Chỉ trong vòng 30 phút, một bé trai nặng 1,5 kg đã chào đời tại phòng cấp cứu Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội), trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ. Đây là ca sinh thường hy hữu tại Viện. Sản phụ Bùi Thị Linh, dân tộc Mường, sinh năm 1999 ở Lương Ngoại, Bá Thước, Thanh Hóa, là một bệnh nhân mắc thalassemia nặng.
Thalassemia hay còn gọi là tan máu bẩm sinh, bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Hồng cầu bệnh nhân không bền, bị phá hủy sớm làm bệnh nhân bị thiếu máu và ứ sắt.
|
Bé trai sinh non ở tuần thứ 33, nặng 1,5kg. Ảnh: Kíp trực cung cấp. |
Đêm 1/2, không khí yên tĩnh của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương bị phá vỡ bởi tiếng còi xe cấp cứu. Một nữ bệnh nhân nằm trên cáng được chuyển đến trong tình trạng da xanh nhợt do thiếu máu nặng, đang mang thai ở tuần thứ 33. Hốt hoảng chạy bên cạnh cáng, bà Hà Thị Thu, mẹ sản phụ vừa khóc thương con vừa lo cho đứa cháu bé bỏng đang nằm trong bụng mẹ. Chiếc cáng nhanh chóng được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu của Trung tâm Thalassemia.
|
Không kịp đợi bác sĩ sản đến hỗ trợ, các bác sĩ huyết học trở thành bà đỡ bất đắc dĩ. Ảnh: Kíp trực cung cấp. |
Trời rét lạnh tê tái nhưng bên trong phòng cấp cứu cả kíp trực vã mồ hôi vì lo lắng cho sự an nguy của hai mẹ con bệnh nhân. Theo các bác sĩ, khi đó huyết sắc tố của thai phụ chỉ có 48g/l, mức rất nguy hiểm; thai dưới 34 tuần, có dấu hiệu đẻ non 3 ngày trước khi nhập viện.
Các khoa, phòng liên quan phối hợp cùng kíp trực nhanh chóng vào cuộc để bệnh nhân được truyền máu ngay lập tức. Tiên lượng bệnh nhân có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào, nên mỗi người một hướng đi chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để sẵn sàng ứng cứu.
Bệnh nhân được đưa lên cáng để chuẩn bị chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tuy nhiên vừa đi được hơn chục mét thì thai phụ bất ngờ xuất hiện cơn co tử cung. Cơn co ngày càng dữ dội, bệnh nhân yếu đến nỗi không kêu được thành tiếng. Không một chút chần chừ, bác sĩ Phan Quang Hòa quyết định “cho bệnh nhân đẻ ngay, không chuyển đi nữa”. Tiếng lạch cạch dụng cụ, tiếng bước chân chạy dồn dập, những câu hội thoại ngắn gọn…, không khí phòng cấp cứu như chưa bao giờ gấp gáp đến thế.
|
Sau 30 phút, một bé trai chào đời trong niềm vui vỡ òa của các y bác sĩ, nhưng sau một phút tất cả như chết lặng vì bé không có dấu hiệu hô hấp, các bác sĩ phải thổi ngạt cho bé. Ảnh kip trực cung cấp. |
Trong khi đó, Viện liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Trung ương cử một ê kíp y bác sĩ sang hỗ trợ. Trong khi các bác sĩ sản chưa đến nơi, bác sĩ Vũ Hải Toàn vừa hô lấy nhịp vừa động viên bệnh nhân. Rất may cho người mẹ trẻ, ê kíp trực hôm đó là những bác sĩ huyết học nhưng đều là những người đã làm cha và có kinh nghiệm ít nhiều trong việc hỗ trợ thai sản.
Sau 30 phút, một bé trai chào đời trong niềm sung sướng vỡ òa của cả ê kíp bác sĩ, điều dưỡng huyết học. Tuy nhiên, gần một phút ra đời mà cơ thể bé vẫn tím tái, chưa có dấu hiệu của hô hấp. Trẻ được lau sạch đờm, kích thích thở nhưng vẫn im bặt. Cả không gian im lặng đến lạnh người.
Khi đó, bác sĩ Phan Quang Hòa nhanh tay lấy miếng gạc sạch đặt lên miệng cháu bé và bắt đầu thổi ngạt. Nghe có tiếng ọ ọe, bác sĩ mừng rỡ tiếp tục thực hiện kỹ thuật hỗ trợ hô hấp. Và rồi tiếng khóc đầu tiên của sinh linh bé bỏng đã vang lên trong phòng cấp cứu của Trung tâm thalassemia. Xung quanh nghe một tiếng “Ồ” đồng thanh và vô cùng hạnh phúc. Bé trai đẻ thường nặng 1,5 kg.
|
Lần đầu vượt cạn thành công của sản phụ 17 tuổi mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: Kíp trực cung cấp. |
Cũng vừa lúc đó, ê kíp bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đến nơi. Theo các bác sĩ, ca đỡ đẻ thành công hoàn hảo, bánh rau đầy đủ, nguyên vẹn. Cháu bé sinh thiếu tháng nên được chuyển sang Bệnh viện phụ sản Trung ương theo dõi. Sản phụ được tiếp tục nằm điều trị an máu tại phòng cấp cứu, Trung tâm thalassemia.
“Gần như cả đêm tôi không chợp mắt được. Tôi vẫn còn cảm giác hồi hộp và vui sướng khi đón em bé chào đời. Đây là kỷ niệm đặc biệt nhất từ khi vào nghề của tôi”, bác sĩ Vũ Hải Toàn thở phào nói.
Thùy Linh
Nguồn: VnExpress
Mạn sườn phải (hạ sườn) là vùng bụng dưới bờ sườn cũng chính là vị…
Các căn bệnh tiêu hoá thường gặp trong mùa thu đông như viêm loét dạ…
Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguy cơ dẫn đến xơ gan, suy…
Trong các loại hình thể thao, bơi phối hợp các động tác vận động toàn…
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận chức năng…
Trong cuộc sống, hiện tượng đỏ mặt chỉ xảy ra khi đi nắng, uống rượu…