Theo lịch, trẻ sơ sinh khi đến 4 tháng tuổi là đã được tiêm đầy đủ 3 mũi văcxin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib) hoặc 6 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib). Con gái chị Hà (Phương Mai, Hà Nội) đã 7 tháng tuổi nhưng mới tiêm được 2 mũi, trong đó một mũi dịch vụ (mũi 6 trong 1), một mũi chích trong chương trình tiêm chủng mở rộng (mũi 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib).
Chị Hà giải thích, tiêm văcxin dịch vụ rất yên tâm, bằng chứng là đứa con trai đầu tất cả mũi tiêm dịch vụ đều không có biến chứng gì. Vì thế, đứa con thứ hai chị nhất định cũng phải cho cháu ra ngoài chích. Mũi 6 trong 1 dịch vụ đầu tiên theo lịch được tiêm khi bé 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, lúc đó cháu bị nổi mẩn, hạt kê nhiều nên không chích; sau đó cộng thêm việc khan hiếm văcxin nên khi con 4 tháng tuổi chị mới cho chích được mũi 1.
“Chích được một mũi tại điểm tiêm chủng Lò Đúc, nhưng tôi không biết đến lúc nào con mới được tiêm lần hai. Các cô y tế ở điểm tiêm chủng cũng không biết”, chị Hà kể. Sau đó mẹ con chị đã đến nhiều điểm tiêm khác tại 70 Nguyễn Chí Thanh, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, thậm chí là điểm tiêm mới mở tại Bệnh viện Nhi trung ương nhưng đều nhận được cái lắc đầu.
“Một số nơi họ nói có văcxin nhưng không nhiều, nên chỉ ưu tiên cho những trẻ đã tiêm mũi 1 tại đó. Đến khi con được 7 tháng tuổi, sốt ruột quá tôi đành cho đi tiêm văcxin miễn phí tại phường. Tuần này đến lịch cháu tiêm nốt mũi thứ ba, nhưng nó đang bị sốt virus nên lại phải hoãn, mà chích miễn phí mỗi tháng chỉ tiêm một lần”, chị Hà thở dài nói.
|
Tình trạng khan hiếm văcxin dịch vụ kéo dài gần 1 năm nay. Ảnh: Quý Đoàn. |
Cũng lâm vào cảnh sốt ruột chờ đợi văcxin như chị Hà, nhưng chị Linh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) may mắn hơn vì con vừa tiêm xong mũi thứ 3 văcxin 5 trong 1 miễn phí tại phường. Con gái chị Linh được tiêm mũi một 5 trong 1 dịch vụ vào tháng 10/2014, khi đó bé được 2 tháng tuổi. Theo lịch đến tháng 11/2014 sẽ tiêm tiếp mũi 2, nhưng khi chị đưa con đến điểm chích ngừa của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thì không có văcxin. Liên tiếp những tháng sau chị gọi điện đến đây và nhiều điểm tiêm khác để hỏi nhưng đều không có văcxin.
Đến tháng 2, chị quyết định cho con đi tiêm mũi 5 trong 1 miễn phí tại phường. “Bé nhà mình giờ đã 8 tháng tuổi, tiêm được đủ 3 liều. Trộm vía trong suốt mấy tháng chờ đợi cháu không bị mắc bệnh. Vừa rồi thấy nhiều trẻ sơ sinh bị ho gà mình cũng lo sốt vó, giờ thì có thể tạm thời yên tâm”, chị Ngà nói.
Ngày 5/3, Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc (Hà Nội) thông báo hết các loại văcxin 5 trong 1, 6 trong 1, thậm chí cả văcxin tả, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella… Các điểm tiêm của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Phòng tiêm chủng quốc tế Trần Bình… cũng diễn ra tình trạng tương tự. Nhiều nơi khuyến cáo cha mẹ cách 2-3 ngày gọi lại một lần để hỏi xem có văcxin không, vì họ không biết khi nào có. Tại nhiều điểm vì lượng văcxin nhập về ít nên chỉ tiêm cho trẻ đã tiêm mũi 1 hoặc 2 tại đó.
|
Nhiều loại văcxin tại điểm tiêm Lò Đúc, thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương thông báo hết. |
Việc thiếu một số văcxin dịch vụ bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái, khi dịch sởi bùng phát mạnh mẽ khiến hàng nghìn trẻ mắc bệnh, hơn 100 ca tử vong. Theo lãnh đạo một điểm tiêm chủng, lý do văcxin dịch vụ không đủ đáp ứng là phụ huynh đổ xô đưa con đi tiêm phòng sau dịch sởi, cộng thêm những lo sợ tai biến khi tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, lượng văcxin nhập về quá ít nên chỉ trong vòng 2-3 ngày đã hết. Tình hình này kéo dài từ năm ngoái cho đến nay.
Các chuyên gia dự báo trong năm 2015, khả năng cung ứng văcxin dịch vụ vẫn sẽ khó khăn. Vì vậy, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế mới đây phải đưa ra lời cảnh báo, cha mẹ nên đưa con đi tiêm đúng lịch, đủ mũi; nếu không có văcxin dịch vụ thì nên đưa con đi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm một phần là do chờ đợi văcxin.
Qua giám sát dịch bệnh cho thấy, phần lớn ca bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác từ đầu năm đến nay là do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ văcxin phòng bệnh. Đặc biệt gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi bé 9-12 tháng tuổi.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, khẳng định việc tiêm văcxin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được chích văcxin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng. Văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…