạt được kiểm soát hen trong 3 tháng liên tục, cần cân nhắc giảm bậc điều trị để giảm bớt nguy cơ tác dụng phụ của thuốc và chi phí điều trị.

Theo dõi điều trị hen

Ghi nhật ký triệu chứng hen hàng ngày để đánh giá mức độ kiểm soát bệnh với điều trị hiện tại.

Theo dõi trị số lưu lượng đỉnh 2 lần mỗi ngày (sáng và chiều) bằng lưu lượng đỉnh kế Khi lưu lượng đỉnh giảm dưới 80% giá trị tốt nhất của người bệnh hoặc dao động sáng chiều lớn hơn 20%, chứng tỏ hen chưa được kiểm soát tốt, cần tái khám hoặc tình trạng hen đang xấu đi và cần được điều trị sớm.

Tái khám định kỳ: khi hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ 1-3 tháng một lần. Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ khi tình trạng hen:

– Đáp ứng kém với thuốc giãn phế quản.

– Khó thở tăng lên ngay cả khi có những vận động nhẹ.

– Diễn biến nặng dần lên.

Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – BV Bạch Mai

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago