Categories: Nuôi dạy trẻ

Sai lầm của các mẹ khi cho con ăn toàn cá không xương

Nhiều bé lớn rồi mà còn không biết cá… có xương, vì mẹ toàn gỡ sẵn cho ăn, nên nếu mẹ nhỡ có sơ ý thì con sẽ bị hóc ngay.

Chia sẻ dưới đây là của chị Phạm Thị Hoài An, một nhà báo, bà mẹ có con gái 4 tuổi, về những cách giúp con thích ăn rau, cá… và coi việc bếp núc, ăn uống là một niềm vui.

Thực ra, lười ăn rau với hóc xương cá chẳng có gì liên quan đâu, nhưng đấy là “bề mặt” thôi, còn sâu xa một tí thì cũng liên quan đấy các mẹ ạ.

Chẳng là có mẹ hỏi mình: “Sao bạn Nim ăn rau siêu đẳng thế ạ?”, “Sao chị dám cho bạn ấy ăn loại cá lắm xương thế? Không sợ con bị hóc xương ạ?”… Nói thật là mỗi lần cho con ăn cá cũng run, và không phải ngay từ đầu bạn Nim đã thích ăn rau, củ, quả ngay đâu. Qua hỏi han, giao lưu tìm hiểu thì mình nhận thấy các mẹ hỏi chủ yếu là có “hiện tượng” thế này:

– Hầu như bữa nào cũng như bữa nào, toàn chiêu đãi con những bữa ăn hoàn hảo. “Hoàn hảo” nghĩa là thế nào? Là cơm cá đã được gỡ xương trộn đều để trước mặt, không còn tí “dấu vết” nào là con đang “ăn cơm với cá”, xong cũng chẳng giới thiệu cho con: “Mẹ mời con ăn cơm cá nhé!” mà thay vào đó là “Nào, ăn đi con, ăn nhanh nào!”… Là các bát hoa quả đã được gọt hết vỏ, tách hết hạt, con chỉ cần bỏ tủm vào miệng mà không cần quan tâm nó là quả gì, nó có hạt/hột không… Là món rau đã được băm nhỏ/nấu nhừ… Từ bé đã thế rồi, lớn lên cũng vẫn cứ thế cho nhanh.

– Phòng bếp không phải chỗ của con! Bếp là nơi nguy hiểm, con không nên loanh quanh ở đấy, nào thì dao kéo, nào thì nước nôi, rồi con sờ mó vào thực phẩm bẩn hết chân tay quần áo, nói chung là phiền, nên con không cần vào bếp quá sớm làm gì cho… mẹ mệt công dọn dẹp.

Bé Nim, con gái chị Phạm Thị Hoài An: “Đi du lịch nhưng bữa nào con cũng ăn đầy đủ rau và quả tươi. Trước mặt con là súp bí ngô”. Ảnh: NVCC.

Mình thì làm ngược lại hoàn toàn hai điều trên:

1. Biết mình được ăn cái gì, màu sắc thế nào, hương vị nguyên bản ra sao theo mình rất quan trọng đối với việc ăn uống. Trẻ con cũng thế, ăn uống thực ra cũng là chơi, là học, là khám phá. Nếu các mẹ chỉ cho con ăn để no bụng, để lớn khỏe thì thiệt thòi con quá.

Từ rất sớm, mình luôn cố gắng cho con biết con được ăn gì ngay từ khi bắt đầu nấu nướng. Ví dụ việc ăn cá, nhiều bé lớn rồi mà còn không biết cá… có xương, vì mẹ toàn gỡ xương sẵn cho ăn, nên nếu mẹ nhỡ có sơ ý thì con sẽ bị hóc xương ngay. Mình luôn cho con quan sát mình gỡ xương, lúc đó mẹ sẽ nói: “Con nhìn này, đây là xương cá nhé, nếu nuốt phải sẽ rất đau, mẹ sẽ giúp con gỡ xương, nhưng có thể sẽ có cái xương bé mà mẹ không nhìn thấy nên khi ăn cá, con phải nhai chậm như này, nhai kỹ như này, để lưỡi giúp con phát hiện xương nhé”. Nhiều lần như thế, con biết cứ ăn cá là phải ăn cẩn thận, mà khi đã ăn cẩn thận là nhai kỹ thì nguy cơ hóc xương là rất thấp.

Chuyện ăn cá chỉ là một ví dụ nhỏ thôi, mà củ, quả cũng vậy, nếu con được cầm, được ngắm nghía những thực phẩm tươi ngon, được mẹ cho nếm, cho hít hà để xem món đó thế nào thì tự con sẽ tò mò và… tự tin hơn khi ăn món đó lúc đã được nấu lên. Chưa kể, những quan sát từ quá trình chế biến đến thành phẩm món ăn còn là một cơ hội để mẹ cùng con có nhiều “nhận xét” thú vị, giúp con học hỏi thêm nhiều điều.

2. Mình rón rén đưa con vào bếp từ khá sớm, và chẳng còn cách nào khác là chuẩn bị, dọn dẹp để con có một vị trí đủ an toàn trong bếp, bên cạnh mẹ. Con ướt áo tí không sao, con xả nước nhiều không sao… vì đó chính là cơ hội cho mẹ dạy con làm thế nào để không ướt áo, dùng nước sao cho tiết kiệm. Các thử thách trong bếp cho Nim cứ thế ngày một “khó nhằn” hơn, từ rửa củ quả, đến nạo vỏ, thái miếng to, thái hạt lựu, rồi rửa bát, xới cao, rót dầu ăn vào chảo, đảo thức ăn, đập trứng, đánh trứng… Mẹ có phụ bếp hăm hở như bạn, tuy hơi mệt hơn nhưng bù lại rất vui, vui từ lúc nấu đếu lúc ngồi ăn, vì thực ra, chẳng ai uể oải khi ăn món mình nấu cả, bọn trẻ con hình như cũng thế, nấu có tệ thì vẫn cố mà bảo ngon rồi ăn cho hết.

Đến bây giờ, Nim có thể ăn đủ loại rau củ, rau gia vị gì cũng ăn, thậm chí nhắm mắt cũng biết là đang ăn rau mùi hay rau húng. Cái gì con thích thì ăn nhiệt tình, cái gì chưa thích thì nếm dần cho quen. Thử thách bếp của bạn cũng hấp dẫn, chẳng hạn, mẹ mua thực phẩm về, sẽ đọc thực đơn như: Mình có món thịt gà rang gừng xả, rau muống luộc cho bữa một bữa hai có món đậu phụ xốt cam, trứng rán thịt xay nấm, rau cải cúc… rồi cho bạn mở hộp xếp các thực phẩm trong đó vào đúng theo nhóm thực đơn. Cái này có vẻ dễ vì từ bé Nim đã được mẹ giới thiệu các loại thực phẩm rồi, gì chứ không thể nhầm củ hành với củ tỏi được. 

Khó hơn thì mẹ bày hết thực phẩm ra, rồi giao cho bạn làm bếp trưởng, quan trọng cực, được lên thực đơn cho cả nhà cơ mà, mẹ còn dạy bạn lấy một cuốn sổ để ghi lại các thực đơn bạn nghĩ ra cho “trang trọng”. Bạn sướng lắm, chọn cái nọ nấu với cái kia xong nhiều lúc băn khoăn phết, hỏi mẹ không biết nấu lên có hợp không? Thường thì mẹ sẽ gợi ý/góp ý nếu bạn hỏi, cũng có lúc mạo hiểm nấu theo “sáng tạo” của bạn, sao không thử chứ, bọn trẻ luôn mang đến những điều kỳ diệu mà.

Thế đấy, thực ra, bố mẹ có thể chơi với con, truyền cảm hứng cho con bất cứ khi nào, bất cứ đâu với bất cứ “đồ chơi” gì là như vậy. Đừng giới hạn các con ở trong bất cứ một khuôn khổ nào do bố mẹ vạch ra.

Phạm Thị Hoài An

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago